3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết

05/03/2022 10:35

Ăn dặm là bước chuyển vô cùng quan trọng trong chặng đường phát triển đầu đời của trẻ nhưng để quá trình này diễn ra thuận lợi thì là cả một thách thức đối với bố mẹ.

Trẻ em vốn rất nhạy cảm với những thay đổi, hơn nữa hệ tiêu hóa còn rất non yếu nên việc cho con ăn dặm thế nào cho khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe bé không phải là điều dễ dàng.

Bài viết dưới đây sẽ khái quát những giai đoạn cơ bản trong quá trình ăn dặm cũng như những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi nhằm đem đến cho phụ huynh những thông tin hữu ích trong việc lựa chọn thực phẩm, cách ăn phù hợp và lành mạnh cho bé yêu của mình.

3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết-1

1. Giai đoạn bắt đầu tập ăn bột từ 6 - 8 tháng tuổi

Trong giai đoạn này, trẻ đang bắt đầu làm quen với việc ăn dặm, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn đang yếu. Do vậy, bạn nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa, nên cho bé ăn từng chút một rồi tăng dần lượng thức ăn lên. Đầu tiên là 1 bữa/ngày sau đó tăng lên 2 bữa/ngày và tăng dần độ đặc của thức ăn.

Bữa ăn đầu tiên của trẻ nên là bột loãng, có thể bắt đầu bằng bột ngọt để bé tập làm quen với hương vị rồi đan xen giữa bột ngọt và bột mặn để thay đổi dần khẩu vị cho bé. Bạn có thể trộn lẫn bột với chút sữa mẹ hoặc sữa công thức hàng ngày cho bé để bé dễ làm quen với thức ăn mới hơn. Việc này giúp giới thiệu cho bé một kiểu thức ăn mới với vị quen thuộc, làm cho bé bớt lạ lẫm khi ăn.

Sau 1 tháng tập ăn dặm, bạn có thể tăng dần độ đặc của bột. Có thể bổ sung thêm thịt và rau nấu chín, thái nhỏ, xay nhuyễn rồi trộn vào bột để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ và tập cho bé làm quen với mùi vị của nhiều loại thức ăn.

3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết-2

Những loại thực phẩm cho bé ăn dặm giai đoạn này có thể kể như: cháo loãng, khoai lang, chuối, khoai tây, lòng đỏ trứng gà, cá, bột nếp, sữa chua, phô mai, bí đỏ, cà chua, cà rốt, cải ngọt, bắp cải, củ cải, táo, cam, lê…

2. Giai đoạn tập ăn cháo từ 8 - 11 tháng tuổi

Khi bước sang tháng thứ 8, bé đã mọc răng và có thể tập nhai, nuốt thức ăn nên ba mẹ có thể cho bé chuyển dần từ ăn bột sang ăn cháo. Giai đoạn này bạn có thể tăng dần bữa ăn của trẻ lên 3 - 4 bữa một ngày và vẫn duy trì việc bú sữa mẹ và sữa công thức 5-6 lần/ngày để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất.

Bạn nên cho bé ăn đầy đủ các thịt, cá, hải sản, trứng, rau xanh,.... Thay vì xay nhuyễn thức ăn thì bạn nên băm nhỏ thịt và rau xanh cho bé tập nhai vì thức ăn khi xay nhuyễn sẽ khiến bé không cảm nhận được mùi vị thức ăn, từ đó dễ làm bé mau chán và gây ra hiện tượng biếng ăn.

Ngoài cháo, bạn có thể bổ sung thêm vào thực đơn ăn dặm của trẻ những loại thức ăn mềm như phở, bún, nui,... để kích thích vị giác cho trẻ, giúp trẻ thích thú với bữa ăn hơn, ăn ngon miệng hơn.

Thực phẩm cho bé ăn dặm giai đoạn này cần đa dạng, phong phú hơn ở giai đoạn trước, cụ thể có thể tăng cường thêm các thực phẩm giàu đạm như: trứng (cả lòng trắng), các loại thịt, cá, thịt gia cầm, đậu Hà Lan, nấm, ngũ cốc, sữa chua, đậu lăng, trái cây…

3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết-3

3. Giai đoạn tập ăn cháo đặc, cơm nát từ 12 - 23 tháng tuổi

Khi được 12 tháng tuổi trở ra, răng sữa của bé đã mọc khá đầy đủ, bé phát triển nhanh hơn và khả năng nhai nghiền thức ăn cũng thuần thục hơn. Vì vậy, mẹ có thể nấu các món cháo có độ đặc và gợn hơn các giai đoạn trước đó cho bé ăn 4 bữa/ngày, sau đó chuyển dần sang cơm nát. Trong mỗi bữa vẫn nên kết hợp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng để trẻ phát triển đầy đủ. Thức ăn sẽ được nấu rắn hơn để bé phát triển cơ hàm, tiêu chuẩn là độ cứng của thịt viên.

Khi trẻ đã bước sang 2 tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn cơm cơm mềm, dằm nát trộn với thức ăn đa dạng như của người lớn nhưng xé nhỏ và cho bé làm quen với các loại canh rau. Chú ý tránh các loại thức ăn dai, cứng để tránh nguy cơ hóc, nghẹn.

2 tuổi cũng là giai đoạn cai sữa nên trẻ cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ để đảm bảo sự phát triển của trẻ. Ngoài 3 - 4 bữa chính, mẹ có thể cho trẻ ăn thêm 1 - 2 bữa phụ. Bạn nên cho bé ăn cơm chung với cả gia đình để trẻ học được cách ăn uống, gắp thức ăn. Và thay vì mẹ xay nhuyễn các loại rau, củ như trước, giai đoạn này, mẹ có thể nuộc chín rồi thái nhỏ cho bé tự ăn theo sở thích...

3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết-4
Những lưu ý khi tập cho trẻ ăn dặm
- Bé cần có thời gian để “làm quen” với những thực phẩm, hương vị mới, vì thế hãy tập cho bé ăn từng chút một.
- Việc cho bé tập làm quen với thức ăn mới một cách từ từ và duy trì trong vài này sẽ cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu dị ứng thực phẩm của bé, chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mày đay..
- Nếu thấy bé không muốn ăn món ăn mới, bạn dừng lại vài ngày rồi cho bé thử lại. Bé có thể sẽ chỉ thích thú với vài loại thực phẩm nhưng bạn nên tiếp tục thử lại các món bé không thích cho tới khi bé chịu ăn nhiều hơn.
- Các bữa ăn dặm của bé phải luôn đảm bảo 4 nhóm chất chính là: chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất xơ.
- Vì ăn dặm sẽ chỉ là các bữa ăn phụ, không gì có thể thay thế được sữa mẹ hay sữa công thức. Do đó, trong suốt quá trình ăn dặm, mẹ cần đảm bảo cho bé được bú mẹ hay uống sữa công thức đầy đủ.
- Nên đa dạng thực đơn ăn dặm và chọn những loại thực phẩm sạch, an toàn cho bé. Việc thay đổi thực đơn hàng ngày sẽ giúp bé phát triển vị giác tốt hơn, tránh việc bé bị ngán. 

* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

Theo V.K (tổng hơp) - Vietnamnet

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
3 giai đoạn ăn dặm cơ bản và những thực phẩm phù hợp cho bé theo tháng tuổi ba mẹ nên biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO