Những thanh kim loại mảnh hơn bề rộng sợi tóc người 500 lần đã được một nhóm nghiên cứu Canada biến thành loại cánh quạt tí hon, có thể quay tít khi được gắn với miếng xốp silicon.
![]() |
Cánh quạt nano, quay tít trước sự hỗ trợ của "nhiên liệu" hydro peroxit. |
Chuyển động của chúng được thúc đẩy nhờ bổ sung hydro peroxit (H2O2) vào dung dịch chứa. Phản ứng xảy ra ở các đầu tự do sẽ giải phóng bong bóng khí để cung cấp lực đẩy, quay các thanh cánh quạt với một tốc độ gần như liên tục. Chỉ đến khi nguồn hydro peroxit cạn kiệt, "cánh quạt" mới ngừng quay.
Nhà khoa học Geoffrey Ozin và cộng sự tại ĐH Toronto đã sử dụng các thanh nano một đầu bằng vàng và đầu ngắn hơn bằng nickel. Các thanh này được gắn với miếng xốp silicon tại đầu vàng, vì vàng không phản ứng với hydro peroxit. Trong khi đó, nickel lại đóng vai trò chất xúc tác trong phản ứng phân huỷ tạo ra ôxy và nước từ H2O2.
Khi các bong bóng ôxy nổi lên trên bề mặt nickel, nó sẽ tạo ra hiện tượng đẩy khí đối với các thanh nano. Nhóm nghiên cứu khám phá ra hành vi của thanh nano một cách hoàn toàn tình cờ. Chúng quay theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, và thể hiện nhiều kiểu chuyển động vòng tròn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng nếu động cơ nano có tương lai, họ phải tìm ra phương pháp bắt các phần khác nhau tương tác theo tổng thể. GS Ozin cho biết: "Chuyển động quay vòng là tâm điểm của nhiều máy móc hiện nay, chẳng hạn như động cơ in quay, chân vịt, đồng hồ... Rõ ràng là các máy móc này không chỉ đơn giản là một cánh quạt".
Trước đây, cánh quạt nano đã từng được chế tạo. Năm 2000, nhà nghiên cứu Carlo Montemagno thuộc ĐH California, Los Angeles (Mỹ) đã sử dụng phân tử sinh học ATP synthase để đẩy một cánh quạt nickel. Một nhà nghiên cứu nói: "Động cơ sinh học đã làm được nhiều việc thông minh đến nỗi có người phải thốt lên là "lừa bịp". Tuy nhiên, cánh quạt do nhóm của GS Ozin chế tạo dường như không thể kiểm soát được, vì vậy chưa hẳn là máy móc nano".
-
Khánh Hà (Theo BBC)