Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp mâu thuẫn chuyện tiền bạc, bên cho vay đã cùng các đối tượng khác đòi tiền theo kiểu xã hội đen. Khi mọi chuyện đi quá tầm kiểm soát, các “chủ nợ” ngỡ ngàng khi biết mình bị xử lý hình sự. 
Ảnh minh họa
1. Cuộc “bắt nợ” nghiệt ngã đã “mất” 3 tỉ, còn nhận... 30 tháng tù
Chồng bị cáo Vân từng là bạn của ông Nguyễn Quang Thái (SN 1959, ngụ phố Hàng Bồ, Hà Nội). Năm 2007, vợ chồng bà Vân cho ông Thái vay 150.000 đô la Canada (khoảng 3 tỉ đồng theo tỉ giá bấy giờ) để kinh doanh tại Canada. Nhưng quá trình làm ăn thua lỗ, ông Thái lặng lẽ chuyển đi nơi khác ở, từ đó không liên lạc với chủ nợ.
Vào tháng 10/2015, bà Vân cùng ông Nguyễn Công Thành (SN 1974, Việt kiều Mỹ) về Việt Nam du lịch thăm thân nhân. Khoảng 19h30 ngày 28/10, khi hai người đang dạo bộ trên phố Hàng Bài thì nhìn thấy ông Thái. Lập tức bà này chạy lại túm tay “con nợ” đồng thời tri hô người đi cùng hỗ trợ.

Bị cáo Vân và Thành tại phiên tòa
Sau khi giằng co, cả ba lên taxi về nhà bà Vân tại phố Vĩnh Hưng. Tại đây, ông Thái nhận lỗi với bố mẹ bà Vân về việc nợ 150.000 đô la Canada lâu ngày không trả và hứa sẽ trả trước 2000 USD, sau này có sẽ trả tiếp.
Chủ nợ gọi cho người thân tới chứng kiến sự việc và giao cho người này lấy tiền trả nợ từ ông Thái khi mình không có ở Việt Nam. Em trai cùng bố khác mẹ với bà Vân đi làm về, biết được chuyện đã gợi ý chị gái yêu cầu “con nợ” viết giấy vay tiền làm tin. Để chắc chắn, người nhà bà Vân còn quay lại video ông Thái viết giấy vay nợ.
Sáng ngày 29/10/2015, ông Thái đến CQĐT TP Hà Nội trình báo việc bị Vân và Thành cướp tài sản và ép viết giấy vay nợ. Đến ngày 5/11 cả hai bị công an bắt giữ.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2016, hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa đôi mắt đỏ hoe. Bị cáo Vân không ngừng ái ngại việc đã lôi bạn vào vòng lao lý. Tại tòa, hai bị cáo phủ nhận việc bắt “con nợ” viết giấy vay tiền. Cả hai khai gặp ông Thái trên phố nhưng “con nợ” có ý định chạy trốn nên túm tay khống chế. Quá trình nói chuyện, Vân hỏi địa chỉ hoặc số điện thoại nhưng ông Thái không nói.
Vì vậy, chủ nợ nhờ bạn lục túi để kiểm tra: “Đến khi bị cáo quay ra thì hai người đã đánh nhau. Bị cáo không can nổi. Bị cáo còn định đưa lên công an nhưng anh Thái từ chối nói sẽ trả nợ. Anh ấy còn rủ tôi về nhà chơi”, bị cáo Vân nước mắt ngắn dài trình bày.
Trong khi đó, ông Thái thừa nhận từng hợp tác làm ăn với Vân và vay số tiền 150.000 đô la Canada. Khi vay không thỏa thuận lúc nào trả. Sau khi vay tiền, ông Thái có trả nợ 3000USD/tháng, đã trả 20 tháng. Sau đó, do buôn bán thất bại, ông này phải bán cửa tiệm chuyển đi vùng khác sinh sống. Về Việt Nam khoảng 6 năm, khi ông Thái đang đi trên phố Hàng Bài thì gặp bà Vân.
Sau khi nghị án, cho rằng bị cáo Vân là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo, Thành là người giúp sức. Tuy nhiên, bị hại có một phần lỗi, hai bị cáo phạm tội lần đầu nên HĐXX tuyên phạt Vân 16 tháng tù, Thành 14 tháng tù giam về tội Cướp tài sản.
2. Đòi nợ theo kiểu giang hồ, chủ nợ thành cướp

Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang tiếp tục cũng cố hồ sơ để xem xét xử lý hành vi cướp tài sản đối với hai vợ chồng chị Lê Thị Hương (36 tuổi) và anh Lê Văn Hoàng (39 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom).
Trước đó, lúc 5h ngày 20/5, do mẫu thuẫn trong chuyện nợ tiền nên hai vợ chồng chị Hương đến phòng trọ của chị Phạm Thị Liêm (33 tuổi, đang trọ tại khu 2, ấp An Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) để đòi nợ. Khi chị Liêm vừa đi làm về thì bị vợ chồng chị Hương xông vào đánh và giật điện thoại bỏ vào cốp xe rồi bỏ đi về. Một lúc sau, hai vợ chồng chị Hương tiếp tục quay lại phòng trọ của chị Liêm để đòi nợ thì gặp Công an xã Tây Hòa mời lên làm việc.
Công an huyện Trảng Bom cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lai (45 tuổi) về tội cướp tài sản. Theo hồ sơ công an, trong 2 tháng 11 và 12/2016 anh Vũ Đình Đức có vay của Lai 2 lần tổng cộng 20 triệu đồng (lãi suất 1,5 triệu đồng/tháng). Anh Đức trả cho Lai được 3 tháng tiền lãi thì không còn khả năng hoàn trả nợ gốc và né tránh Lai.
Trưa ngày 9/4, Lai nhờ anh Nguyễn Văn Việt (em trai của Lai) hẹn gặp anh Đức để nói chuyện. Anh Đức điều khiển xe mô tô BKS 18S8-4741 trị giá 6,3 triệu đồng đến điểm hẹn, tại đây hai bên lời qua tiếng lại, Lai yêu cầu anh Đức đưa chìa khóa xe mô tô để Lai giữ xe khi nào anh Đức trả đủ tiền nợ sẽ trả lại xe nhưng anh Đức không đồng ý. Lai dùng tay chân đánh vào người anh Đức, rồi mang chiếc xe của anh Đức về nhà của Lai.
Đến ngày 10/4, anh Đức đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Lai đến Công an huyện Trảng Bom. Tại cơ quan công an, Lai đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và giao nộp lại chiếc xe.
Ngày 18/10/2015, Linh chỉ đạo Mộng đến nhà Minh đòi nợ. Mộng đến gặp thì được Minh chỉ trả 10 triệu đồng và xin khất số nợ còn lại. Mộng điện thoại báo cho Linh biết. Linh chỉ đạo cho Mộng chở Minh đến quán Dâu Da do Linh làm chủ. Tại đây, Minh nói trả 10 triệu đồng và khát nợ số tiền 85 triệu động còn lại. Linh không đồng ý nên dùng chân đá vào mặt Minh làm anh này ngã xuống đất. Sau đó, Linh dùng đèn pin có chức năng bắn tia điện bắn tia điện vào người làm cho Minh bị giật. Linh tiếp tục đe dọa Minh và yêu cầu 9 giờ sáng hôm sau Minh phải trả đủ tiền cho Linh, sau đó mới cho về.
Đến ngày 19/10/2015, Linh tiếp tục chỉ đạo Mộng đi đòi tiền của Minh và được gia đình Minh trả thêm 20 triệu đồng. Lúc này, Linh tiếp tục gọi điện, nhắn tin đe dọa Minh. Do sợ hãi trước sự đe dọa của Linh nên ngày 20/10/2015, Minh và gia đình vay mượn số tiền 65 triệu đồng đưa cho Mộng để trả cho Linh. Sau khi trả tiền cho Linh, Minh làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Linh và Mộng bị bắt tạm giam để điều tra.
3. Đòi nợ theo kiểu giang hồ, vợ chồng “máy bay - phi công” cùng lĩnh án

Chợ đêm Hà Tiên, hiện trường vụ án.Khoảng 19h ngày 26/6/2016, Nguyễn Thanh Bình (SN 1975) chở vợ là Lê Thị Thúy (SN 1968, ngụ khu phố 4, phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) đến cửa hàng bán đồ mỹ nghệ của bà Phan Thị Ánh tại chợ đêm thuộc khu phố 1, phường Bình San, thị xã Hà Tiên. Tại đây, cả hai gặp bà Ánh hỏi về số tiền 10 triệu đồng do Trương Thị Hồng Anh (con gái bà Ánh) cùng bạn trai là Võ Đức Quý (SN 1987, ngụ ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên) vay từ tháng 5/2016 đến nay chưa trả và xảy ra cự cãi.
Vợ chồng Bình dùng lời lẽ thô tục xúc phạm bà Ánh, riêng Thúy còn dùng tay tát vào mặt bà Ánh rồi chở nhau về nhà. Nghe mẹ báo tin, Hồng Anh điện thoại cho Quý biết việc vợ chồng Bình, Thúy đến đánh và đòi xiết đồ của bà Ánh. Hay tin, Quý rủ thêm Nguyễn Tuấn Kiệt (SN 1986), Lâm Phi Long (SN 1989, cùng ngụ khu phố 2, phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên), Trương Thanh Long (SN 1985, ngụ khu phố 4, phường Bình San, thị xã Hà Tiên), Đoàn Trung Vĩnh (SN 1989, ngụ ấp Rạch Núi, xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) lấy theo dao tự chế, ống tuýp sắt… chạy đến tiệm của bà Ánh.
Thấy có người hỗ trợ, bà Ánh điện thoại kêu Bình, Thúy quay lại nói chuyện. Nghe bà Ánh thách thức, Thúy kêu Bình lấy theo dao tự chế, đao, kiếm Nhật bỏ vào cốp xe để phòng thân, riêng Bình điện thoại kêu thêm Nguyễn Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Phú (SN 2000, ngụ khu phố 3, phường Bình San, thị xã Hà Tiên) chạy đến tiệm bà Ánh. Đến nơi, vợ chồng Bình, Thúy tiếp tục cự cãi, đánh nhau với bà Ánh và bị nhóm của Quý xông ra can thiệp.
Lúc này, Bình mở cốp xe lấy cây kiếm Nhật đưa cho Phú để “ăn thua đủ” với nhóm của Quý. Trong lúc đánh nhau, Phú dùng cây kiếm Nhật chém trúng vùng cổ của Vĩnh, còn bản thân Phú cũng bị Kiệt dùng dao tự chế chém trúng tay phải gây thương tích 14%. Khi Phú bỏ chạy, Kiệt tiếp tục chém trúng cẳng tay phải của Trọng gây thương tích 14%. Vụ đánh nhau giữa hai nhóm có rất nhiều người dân đứng xem gây náo loạn, mất an ninh, trật tự tại khu vực chợ đêm. Nạn nhân Vĩnh bị vết thương vùng cổ phải làm đứt tĩnh mạch cảnh được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết vì sốc mất máu cấp.
Mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm tuyên phạt Bình 10 năm tù, Phú 8 năm tù về tội “Giết người”; Kiệt 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, các bị cáo Thúy, Quý, Phi Long, Thanh Long cùng mức án 1 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
----------------------------------------
Quy trình đòi nợ phải đúng luật
Liên quan đến vấn đề trên ông Trương Khắc Thiện, VKSND huyện Tân Phú cho biết các chủ nợ không được dùng vũ lực và dùng lời lẽ, hành vi đe dọa để đòi nợ. Nếu dùng vũ lực và lời lẽ đe dọa để đòi nợ sẽ vi phạm pháp luật. Việc đòi nợ phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Các chủ nợ phải kiện ra tòa để Nhà nước bảo vệ lợi ích của mình khi bị xâm phạm chứ không được dùng bạo lực và manh động. “Do đó, khuyến cáo với người dân khi có trường hợp có người khác xâm hại tài sản của mình thì nên khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Thiện nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Cty Luật Hợp danh Minh Việt – Đoàn Luật sư Đồng Nai thì phân tích, trong nhiều vụ án cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản xuất phát từ việc người này đòi nợ, người phạm tội ban đầu chỉ mong muốn gặp con nợ để yêu cầu họ trả lại tài sản. Tuy nhiên khi gặp, người phạm tội lại dùng vũ lực đối với con nợ để buộc con nợ phải giao tài sản. Như vậy là từ một việc đúng (yêu cầu trả nợ), người phạm tội đã có hành động sai (dùng vũ lực để lấy lại được tài sản mà họ cho là thuộc về mình). Đó là chưa kể nhiều khi người phạm tội còn lấy quá số tài sản mà con nợ đang nợ. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”.
Để đi đòi nợ mà không để vướng vòng lao lý, Luật sư Tuấn cho hay, nếu đúng pháp luật, quy trình đòi nợ phải như sau: Chủ nợ thỏa thuận thời gian cho con nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc khởi kiện con nợ, sau khi có phán quyết của tòa án thì con nợ phải trả nợ cho chủ nợ. Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thi hành bản án, chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản từ con nợ để trả cho chủ nợ.
Bên cạnh đó, chủ nợ khi thấy con nợ ở đâu thì trình báo cơ quan chức năng, ví dụ như công an phường sở tại, công an quận…, hoặc thậm chí tố cáo hành vi chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ của con nợ… Nếu như vậy, chủ nợ sẽ không vướng phải vòng lao lý và phạm tội cướp tài sản. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần tích cực giúp cho các bên, chủ nợ và con nợ, giải quyết việc tranh chấp trong thời gian sớm nhất có thể để giảm thiểu rủi ro cho các bên và tránh người cho vay bức xúc mà có hành vi vi phạm pháp luật không đáng có.