Trước thông tin về các vụ việc nhầm con đáng sợ gần đây, nhiều người đang rất hoang mang vì sợ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Để hạn chế tối đa nguy cơ này, đừng quên tham khảo những kinh nghiệm đi đẻ cực hay của các bà mẹ bỉm sữa cũng như tìm hiểu quy trình sinh nở ở các bệnh viện.
Video: Quy trình trao - nhận trẻ sau sinh tại BV Phụ sản TW
Bấm ngay Subscribe / Đăng Ký xem video hay mới nhất >>
Bí quyết tránh nhầm con sau sinh
Không ai muốn việc nhầm con sau sinh xảy ra với mình nên hầu hết các bà mẹ sắp sinh đều rất quan tâm tới vấn đề này. Để tránh nhầm lẫn, mỗi người có những cách khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh sinh nở cũng như quy trình sinh con tại Bệnh viện mà mẹ chọn. Dưới đây là một số kinh nghiệm hay được các bà mẹ chia sẻ.
Chị Nguyễn Kim Thoa (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình sinh bé Chíp được 4 tháng rồi. Dù thời gian đó 2 vụ việc trao nhầm con chưa được tiết lộ ồn ào trên báo đài nhưng vợ chồng mình cũng có bàn bạc đến bởi cũng nghĩ đến sự việc hy hữu có thể xảy ra do một ngày tại bệnh viện phụ sản có tới hàng trăm ca sinh nở. Trước ngày đi đẻ, mình đã dặn kỹ ông xã phải chụp ngay ảnh con lại khi con được đưa ra với bố. Chồng mình còn kể lại, anh còn bỏ hẳn mũ của con ra xem con có nhiều tóc hay ít tóc. Vì mình đẻ thường nên thời gian xa con cũng không nhiều. Vì vậy mà cả mình và người nhà vẫn ghi nhớ được khuôn mặt con khi chào đời. Vì vậy việc nhầm lẫn là không thể xảy ra.”
Còn chị Hà mới sinh con mổ con đầu lòng tại bệnh viện phụ sản Thanh Hóa cho biết: “Ở bệnh viện chỗ mình sẽ có 2 vòng số đeo cho mẹ và bé, 1 thẻ số người nhà giữ để nhận bé. Số của 3 cái đấy là trùng nhau. Thông thường thẻ số người nhà được in sẵn có đóng dấu bệnh viện. Còn 2 vòng số kia đến khi sinh người ta viết vào: số thứ tự, tên mẹ, năm sinh của mẹ và tên con dự định (nếu có). Chất liệu vòng số không thấm nước và viết bằng bút không xoá được. Khi đứa bé mới chào đời, người ta sẽ đưa cho bạn nhìn số của 2 chiếc vòng là khớp nhau, sau đó đeo 1 cái vào tay của mẹ, 1 cái vào chân của bé. Chiếc vòng được cố định không tháo ra được (chỉ dùng kéo để cắt) nên sẽ không có sự nhầm lẫn nếu y tá thực hiện đúng các bước theo quy trình. Còn lúc bé đi tắm có vòng số ở chân rồi (không sợ bị mất dấu nhé) người nhà nhận bé qua thẻ người nhà được phát (trùng với số mẹ, số bé). Điều quan trọng là lúc người ta đối chiếu 2 vòng số mẹ và bé thì mẹ đủ tỉnh táo để nhìn rõ hai số khớp nhau, sau đó so sánh với số trên thẻ người nhà là chắc chắn sự nhầm lẫn không thể xảy ra.”

Cũng chia sẻ về vẫn đề này, chị H. Kin (hiện đang sinh sống tại Mỹ) cho biết việc sinh con tại đây chắc chắn không thể có sự nhầm lẫn bởi tại các bệnh viện ở Mỹ đều đã chuẩn bị sẵn những chiếc vòng có gắn chíp với mã số mẹ và con giống nhau. Khi em bé được đặt cạnh mẹ nếu đúng là mẹ con thì còi trên vòng sẽ bình thường nhưng nếu không đúng sẽ kêu inh ỏi. “Thêm nữa là sinh con tại Mỹ mỗi người một phòng nên ít có nguy cơ nhầm lẫn. Bé được đeo vòng có gắn chíp nên không ai có thể đưa bé ra khỏi bệnh viện bởi còi sẽ hú lên báo động. Đến ngày ra viện sẽ có bảo vệ tới kiểm tra giấy tờ và mở vòng ra sau đó sẽ hộ tống ra tới xe.”, chị Kin chia sẻ thêm.
Tìm hiểu quy trình sinh nở tại bệnh viện
Mặc dù những lo lắng của các bà mẹ là có cơ sở tuy nhiên ngày này quy trình trao – nhận con tại các bệnh viện phụ sản được tiến hành rất nghiêm ngặt và khoa học. Hầu hết tại các bệnh viện như bệnh viện phụ sản Trung ương, bệnh viện phụ sản Hà Nội, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Bưu điện… đều có những chiếc vòng gắn mã số giống nhau, tên mẹ và bé, ngày tháng năm sinh trên vòng… để đeo cho mẹ và bé ngay sau sinh. Việc của các bà mẹ là tỉnh táo để đối chiếu 2 mã số này giống nhau là được. Những chiếc vòng này cũng không thấm nước, chữ viết bằng bút không xóa được, vòng đeo vào chân bé cũng không tháo ra được mà phải dùng kéo cắt nên nguy cơ xảy ra việc trao nhầm là không thể.
Mặc dù vậy, quy trình sinh nở ở mỗi bệnh viện không giống nhau. Khi đã đăng ký sinh ở bệnh viện, thai phụ nên tìm hiểu trước quy trình sinh để không bỡ ngỡ và có cách tránh nhầm con hợp lí nhất.
Tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), khi làm thủ tục nhập viện, sản phụ sẽ được đeo một vòng tay ghi đầy đủ họ tên, năm sinh và mã số nhập viện (mã số bệnh nhân). Sau đó sản phụ sẽ lên phòng chờ sinh, khi có dấu sinh sẽ được chuyển qua phòng sinh.
Khi em bé vừa lọt lòng, bác sĩ, điều dưỡng sẽ nâng bé lên cho mẹ xem mặt và xác định rõ giới tính
Đối với trường hợp sinh thường, bé khỏe thì ngay sau khi sinh, bé sẽ được giao trực tiếp cho mẹ, nằm ngay cạnh mẹ trên giường sinh. Mọi việc vệ sinh, mặc đồ, quấn khăn cho bé được điều dưỡng thực hiện ngay tại chỗ, bên cạnh mẹ
Bé được cân ngay cạnh bàn sinh của mẹ. Điều dưỡng sẽ ghi thông tin của bé (tên mẹ, giới tính bé, ngày giờ sinh, cân nặng) vào vòng tay và đeo vô cho bé.
Em bé được đeo cả hai vòng thông tin của mẹ và bé. Bé và mẹ sau đó được đưa về phòng hậu sản
Từ lúc bé được sinh ra cho đến lúc hai mẹ con cùng về phòng hậu sản, em bé không rời mẹ, không được bế đi đâu hết, mẹ đâu con đó. Như vậy để đảm bảo, không có việc trao nhầm em bé này cho sản phụ khác", điều dưỡng Diệp cho biết.
Với em bé khi sinh ra yếu, cần hồi sức thì sẽ có thêm sự hỗ trợ của bác sĩ nhi ngay tại bàn sinh và hồi sức cho em bé tại phòng sinh.
Với trường hợp sinh mổ, khi được chỉ định mổ, sản phụ sẽ được đeo thêm một vòng tay nữa ghi đầy đủ thông tin của sản phụ giống y như vòng tay của sản phụ được đeo khi nhập viện chờ sinh.
Với trường hợp sinh mổ, sau đó mẹ phải được hồi sức, chuyển lên phòng hậu phẫu. Còn em bé sẽ được giao cho người nhà (ba, ông bà nội ngoại - có xác minh, chứng minh nhân dân) chăm sóc ngay tại phòng nhi của khoa sinh.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cũng từng là Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), cho biết, trong suốt thời gian làm ở cả hai bệnh viện chưa gặp phải trường hợp trao nhầm con nào. “Chúng tôi quy định và tuân thủ theo một quy trình rất chặt chẽ để không thể sai sót nhầm con xảy ra. Trao nhầm trẻ cho mẹ là một điều rất kinh khủng, chẳng ai muốn bao giờ”, bác sĩ Tuyết nói.

Tại BV Phụ sản Trung Ương, theo chị Phó Thị Quỳnh Châu, Điều dưỡng trưởng Khoa đẻ, thì trước năm 2011, BV Phụ sản Trung ương đánh dấu các cặp mẹ -con sản phụ bằng các bộ số nhôm: một mặt ghi năm, một mặt ghi số thứ tự em bé sinh trong năm, được đeo vào cổ em bé và tay mẹ. Bộ số này chỉ cấp một lần, không cấp lại. Kèm theo đó là bộ đồ sơ sinh gồm 3 áo và 1 mũ có cùng thông tin. Khi tắm cho bé, hộ sinh phải đối chiếu đúng số của mẹ-con kèm số ở áo sơ sinh. Hết năm sẽ hủy bộ số đã dùng cùng đồ sơ sinh chưa dùng đến. Nhưng việc dùng bộ số nhôm bất tiện khi phải luồn cước nên dễ bị tuột, nên BV đã thay bằng những chiếc vòng nhựa ghi thông tin bằng mực không phai sau khoảng 20 năm dùng cách đeo bộ số.
Ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ - giám sát giới tính, giờ sinh, rồi đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ. Nhân viên y tế hỏi tên đứa trẻ rồi viết bệnh án, đồng thời, ghi thông tin 2 mẹ con và số thứ tự sinh vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mực không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào chân con. Xong xuôi, các nhân viên y tế mới tiếp tục các thủ thuật với người mẹ. Cho đến khi chuyển 2 mẹ con ra phòng sau đẻ, em bé vẫn nằm nguyên trên bụng mẹ. Trong trường hợp em bé bị bệnh lý phải chuyển xuống Khoa Sơ sinh, phải có nhà đi cùng.
Chúng tôi trò chuyện thêm với sản phụ Lê Thị Hà (25 tuổi ở Khu Văn hóa Gia Lâm, Hà Nội) sinh vào đầu giờ sáng ngày 14-3, chị cho biết, đến khi được chuyển từ phòng đẻ ra phòng sau đẻ, chị hoàn toàn không phải rời con một phút.
Chị Phó Thị Quỳnh Châu cho biết thêm, khi cuộc sinh nở bắt đầu, sản phụ được BV phát 3 áo sơ sinh và một mũ đã hấp tiệt trùng. Khi tắm, gia đình sẽ trực tiếp đưa áo cho hộ sinh thay và khi về, gia đình mang về hoặc hủy bỏ để tránh nhầm lẫn. Bộ vòng mẹ-con có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác. Số vòng do chị Phó Thị Quỳnh Châu trực tiếp quản lý, phát từng ngày theo số sản phụ và em bé chào đời.
Với qui trình hiện đại này ở BV Phụ sản Trung ương, không thể có chuyện nhầm con. Vì thế, mong muốn các BV khác học tập để ứng dụng qui trình này, nhằm khắc phục những lỗ hổng có thể dẫn đến việc trao nhầm trẻ, nhất là khi các vụ việc đã và đang được phát hiện nhiều thêm.
Lời khuyên của chuyên gia
Dù quy trình đã rất chặt chẽ, theo Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, sản phụ và gia đình nên thực hiện 4 biện pháp sau để tránh nhầm lẫn: - Sản phụ cần khai đầy đủ thông tin, gồm họ tên, tuổi, địa chỉ gia đình, số điện thoại khi nhập viện. - Dự kiến đặt tên con (tên con có thể ghi bằng bút mực không nhòe vào cơ thể bé) - Luôn giữ đeo số cho mình và bé. Đối chiếu số của bé và mẹ sau mỗi lần tắm xem có trùng nhau không. - Phối hợp với với BV để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Gần đây, liên tiếp hai vụ trao nhầm con đã được phát hiện chỉ trong một tuần. Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, và trường hợp gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội). Mọi việc chỉ được sáng tỏ khi gia đình đưa người trong cuộc đi xét nghiệm ADN. Hiện tại, các gia đình đang nhờ cơ quan chức năng tìm người thân nhưng hiện chưa có kết quả. |
VietBao.vn (Tổng hợp)