Ở Gia Lai có hai thương hiệu mà hầu hết mọi người dân ai cũng biết là Hoàng Anh Gia Lai và Cty Đức Long. Hai ông chủ trẻ cùng tuổi Hổ (sinh 1962) góp phần làm cho bộ mặt phố núi thay đổi nhanh chóng.
 |
Bùi Pháp |
Nếu như câu lạc bộ bóng đá HAGL của bầu Đức nổi đình nổi đám cả nước thì bến xe Đức Long của ông chủ Bùi Pháp cũng khá ấn tượng khi khách thập phương đến Gia Lai.
Là con út trong một gia đình có đến 7 anh chị em, quê ở huyện miền núi nghèo Đức Long (Hoài Ân, Bình Định), cha mất từ khi mới lên ba, Bùi Pháp sớm thấm cảnh nhọc nhằn của mẹ gồng gánh nuôi cả gia đình.
Từ bé Pháp đã nuôi chí học tập bởi ở vùng quê nghèo này chỉ có sự học là lối duy nhất thoát khỏi kiếp lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Khi vừa học hết lớp 9, gia đình vẫn chưa hết khó khăn, Pháp từ bỏ ước mơ thành danh theo con đường khoa bảng, bỏ học ở nhà giúp mẹ cày cuốc.
Thứ Sáu ngày 13 tháng 9 năm 1978, người mẹ già lấy ra một chỉ vàng và 170.000 đồng - tài sản mà cả đời bà dành dụm được trao cho con trai út và dặn:
Con cầm lấy chút vốn này đi học lấy một cái nghề kiếm kế sinh nhai, tự lo cho tương lai. Mẹ già rồi, ở đây lo cho mình được, song không thể lo được cho tương lai của con”.
Anh cầm lấy món tiền mẹ trao trong nước mắt rồi từ biệt quê hương ra đi. Đây là lần đầu tiên xa gia đình lại đến vùng đất Gia Lai-Kon Tum mà lúc đó nhiều người nghe đến phát khiếp bởi Fulrô, sốt rét, ai cũng lo lành ít dữ nhiều.
Mình đi lên từ nghèo khó nên rất quý trọng sức lao động, quý trọng vốn liếng. Thành công chắc không phụ người chịu làm! 
|
Phố núi Pleiku bấy giờ còn hoang sơ lắm. Pháp tự nghĩ: Phải chọn nơi nào để học nghề không phải đóng học phí mà vẫn học được, phải có tương lai! Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định tìm thầy học nghề cơ khí.
Cả nước đang thúc giục “cơ giới hóa nông nghiệp, điện khí hóa nông thôn” rồi đây máy móc đưa về thay trâu, nghề cơ khí thiếu gì việc để làm. Nghề này đòi hỏi có sức khỏe, tính chịu khó, cần cù, tỉ mỉ, độ chính xác cao.
Ban ngày học nghề, ban đêm anh ôn luyện và học thêm võ thuật thi đấu trên các sàn đài miền Trung để... kiếm thêm thu nhập. Bây giờ nhìn lại anh bảo: Dù không thành đạt trên cả hai lĩnh vực cơ khí và võ thuật song hai ngành này đã giúp tôi rất nhiều. Học võ giúp người ta bình tĩnh, tự tin và quyết đoán khi xử lý các tình huống còn nghề cơ khí góp phần rất lớn để thành đạt trên lĩnh vực sản xuất gỗ sau này.
Đi lên từ gỗ
So với nhiều đại gia làm gỗ ở phố núi, Bùi Pháp vào nghề khá muộn, mãi đến cuối năm 1995 anh mới đoạn tuyệt với công việc thợ cả một xưởng cơ khí chế tạo máy để ra riêng lập nghiệp, song không phải theo nghề đã học mà chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là chế biến gỗ.
Thời đấy chế biến gỗ với sản xuất cơ khí như môi với răng. Bởi để làm ra sản phẩm gỗ thành phẩm phải có máy móc thiết bị do cơ khí tạo ra. Những ông chủ lớn trong ngành gỗ Gia Lai, Kon Tum thời bấy giờ không mấy quan tâm đến việc chế biến gỗ, chỉ “mánh mung” có được cái giấy phép khai thác là tha hồ vào rừng lấy gỗ, bán trao tay lấy tiền tỷ.
 |
Bến xe Đức Long |
Bùi Pháp thấy các xưởng xẻ gỗ làm nhà, làm đồ tiêu dùng rất ít và sử dụng gỗ rất lãng phí. Bằng số vốn dành dụm được và huy động thêm gia đình, bạn bè anh mở một xưởng chế biến nhỏ chưa đầy 1.000m2 mang tên Đức Long. Máy móc thiết bị thô sơ đơn giản, chủ yếu làm gỗ dân dụng và hàng gia công.
Vận may đến với anh bởi thời điểm này nhiều Cty sản xuất đồ gỗ trong khu vực châu Á thường xuyên lên Tây Nguyên thăm dò thị trường và tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
Một Cty Nhật Bản khi đến xưởng chế biến gỗ Đức Long nhìn thấy phân xưởng tuy nhỏ nhưng bố trí khoa học, làm việc bài bản nên họ mạnh dạn hợp tác đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm.
Người Nhật rất quan tâm đến độ chính xác, tính tỉ mẩn trong từng chi tiết, đức tính này đã được Pháp “luyện” lâu trong lò cơ khí nên các chuyên gia Nhật rất hài lòng.
Nguồn nguyên liệu gỗ ở Tây Nguyên lúc này rất lớn, đầu ra đã được bao tiêu, đây là cơ hội tốt để Đức Long nâng cấp thiết bị, mở rộng nhà xưởng.
Nguồn hàng của xí nghiệp dần dần vượt khỏi thị trường Nhật Bản vươn đến 25 nước trên thế giới với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Singapore...
Đến nay Đức Long có ba nhà máy với 7 dây chuyền chế biến gỗ hiện đại, tổng diện tích nhà xưởng gần 100.000m2. Doanh số xuất khẩu đơn vị mỗi năm gần chục triệu USD.
Nhiều năm liền Xí nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai được Chính phủ, các Bộ ngành và tổ chức TƯ ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý:
Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2004, Cờ thi đua nhiều năm liền, bằng khen, giấy khen, bằng ghi công, Cúp vàng ISO, chìa khóa hội nhập.
Cá nhân giám đốc doanh nghiệp được tặng thưởng danh hiệu: Nhà quản lý giỏi, Doanh nhân tiêu biểu, Doanh nhân APEC.
|
Công ty trở thành một trong những đơn vị mạnh của cả nước về sản xuất đồ gỗ cao cấp với ba dòng sản phẩm chính: Đồ gỗ nội thất (hàng trăm chủng loại) ván lót sàn và đồ gỗ ngoài trời bằng nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng.
Công nghệ chế biến gỗ của Đức Long thuộc loại tiên tiến hàng đầu khu vực châu Á. Duy trì, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chế biến gỗ kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 , chứng chỉ COC Qualior do Cty SGS ( Anh) cấp năm 2002, chứng chỉ FSC-COC do Cty Smart (Mỹ) cấp tháng 5-2007 nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm Đức Long.
Mở rộng ngành nghề
Năm 2003, Xí nghiệp tư doanh Đức Long đầu tư vào lĩnh vực mới: Xây dựng khách sạn Đức Long - Gia Lai tiêu chuẩn 3 sao tại phố núi Pleiku. Từ năm 2004, mảng thi công xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn Tây Nguyên cũng tạo cho đơn vị giải quyết được nguồn lao động đáng kể.
Đầu năm 2005 Đức Long mạnh dạn đầu tư xây dựng dịch vụ bến bãi đỗ xe đầu tiên trong cả nước 100% vốn tư nhân ở Gia Lai và dịch vụ xe buýt ở Gia Lai vốn 40 tỷ đồng mà không hề xin ngân sách bù lỗ.
Bến xe Đức Long-Gia Lai đi vào hoạt động tạo được sự tín nhiệm lớn của mọi người với hệ thống dịch vụ sang trọng, thoáng mát, khép kín, tiện lợi. Năm 2006, Đức Long còn mở rộng sang lĩnh vực địa ốc với việc khởi công xây dựng hai dự án chung cư cao tầng tại TP Pleiku Gia Lai gồm 1 Blốc 22 tầng và 1 Blốc 18 tầng.
Khu Resort ở Quảng Ngãi với diện tích 35 ha sát bãi biển cũng đang khẩn trương xây dựng. Đời sống cán bộ nhân viên đơn vị ngày càng nâng lên, năm 2006 bình quân lương công nhân Đức Long là 1,5 triệu đồng/tháng. Sắp tới khi đơn vị cổ phần công nhân sẽ hưởng nhiều ưu đãi trong việc góp vốn phát triển doanh nghiệp.
Khát vọng vươn xa
Những ngày này Bùi Pháp khá tất bật với công việc chuyển đổi từ doanh nghiệp một người nắm quyền thành Cty cổ phần theo mô hình tập đoàn có đến 11 Cty con.
20 giờ tối một ngày cuối tuần, vừa họp xong với lãnh đạo đơn vị, Bùi Pháp hẹn tiếp chúng tôi mà tô mì tôm bốc hơi cô nhân viên mang tới vẫn phải gác lại bên cạnh.
Bùi Pháp vẫn nụ cười ấm áp, cởi mở: “Công việc bận rộn gấp gáp quá, nên các anh thông cảm. Hy vọng vài tháng nữa sẽ đâu vào đấy”.
Hỏi về các dự án sắp tới, khi tập đoàn đi vào hoạt động, Pháp cho hay: Tiếp tục thực hiện toàn bộ kế hoạch của Xí nghiệp tư doanh Đức Long chuyển sang như đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đức Long Tower 90 tỷ đồng ở TP Pleiku và khu nghỉ dưỡng ở Dung Quất, Quảng Ngãi (70 tỷ đồng).
Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Khu tiểu thủ công nghiệp Diên Phú, Pleiku. Sẵn sàng để bắt tay vào đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su liên doanh với các tập đoàn lớn như Tổng Cty hóa chất, Tập đoàn cao su và Tổng Cty 15... tại khu công nghiệp Nam Hàm Rồng, Gia Lai.
Triển khai xây dựng nhà máy chế biến gỗ ở Khu công nghiệp Mai Trung, Bình Dương, xây dựng 4 cao ốc tại TPHCM, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Gia Lai, Lâm Đồng.
Cty cũng đang thương thảo với một số đối tác trong việc triển khai xây dựng một số nhà máy thủy điện tại Lào và Campuchia. Phấn đấu mỗi năm trồng mới 1.000 ha cao su kể từ năm 2007 với toàn bộ dự án 10.000 ha cao su.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu có quá tầm hay không giữa thực lực của đơn vị với những dự án lên đến vài nghìn tỷ đồng, anh Pháp cho biết:
Cty cổ phần tập đoàn Đức Long với các cổ đông chiến lược như Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng Cty 15, Cty cổ phần ETV và các đối tác chiến lược ở Nhật, Singapore, Hà Lan...nên việc huy động các nguồn vốn không phải là vấn đề nan giải.
Huỳnh Kiên - Văn Chính