Thầy trò trường THPT Hai Bà Trưng quen gọi vui đó là những lớp “@”. Còn ở trường THPT Trần Hưng Đạo, những lớp này được gọi là “lớp tình thương”.
 |
Một buổi học ở “lớp tình thương” trường THPT Trần Hưng Đạo |
Để xây dựng và duy trì được những lớp học này, Ban giám hiệu các trường đều phải kêu gọi tình thương và trách nhiệm của các thầy cô.
“Chọn người”
Vợ chồng chị L.T (ngõ Giếng Mứt, phố Bạch Mai, Hà Nội) có một quầy tạp hóa nhỏ ở nhà. Gia cảnh không sung túc nhưng cũng đủ nuôi 2 con ăn học.
Chị T. kể: “Suốt mấy năm học tại trường THCS Nguyễn Phong Sắc, cháu Q. (cô con gái lớn của chị T.) đều là HS tiên tiến. Do đó mà tôi chủ quan khi cháu vào học THPT. Hôm họp phụ huynh sau tổng kết học kỳ I, tôi ngỡ ngàng khi biết cháu học quá đuối!”.
Quả thật, nhìn vào bảng điểm tổng kết các môn của Q, vợ chồng chị T. không thể cười nổi. Toán 2,8; Lý 3,0; Hóa 3,7; Văn 3,9...
Hằng đêm, cứ nghĩ tới ngày thi tốt nghiệp THPT gần kề của con gái đầu lòng mà ruột gan chị T. cứ như lửa đốt. Vì thế, khi nhà trường thông báo về hình thức tổ chức “lớp chọn ngược”, chị đã động viên con gái theo học.
Các buổi sáng trong tuần, Q. vẫn đến trường học bình thường tất cả các môn học ở lớp 12A5. Nhưng mỗi tuần Q. đến trường 3 buổi chiều (4 tiết) ngồi học ở lớp 12AH1 để ôn tập các môn Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, tiếng Anh (những môn sẽ thi tốt nghiệp năm nay).
GV dạy lớp này là những người được Ban giám hiệu lựa chọn nên đều giỏi chuyên môn và yêu nghề. Lớp của Q. có 31 học sinh (HS). Q. nói: “Em rất thích học ở lớp này”. Q. nhận xét, nguyên việc không cúp tiết, trốn lớp của học sinh ở đây cũng đã là “sự tiến bộ lớn” của những HS cá biệt ấy rồi.
Năm học này, trường Hai Bà Trưng tổ chức 2 lớp “chọn ngược” với tổng số khoảng 60 HS. Mỗi lớp có khoảng vài HS được “chọn” vào các lớp này. Riêng lớp 12A5 và 12A7 mỗi lớp đóng góp đến 8 HS!
Thầy Phùng Vạn Thắng, GV chủ nhiệm lớp 12AH1 nói vui: “Trường có 15 lớp 12, được gọi tên từ A1 đến A15. Các em là tổng hợp của các A nên GV chúng tôi vẫn gọi đùa các lớp này là “lớp @”!”.
“Tình thương - kỷ cương”
Trong hơn 40 trường THPT công lập của Hà Nội, không phải trường nào cũng tổ chức được những lớp đặc biệt cho đối tượng HS có học lực yếu kém.
Thầy Nguyễn Sỹ Hoan - Hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt – cho biết: “Thoạt tiên chúng tôi cũng định “nhặt” ra những em kém nhất để tăng cường phụ đạo. Phụ huynh rất ủng hộ nhưng HS lại không chịu. Dù học kém nhưng các em vẫn có sự sĩ diện, do đó chúng tôi cũng không thể ép”.
Một trong số những trường có “thâm niên” trong việc tổ chức lớp “chọn ngược” là trường Trần Hưng Đạo. GV trường này vẫn gọi vui đây là những “lớp học tình thương” bởi GV tham gia dạy đều thuộc diện giỏi chuyên môn nhưng lại tình nguyện không nhận thù lao (nếu có thì cũng rất ít).
Cô giáo Phạm Thị Tâm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) kể: “Tôi về trường năm học 1995 – 1996 thì đã thấy có những “lớp học tình thương” rồi. Từ đó đến nay, trường vẫn duy trì hình thức phụ đạo này”. Trường Trần Hưng Đạo tổ chức lớp theo môn: lớp Toán, lớp Hóa, lớp Lý...
Tuy nhiên, đạt được tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các lớp “chọn ngược” như trường Hai Bà Trưng lại là “của hiếm”. Ngoài việc cắt cử 1 phó hiệu trưởng “chuyên trách”, trường còn phân công GV làm giám thị, GV làm chủ nhiệm để quản lý, giám sát tình hình học tập của HS.
Đồng thời, nhà trường yêu cầu GV trong trường không được nhận dạy thêm bất kỳ HS nào có trong danh sách (tránh tình trạng học tràn lan). HS ở các lớp này không chỉ yếu về học lực mà nhiều em còn “có vấn đề” về hạnh kiểm.
Do đó, duy trì sĩ số, kỷ luật lớp học là yếu tố hết sức quan trọng. Việc điểm danh thực hiện chặt chẽ đến nỗi chỉ cần HS trốn 1 tiết là phụ huynh nhận được thông báo ngay.
Có lần, GV chủ nhiệm lớp 12AH2 phát hiện 1 HS vắng mặt liền gọi điện ngay cho phụ huynh (PH). Vị PH đó hoảng hốt: “Tôi vừa chở cháu đến cổng trường mà!”. Ngay tiết học sau cậu học trò đó đã được PH giao tận lớp cho GV chủ nhiệm (vị PH đã tìm được con mình ở một quán điện tử).
Còn nước còn tát
Hầu hết Ban giám hiệu các trường đều xác định, việc tổ chức những lớp “chọn ngược” là giải pháp tình thế. Trước hết là “còn nước còn tát”. Bên cạnh đó là giải tỏa phần nào nỗi bất an trong các phụ huynh khi mùa thi gần kề.
Kiến thức quá hổng khiến sự tiến bộ của các em rất chậm chạp. Nhiều GV thẳng thắn: “Trước đây, em nào chỉ được điểm 3 thì tôi chỉ mong kết thúc khóa học em đó được điểm 4; còn nếu được điểm 5 nữa thì đó là kết quả mỹ mãn!”.
Tuy vậy, vẫn có những HS tiến bộ vượt bậc. Chẳng hạn trong kỳ thi thử vừa qua ở trường Hai Bà Trưng, có một HS lớp 12AH1 đã được điểm 8 môn Toán.
Thầy Nguyễn Quốc Thắng (Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng) nói: “Những năm trước, trường cũng có vài HS trượt tốt nghiệp nhưng trong số những HS được gom vào lớp @ đều không có em nào.
Năm nay, với chủ trương thi cử nghiêm túc của Bộ GD&ĐT, tôi không dám hy vọng tất cả 60 em ở lớp @ của trường đều đỗ. Nhưng theo tôi, những em đó nếu không học lớp @ thì tất cả đều sẽ trượt”.
Quý Hiên