Ngày 25.9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son đã chủ trì hội nghị công bố Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là đại diện các cơ quan chủ quản báo chí thuộc các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương.
Trăm hoa đua nở
Theo Bộ TTTT, thời gian qua cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, các loại hình báo chí phát triển theo hình thức “trăm hoa đua nở”. Cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 646 tạp chí, nhưng chỉ có gần 300 cơ quan báo chí tự cân đối được thu-chi. Báo chí điện tử cũng nở rộ với 98 cơ quan báo điện tử, 1.516 trang thông tin điện tử đã được cấp phép, 420 mạng xã hội trực tuyến có đăng ký hoạt động. Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình (PTTH), cả nước có 67 đài PTTH trung ương và địa phương, với 180 kênh.
Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, mặt trái của báo chí là lượng chưa tương xứng với chất, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung và đối tượng phục vụ. Báo chí đang bộc lộ một số xu hướng đáng lo ngại như: Thương mại hoá hoạt động báo chí, khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Có hiện tượng một số báo điện tử, kênh chương trình phát thanh, truyền hình... bị tư nhân chi phối đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng nghiệp vụ của báo chí..
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, yếu kém của báo chí, trong đó có nguyên nhân từ công tác quy hoạch báo chí chưa được triển khai rốt ráo theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Gắn trách nhiệm cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Quan điểm quy hoạch báo chí quán triệt quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong phát triển sự nghiệp báo chí, đó là: “Không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để cho lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...”. Theo tinh thần đó, Bộ Chính trị yêu cầu Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc phải đặt trọng tâm là phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, Nhà nước có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích cơ quan báo chí huy động nguồn lực cho phát triển, nhưng phải đúng tôn chỉ, mục đích, không được chạy theo lợi nhuận thuần tuý.
Về phương án sắp xếp cụ thể đối với các loại hình báo chí, Bộ TTTT cho biết sẽ đổi mới mô hình theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in. Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp trung ương (trừ các quân khu, quân chủng), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các sở, ngành theo đó sẽ không được có cơ quan báo in. Các cơ quan báo in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định.
Đối với lĩnh vực PTTH, tới đây các đài tập trung sản xuất chương trình đảm bảo phát tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 1 đài PTTH, riêng Đài Hà Nội và Đài TPHCM có cơ chế đặc thù, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình. Chỉ có các cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân Đội Nhân Dân, Báo Công An Nhân Dân được thực hiện mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Quy hoạch báo chí không cần nhiều, mà tinh
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận Hội nghị
Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc được triển khai 9 năm. Năm 2014, khi xem xét Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, Bộ Chính trị đã kết luận tại văn bản số 7959-CV/VPTW ngày 23.5.2014, trong đó thể hiện rõ quan điểm: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng; đặc biệt trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ quan trọng này. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải chủ động định hướng, chỉ đạo, quản lý, không để phát triển tự phát; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt; không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để cho lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...”.
Cũng theo kết luận của Bộ Chính trị: Việc tổ chức thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng, có lộ trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ, chắc chắn theo tinh thần việc dễ làm trước, việc khó làm sau; chú trọng công tác tư tưởng, giải pháp tài chính, giải pháp với những người làm báo không còn chỗ làm việc khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí làm việc, cống hiến và phát triển”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Thực hiện kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí chủ động xây dựng phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc quyền theo nội dung đề án quy hoạch. Chậm nhất đến ngày 20.10, các cơ quan chủ quản báo chí phải báo cáo về phương án quy hoạch gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.10.2015.
Q.T