Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia Fong Chan Onn đã nhận định như vậy trong lễ ký ""Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa VN và Malaysia"" hôm 1/12. Lần đầu tiên, một hành lang pháp lý chính thức cho XKLĐ Việt Nam sang Malaysia được ""mở cửa""...
 |
Lễ ký kết bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa VN và Malaysia. |
Thuận lợi...
Ngày 1/12 vừa qua đã đánh dấu một bước mới trong quan hệ về XKLĐ giữa Việt Nam và Malaysia. Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia Fong Chan Onn cùng Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng đã hội đàm và ký bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia. Đây là bản ghi nhớ đầu tiên giữa hai nước, một bên có nhân lực và một bên cần nhân lực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, bản ghi nhớ này sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Malaysia.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hằng, ông Fong Chan Onn cho biết: ""Bản ghi nhớ thể hiện quan hệ hợp tác giữa hai nước về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia đã được chính thức hoá. Có nghĩa là, chúng ta đã có một khung hành lang pháp lý cho việc XKLĐ sang Malaysia của các doanh nghiệp Việt Nam"". Đây là lần đầu tiên Malaysia ký một bản hợp đồng với Việt Nam.
Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đánh giá, lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, sáng tạo và có tinh thần làm việc rất tốt. Vì lẽ trên, Chính phủ Malaysia rất muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho người Việt Nam sang làm việc tại Malaysia. Theo con số thống kê chính thức, hiện nay có khoảng 67.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Số lao động Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia.
Trên thực tế, Malaysia đang là thị trường ""rộng cửa"" cho các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam. Sau một thời gian nền kinh tế Malaysia bị chững lại do ảnh hưởng của chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS, trong quý III năm nay, nền kinh tế Malaysia đã phục hồi trở lại. Nhu cầu về lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Malaysia vẫn tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có khoảng 17.000 sinh viên Malaysia tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại các trường Đại học trong nước, nhưng không thể kiếm được việc làm do tiếng Anh kém. Ngoài ra, thanh niên Malaysia luôn ngại những công việc nặng nhọc nên các công ty, nhà máy chủ yếu lấy lao động nước ngoài.
Thông tấn xã Bernama của Malaysia đưa tin, sau cuộc hội đàm giữa 2 bộ, số người Việt Nam làm việc tại Malaysia có thể tăng lên 100.000 người. Bộ trưởng Fong Chan Onn nói: "Malaysia thiếu khoảng 1 triệu nhân công lành nghề và bán lành nghề trong tất cả các lĩnh vực. Các lao động Việt Nam sẽ giúp lấp đi sự thiếu hụt đó". Hiện nay, lao động Việt Nam đang làm việc ở tất cả 13 bang của Malaysia và là lực lượng nhân công lớn thứ 2 sau Indonesia.
Xuất khẩu lao động sang Malaysia sẽ gặp nhiều thuận lợi sau bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước. Nhưng, bên cạnh mặt thuận lợi, những hạn chế của vấn đề XKLĐ sang Malaysia cũng không phải là nhỏ...
... và hạn chế
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trên thực tế các chủ sử dụng lao động Malaysia rất quan tâm đến tuyển dụng lao động Việt Nam. Họ luôn tôn trọng, đối xử rất thiện chí và rất muốn tuyển dụng thêm lao động Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, phía Malaysia cũng nhận định rằng, trong thời gian hơn một năm lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia cũng có những vấn đề nảy sinh, mà chủ yếu là do ngôn ngữ bất đồng. Bộ Nguồn nhân lực Malaysia cho biết, Bộ sẽ hợp tác với các chủ doanh nghiệp cũng như với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để đưa ra các giải pháp ổn định tình hình cũng như giải quyết những mâu thuẫn chủ - thợ phát sinh trong quá trình làm việc.
 |
Lao động Việt Nam tại Malaysia. |
Trong buổi hội đàm với Bộ LĐTB&XH vừa qua, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã đưa ra một số khuyến nghị, những giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác XKLĐ giữa 2 bên. Một trong những giải pháp đó là tăng cường công tác đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam trước khi sang Malaysia làm việc phải tốt hơn nữa. Làm sao để người lao động được trang bị tốt hơn những kỹ năng về tiếng và phong tục tập quán, văn hoá ứng xử tại Malaysia.
Bộ trưởng Fong Chan Onn hy vọng, với bản ghi nhớ hợp tác này, tất cả những khó khăn, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai bên về lao động sẽ được giải quyết. Và chắc chắn với việc ký thoả thuận, hợp tác trong lĩnh vực lao động sẽ được tăng cường lên rất nhiều.
Ngoài những vấn đề trên, lao động Việt Nam tại Malaysia cũng còn những hạn chế khác như hay khiếu nại, đình công, không có thái độ hợp tác với chủ sử dụng lao động, hay đánh nhau với lao động nước khác và đánh lẫn nhau. Điều này nhiều khi tạo ra những ấn tương không tốt về lao động Việt Nam trong suy nghĩ của nhiều chủ sử dụng lao động Malaysia.
Báo chí Malaysia gần đây đưa tin về quy định mới cho công nhân nước ngoài làm việc tại Malaysia. Theo đó, người nước ngoài đến làm việc tại Malaysia sẽ phải trải qua một khoá học hai tuần về kỹ năng tiếng Anh và tiếng Malaysia cơ bản cũng như về văn hoá và lối sống Malaysia. Người lao động sẽ được cấp giấy phép và vào làm việc tại các nhà máy. xí nghiệp tại Malaysia khi có giấy chứng nhận đã trải qua khoá học này. Được biết, quy định này sẽ có hiệu lực từ năm 2004.
|