 |
Ông Đỗ Tiến Lực |
Hiện nay, lượng người đi xe buýt tăng vọt lên 320.000 người/ngày (tăng năm lần so với cách đây một năm). Đó là điều “không mơ thấy nổi” của TP.HCM sau nhiều năm xe buýt cứ ì ạch trên đường chạy của mình. Thế nhưng hiện tại lại bộc lộ một nghịch lý là có hơn 50% tuyến xe buýt đang quá tải.
Ông Đỗ Tiến Lực - phó giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM - thừa nhận:
- Sở GTCC TP.HCM được Nhà máy Ôtô 1-5 thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải -Transinco, đơn vị cung cấp xe buýt - cho biết đối tác ở Hàn Quốc đang gặp chuyện công nhân đình công đòi tăng lương nên nhà máy ngưng sản xuất linh kiện máy và khung gầm xuất khẩu sang VN.
Vì vậy, Transinco cũng bị ảnh hưởng trong việc giao xe buýt về TP.HCM. Mới đây, phía nước ngoài đã giải quyết xong vấn đề nội bộ nên hi vọng từ đây đến cuối năm 2003 Transinco sẽ tiếp tục giao 100 xe buýt cho TP.
Đến nay, đơn vị này mới giao được 353 xe, trong khi theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2003 lẽ ra TP phải có thêm khoảng 800 xe. Còn nếu tính theo dự án được phê duyệt thì Transinco phải giao đủ 1.318 xe.
+ Liệu có giải pháp nào khác để tăng xe buýt, vì gần 50% tuyến xe buýt mẫu quá tải, thậm chí trong giờ thấp điểm khách đi xe buýt cũng phải chen chúc nhau?
- Chúng tôi cũng biết vấn đề nên đã quyết định tăng chuyến bằng cách quay vòng xe và rút ngắn thời gian xuất bến. Chẳng hạn, giờ cao điểm thay vì 5 phút/chuyến thì rút ngắn còn 3 phút/chuyến.
 |
Rất đông SV các trường đại học đi xe buýt tuyến Sài Gòn - Thủ Đức - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Mới đây, khi UBND TP.HCM ra quyết định đầu tư thêm 200 xe buýt đưa đón học sinh, sinh viên và công nhân, chúng tôi đã làm việc với Hãng sản xuất ôtô Mercedes - Benz, đơn vị này hẹn trước tết 2004 sẽ giao 10 xe, còn lại phải chờ sau tết vì cần làm thủ tục nhập máy và khung gầm về.
+ Hàng trăm sinh viên ở làng đại học Thủ Đức cho biết sau giờ tan trường họ phải chờ 1-2 tiếng đồng hồ mới có xe, làm sao giải quyết tình trạng này?
- Tôi vừa ký quyết định tăng chuyến xe buýt đưa rước sinh viên đến các trường ở làng đại học Thủ Đức.
Thế nhưng để giải quyết vấn đề lâu dài, sở đã bàn với Liên hiệp Hợp tác xã xe buýt TP.HCM nhập về một số xe buýt loại hai tầng. Còn Hãng Mercedes - Benz cho biết cuối tháng 11-2003 sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm xe buýt hai toa dài 18m có sức chở 200 người trên một số tuyến đường rộng.
Dự kiến trong tháng 12-2003 nếu đạt hiệu quả, sẽ đưa loại xe này vào hoạt động thêm trên một vài tuyến khác.
+ Có ý kiến đề nghị điều chỉnh những tuyến xe buýt mới mở nhưng không hiệu quả sang tuyến xe buýt quá tải, vừa đỡ lãng phí vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân?
- Đúng là có tình trạng một số tuyến xe buýt chạy vòng trung tâm TP, hoạt động trong giờ cao điểm thì có khách, nhưng vào các giờ khác lại vắng khách. Thế nhưng, mục tiêu mở các tuyến xe buýt này là để đưa khách từ các đường nhánh đến các trục đường chính nhằm phủ kín mạng lưới xe buýt ở TP.HCM.
Theo tôi, các tuyến xe buýt vắng khách đó cũng có khi do chưa bố trí đúng tuyến, chúng tôi sẽ xem xét nắn tuyến. Nếu đã áp dụng biện pháp này mà lượng khách vẫn không đạt 50% công suất thì sẽ phải hủy bỏ tuyến xe buýt và điều xe buýt sang chạy tuyến đường khác.
+ Giá vé xe buýt mẫu từ ngày 1-12-2003 sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng trên tất cả 56 tuyến đường. Nhiều người dân đề nghị cần áp dụng loại giá vé 1.500 đồng đi cự ly dưới 10km và 2.000 đồng cự ly trên 10km...
- Sở GTCC đã báo cáo với Sở Tài chính - vật giá và UBND TP.HCM về việc thống nhất một giá vé đi xe buýt là 2.000 đồng. Bởi nếu phân ra làm hai loại giá thì việc quản lý rất khó khăn.
Chẳng hạn, hành khách đi suốt tuyến đường với giá vé 2.000 đồng nhưng nhân viên chỉ xé vé 1.500 đồng. Ngược lại, hành khách mua giá vé thấp lại đi suốt tuyến đường, trong khi việc kiểm soát vé rất khó khăn vì các chuyến xe buýt có sức chở 80 chỗ và có khi chen kín cả trăm người.
Người dân đặt vấn đề nhiều loại giá vé xe buýt là đúng, thế nhưng cũng như ở Hà Nội và một số nước áp dụng thì cơ quan quản lý nhà nước chọn phương thức một giá vé xe buýt để tránh thất thoát.
Sau này khi có điều kiện đầu tư thiết bị bán vé tự động hoặc năng lực quản lý tốt hơn, chúng tôi sẽ tính đến nhiều loại giá vé xe buýt.
+ Hiện TP mới có một tuyến xe buýt đêm, bao giờ mới mở thêm nhiều tuyến xe buýt đêm, thưa ông?
- Chỉ sau hai tuần hoạt động tuyến xe buýt đêm trên đường Trần Hưng Đạo (từ chợ Bến Thành đến chợ Bình Tây), lượng khách đi xe từ khoảng 8.000 người đã tăng lên gần 17.000 người.
Tôi quan sát các tuyến xe buýt từ 18g-21g trong những ngày đầu còn ít khách, nay đã tăng lên rõ rệt và thậm chí một số chuyến đầy khách khi chưa rời bến xe trung tâm ở công viên Quách Thị Trang.
Điều đó chứng tỏ người dân có nhu cầu đi lại ban đêm bằng xe buýt. Chúng tôi đã giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM triển khai ngay các tuyến xe buýt đêm.
Theo đó, sẽ phát triển một số tuyến chạy đêm đến các khu vui chơi, siêu thị, khu du lịch, các bến xe để kết nối các tuyến xe buýt nhánh với các tuyến xe buýt trục. Trước mắt, chúng tôi sẽ mở một số tuyến xe buýt đêm phục vụ SEA Games 22, sau đó rút kinh nghiệm để hoạt động lâu dài.
NGỌC ẨN