Nhiều DN du lịch cho rằng, thời hạn sử dụng xe để chở khách du lịch 15 năm là quá lâu. Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Hướng dẫn kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ôtô, diễn ra ngày 9/4, đa số ý kiến đề nghị niên hạn của loại xe này chỉ nên kéo dài 10 năm.
Lái xe du lịch sẽ sắm ví riêng đựng... chứng chỉ!
Theo như dự thảo Thông tư liên tịch về kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô (để hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7 tới) thì lái xe du lịch phải có nhiều loại chứng chỉ khác nhau khiến có doanh nghiệp phải thốt lên: sẽ sắm ví riêng cho tài xế đựng chứng chỉ!
Điều II của dự thảo Thông tư do liên Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Thể thao - Văn hoá & Du lịch soạn thảo quy định, lái xe ô tô chở khách du lịch ngoài việc mang theo các loại Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, đăng kiểm xe còn phải có các loại chứng chỉ như: Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A trở lên, Giấy chứng nhận tập huấn sơ cấp cứu y tế, Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch, Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức sử dụng và điều khiển thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).
Trong khi đó, đại diện tham gia ban soạn thảo, phía Tổng Cục Du lịch lý giải, những quy định này, ngoài việc tuân thủ theo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, còn nhằm để nâng cao hình ảnh, tính chuyên nghiệp của người làm du lịch.
Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng có nhiều chứng chỉ không cần thiết, hoặc tách ra quá nhiều loại giấy bắt buộc sẽ khiến thủ tục xin cấp có thể sẽ gây phiền hà và gây rối cho lái xe.
Về chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, Phó Tổng Giám đốc ABC, công ty lữ hành với trên 300 đầu xe du lịch cho rằng, chỉ nên áp dụng với những tài xế xe nhỏ, 16 hoặc 24 chỗ. Bởi theo vị này, với những tour cần xe lớn, như 35 hay 45 chỗ thì đều có hướng dẫn viên rồi. Đó là chưa kể, nếu tính sơ sơ đi học một chứng chỉ A mất 3 tháng thì lấy đâu ra tài xế chạy xe, trong khi với doanh nghiệp, xe dừng một ngày đã nguy!
![]() |
Lái xe du lịch phải có rất nhiều chứng chỉ như: ngoại ngữ, sơ cấp cứu, nghiệp vụ du lịch... |
Lãnh đạo Công ty Dịch vụ hành khách Tân Sơn Nhất cũng bày tỏ, không nên cứng nhắc bắt tài xế phải có bằng ngoại ngữ mà chỉ nên khuyến khích.
Phó GĐ Sở Văn hoá- Thể thao & Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ với doanh nghiệp: "Nói ngay như ở Sở tôi, hỏi tất cả anh chị em có bằng A cũng khó, nên đừng bắt anh em lái xe phải có bằng này. Còn nếu như bắt thì họ cũng sẽ lo đủ cả thôi, nhưng như thế chỉ... vỗ béo cho các đồng chí buôn bằng!".
Không chỉ băn khoăn vì chứng chỉ ngoại ngữ, theo các doanh nghiệp, việc bắt buộc các chứng chỉ như y tế, nghiệp vụ du lịch, giao thông là cần thiết. Song phải tích hợp các loại này trên cùng một thẻ (hay giấy) để bớt phiền hà cho lái xe.
Đóng góp ý kiến cho sửa đổi dự thảo, Phó phòng Vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam) thống nhất rằng, nên gộp các chương trình tập huấn lấy các chứng chỉ này vào một đợt, từ đó nếu lái xe đáp ứng những tiêu chuẩn này thì chỉ cần thống nhất trong một chứng chỉ là đủ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Được biết, lái xe gây trong vụ tai nạn thảm khốc đó chỉ mới chuyển sang lái xe du lịch và đó là chuyến thứ 3 lái xe này điều khiển xe du lịch qua đoạn đường này", ông Bình thông tin.
Xe chở khách du lịch nên có niên hạn dưới 10 năm
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là niên hạn cho ôtô chuyên chở khách du lịch. Dự thảo Thông tư quy định, ôtô vận chuyển khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, được chia làm 2 loại: loại A có niên hạn sử dụng đến dưới 10 năm; loại B có niên hạn sử dụng từ 10-15 năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó phòng Vận tải Cục Đường bộ, cho biết, trong Nghị định sửa đổi Nghị định 110 về điều kiện kinh doanh vận tải ôtô, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm niên hạn xe du lịch từ 15 năm trở xuống tính từ ngày sản xuất.
Trong khi đó, yêu cầu của Tổng cục Du lịch lại ngắn hơn, nên Tổng cục cần có ý kiến sang Ban soạn thảo Luật Giao thông trước khi trình Chính phủ ban hành.
Trong khi đó, đại diện các DN đều cho rằng, thời hạn 15 năm là quá lâu. Tại hội thảo, ông Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đề xuất, niên hạn xe chở khách du lịch nên từ 10 năm trở xuống. Hầu hết ý kiến các DN khác cũng đồng tình với quan điểm này.
Lý do của kiến nghị trên bắt nguồn từ vụ việc tai nạn tại đèo Đại Ninh làm 15 khách du lịch chết và bị thương. Ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, nhận xét, nhiều phương tiện vận chuyển khách du lịch hiện vẫn còn lạc hậu, chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu xe vận chuyển du lịch quá cao nên các DN có nhu cầu khó nhập về. Các xe đang sử dụng chủ yếu là xe cũ, nhập từ Hàn Quốc, còn xe mới là xe liên doanh.
Song, chất lượng xe lắp ráp trong nước chưa thể yên tâm về chất lượng, bởi thực tế vụ tai nạn trên đã chứng tỏ điều đó. Xe này đóng tại TP.HCM, mới sử dụng nhưng từ chỗ xe xuống vực không quá cao, vậy mà nóc đi đằng nóc, đế đi đằng đế.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư nêu rõ, lái xe chở khách du lịch còn cần phải có hợp đồng lao động, Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch, Chứng chỉ tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác trình độ A...
Lái xe ôtô từ 24 chỗ trở lên phải có thêm Giấy chứng nhận tập huấn sơ cấp cứu y tế, từ 45 chỗ trở lên, ôtô chuyên dụng Caraval là Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức sử dụng và điều khiển thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nên các giấy tờ này nên quy về một mối, nghĩa là gộp các chứng chỉ đó vào làm một cho gọn, tránh việc mang quá nhiều giấy tờ.
-
Chí Hiếu - Hà Phương