 |
Niềm vui tân trạng (lễ tái hiện thi Đình tại thị xã Vĩnh Long) |
TTCN - Sau một buổi sáng cuối năm chăm chỉ, những việc bà xã khoán cho tôi - lặt vặt thôi, cơ bản đã hết.
Chỉ còn nhiệm vụ đi kiếm cho bà ấy cuốn truyện Miền quê xa lắc của Dạ Ngân và một gói cao dán Salonpas chữa bệnh nhức đầu là hoàn tất.
Trước khi ra nhà sách, tôi tự thưởng cho mình một chung rượu tăm Tây Hồ. Nhìn hoa đào hàm tiếu trong thời tiết Sài Gòn không thật lý tưởng cho hoa, nhâm nhi chút rượu ngon, đầu óc tôi tự nhiên lơ mơ, khoan khoái. Chợt có chuông điện thoại reo.
Từ đầu dây đằng kia, một người bạn vong niên làm báo gọi, giọng đầy hồ hởi: “Thầy mở ngay VTV12, hay lắm”. Tôi vội làm theo lời nhắc. Hay thật, chương trình quả rất đặc biệt: Giáo dục vòng quanh đất nước - cầu truyền hình trực tiếp từ hơn 30 tỉnh thành kéo dài 24 giờ liền.
Phát biểu của vị đứng đầu ngành giáo dục. Những đổi thay tốt đẹp có chiều sâu của bộ mặt giáo dục Hà Nội, TP.HCM, Huế... Và tôi sung sướng đến run người vì những chuyện ngang trái trong ngành của tôi, đã làm tôi buồn từ hơn một năm rồi, nay lần lượt được tháo gỡ.
Chẳng hạn báo TS ngày 15-11-2004 có đăng mẩu tin làm nhói lòng người đọc: “29 nam nữ giáo viên ở xã miền núi Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) suốt bảy năm liền phải sống trong căn nhà tạm, rộng... 18m2 . Các thầy cô phải ngăn đôi căn phòng đó bằng tấm bạt cũ nát. Mọi thứ sinh hoạt như ăn, ngủ, soạn bài... đều ở trên mấy cái giường cũ kê liền nhau”.
Còn bây giờ, rõ ràng trước mắt mà ngờ chiêm bao: trên màn ảnh nhỏ, hình ảnh dãy nhà công vụ của Trường Tiên Lãnh hiện ra, khang trang, sạch sẽ. 15 phòng, mỗi phòng 16m2 dành cho hai người.
Ống kính thu hình lại lia nhanh, kèm theo lời thuyết minh đầy nhiệt hứng: đâu chỉ riêng Tiên Lãnh, tất cả các trường tiểu học vùng sâu, vùng cao của các tỉnh miền Trung đều có sự đổi đời như thế. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng rất đẹp này?
Trên màn hình, vị đứng đầu một tỉnh điềm đạm cho biết do nhận thức sâu sắc vai trò của giáo viên - nhân tố quyết định thành bại của sự nghiệp giáo dục, quốc sách hàng đầu của nước ta - nên bộ phận đầu não của tỉnh đã có chủ trương hoãn xây dựng tất cả những công trình mới chưa thật cần thiết, kể cả trụ sở ủy ban tỉnh, để dồn tiền xây dựng trường học và nhà ở cho giáo viên.
Dù rất vui nhưng tôi còn đủ tỉnh táo để nhớ lại một tin khác đăng trên báo Công An TP.HCM, số ra ngày 18-11-2004: “90 học sinh tiểu học dân tộc S’tiêng ở vùng sâu tỉnh Bình Phước phải học chen chúc trong ba phòng học sơ sài, vách bằng lồ ồ, bảng thì rách te tua”, ghi lại lời miêu tả của thầy giáo Điều Văn Lâm: bảng rách đã đành, còn tróc hết lớp nhựa đen, chỉ còn lại lớp ván trắng bên trong.
Học sinh phải đập những cục pin cũ ra, lấy lõi than đem chà lên để bảng có màu đen. Cả năm khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 được ghép lại để đối phó với tình trạng trường lớp tệ hại đến như vậy.
Nỗi buồn của tôi một lần nữa lại được giải tỏa. Giữa màu xanh bạt ngàn của cao su, điều, cây ăn trái Bình Phước, hơn 100 cháu nhỏ người S’tiêng quần áo đẹp đang hớn hở xếp hàng ở sân trường. Trước mắt các cháu, một dãy sáu phòng học còn tươi màu vôi mới, ngói mới. Người ghi hình của VTV12 đưa khán giả cả nước vào thăm các lớp: bàn ghế mộc mạc nhưng chắc chắn, tấm bảng màu xanh dịu treo ngay ngắn trên tường.
Ngước nhìn lên, những tấm tôn giả ngói màu nâu già ken khít, đố nắng lửa mưa dầu nào làm khổ được lứa tuổi măng non của chúng ta! Kỳ diệu hơn nữa, trên màn hình lần lượt xuất hiện các trường học khang trang tương tự ở các xã vùng cao, vùng sâu của nhiều địa phương khác.
Tôi thấy áy náy vì nhớ lại những dòng viết nông nổi của mình trên báo Thanh Niên (19-11-2004): “Liệu có thể đào tạo thế hệ trẻ chất lượng cao trong điều kiện học tập của 90 em nhỏ S’tiêng? Và liệu có thể đặt ra yêu cầu gì to tát với 29 đồng nghiệp xã Tiên Lãnh (Quảng Nam)?”.
Đột nhiên, màn hình chuyển cảnh Tây nguyên hùng vĩ: đèo Phượng Hoàng, hồ Lắc, bản Đôn, những con đường hiểm trở len lách giữa núi đá và mây trời. Một khuôn hình không có gì đặc sắc nhưng ý nghĩa rất sâu: một phòng họp khá rộng của trụ sở UBND tỉnh Gia Lai. Hơn 20 người - nam có, nữ có - đang ngồi nghe và một vị y phục chỉnh tề đang nói. Người thuyết minh phim giới thiệu: cử tọa là các thầy cô giáo ở Trường trung học Pleiku.
Hồi tháng 6-2005 các thầy cô được cử đi coi thi tốt nghiệp ở huyện K’bang. Do chấp hành nghiêm túc kỷ luật coi thi nên các thầy cô đã làm một số thí sinh và người thân của các em nổi giận. Vì thế các thầy cô bị “phê bình bằng vũ khí” ngay ở trường thi và cả trên đường về thị xã Pleiku. Tôi nhớ ra rồi, hồi ấy quá bức xúc, ông bạn mà tôi rất quí Huỳnh Như Phương đã viết một bài, đọc mà ruột gan như bị xát muối, đăng trên báo TS.
Hóa ra hôm nay lãnh đạo tỉnh đã mời các thầy - cô - nạn - nhân đến để trân trọng xin lỗi, đồng thời biểu dương tinh thần trách nhiệm của các thầy cô. Ông cho biết lãnh đạo tỉnh đã khởi tố hình sự mấy kẻ chủ mưu, cảnh cáo những tòng phạm. Tuyệt vời hơn nữa, vị đại diện chính quyền còn thông báo: bất cứ ai, dù ở cương vị nào, vi phạm Luật giáo dục sẽ bị nghiêm trị. Đến đây tôi không kìm được xúc động, nước mắt ứa ra. “Vận nước đã đến rồi! Vận nước đã đến... rồi! Em ơi!” - tôi hét vang lên.
- Cái gì đến rồi? Anh mơ đấy à? Già rồi mà còn ầm ĩ!
Giọng nói quen thuộc, đầy quyền uy của bà xã làm tôi sực tỉnh. Thật tiếc, một giấc mơ quá đẹp! Để vợ khỏi nghi ngờ về chuyện “nọ, kia”, tôi kể lại vắn tắt những điều được nghe, được thấy trong mơ.
Ai ngờ, như muốn giội thêm cho tôi một gáo nước lạnh, bà ấy ấn vào tay tôi tờ TTCN số đầu năm 2006.
- Anh đọc đi. Cho bớt lạc quan tếu! Đã mua Miệt vườn xa lắc và Salonpas chưa?
Tôi đọc trang 12. Tựa bài rất gây ấn tượng: “Xẻ thịt tất!”. Nội dung bài báo nói đến một hiện tượng khó tin nổi ở Đà Nẵng - một địa phương lâu nay tôi phục sát đất vì có nhiều chủ trương đổi mới mạnh dạn: ở thủ phủ miền Trung giờ đây “sân trường, bãi biển, bến xe lần lượt bị xẻ ra từng lô nhỏ”... Xẻ tuốt!
Trường Nguyễn Trãi rộng 3ha, nơi học tập của non 2.000 học sinh quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, vốn được nhân dân địa phương và thầy trò nhà trường đổ công xây dựng từ một vùng tha ma mộ địa. Cách đây hai năm “trường đã được ngành giáo dục đề nghị nâng cấp, xây mới với tổng kinh phí dự trù khoảng 21 tỉ đồng”.
Non ngàn ngày qua đi, tiền chẳng thấy, dù chỉ một đồng, trong khi đó trường lớp xuống cấp, thầy trò lúng túng. Đùng một cái, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thu hồi 10.370m2 đất thuộc diện tích của trường. Không phải để xây dựng các công trình công cộng, mà để phân thành 66 nền nhà... đem bán!
Thế này thì quá lắm. Hiện tại không chỉ bị bắn bằng súng lục mà bằng súng cối mất rồi. Ném tờ báo xuống bàn (xin lỗi các bạn ở báo TTCN), tôi đứng dậy, ấm ức. Vâng, thưa bà xã, tôi sẽ đi mua ngay Miền quê xa lắc cho bà. Và cả cao dán Salonpas nữa. Nhưng Salonpas không phải chỉ cho bà dùng mà cho cả tôi nữa. Đầu tôi đang muốn nổ tung ra đây!
TRẦN HỮU TÁ