Hồ sơ xử án băng xã hội đen Năm Cam sắp viết xong hồi kết, dư luận lại nóng lên và đổ dồn về vụ bê bối buôn lậu, trốn thuế của một "đại gia" về điện thoại di động - Đông Nam Associates và hệ thống chân rết của họ.
Các cơ quan điều tra vào cuộc cả tháng nay, mỗi ngày thêm một phát hiện bất ngờ. Từ chiêu thức tổ chức kiểu mạng nhện gồm khoảng 33 đơn vị, nhưng thực ra chỉ là bàn tay của hai người anh em, đến mánh lới khai thấp giá mua hàng chính hiệu, nâng giá bán hàng thu gom. Từ ầm ĩ điện thoại di động đến im ỉm đồng hồ xịn Thuỵ Sĩ. Từ chui hàng qua biên giới bằng đôi vai cửu vạn, đến che mắt hải quan sân bay bằng con bài hàng biếu và tờ khai nhập nhằng chủng loại. Vân vân và vân vân...
Gần như hàng tháng, do có văn phòng phía nam, tôi thường có chuyến bay Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội. Giờ phút yên tĩnh ngồi trên máy bay, tạm dứt những bận rộn khách khứa và tiếng chuông điện thoại, là dịp rất quý cho sự suy nghĩ. Vừa rồi, trên chuyến bay về từ TP.HCM, mang theo những thông tin nóng hổi về vụ bê bối Đông Nam, tôi nghĩ miên man nhiều điều. Trước hết, tôi khâm phục các cơ quan điều tra. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã thu thập phần lớn những thông tin, chứng cứ, số liệu cần thiết và vượt qua được một chặng dài trên đường phá án. Nhưng rồi lại băn khoăn: có bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu loại chuyên viên, bao nhiêu con người và kinh phí hút vào vụ việc này? Chắc hẳn không ít. Trong lúc còn không ít những vụ việc nhức nhối khác đang cần đến nhân lực và tài chính.
Có thể giảm nhẹ những hao phí đó từ cái gốc của vấn đề, tức không để sự việc xảy ra, hoặc nếu có cũng dễ dàng theo dõi và phát hiện để ngăn chặn sớm. Nhưng bằng cách nào? Mỗi ngành, quản lý kinh doanh, thuế vụ, hải quan, công an kinh tế... chắc có một cách nghĩ riêng, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Từ góc nhìn nghề nghiệp, tôi nghĩ thêm về mặt kỹ thuật, về một biện pháp quản lý hiện đại đã áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển: quản lý xã hội bằng công nghệ thông tin (CNTT). Ở họ, đó đã là chuyện hôm qua. Nhưng với chúng ta đó là việc của ngày mai. Và để có ngày mai phải "bắt đầu từ ngày hôm nay".
Trở về Hà Nội dòng suy nghĩ trên vẫn đeo đuổi tôi. Bỗng từ Ban chuyên án truy xét hành vi trốn thuế của Ban giám đốc Đông Nam đưa ra thêm những con số mới có liên quan CNTT. Dĩ nhiên, mọi tiến bộ công nghệ đều là chiếc đòn xóc nhọn hai đầu. Sử dụng hiểu biết CNTT, Đông Nam đã lưu giữ các số liệu "thật" trong các ổ cứng của máy tính và khoá lại bằng mật mã. Nhưng vỏ quýt dày lại có móng tay nhọn, các chuyên viên CNTT đã "bẻ khoá" lấy được những con số bí mật chết người ấy. Những số liệu đưa ra ngày 21/1/2003 là: Tổng doanh thu của toàn mạng Đông Nam (từ năm 1999 đến 2002) là 1.000 tỷ đồng, nhưng chỉ kê khai vào hệ thống sổ sách công khai là 450 tỷ đồng, tức số tiền bị "bỏ quên" lên đến 550 tỷ đồng! Và khoản thuế trốn được, do đó, không hề nhỏ: 213,4 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản thuế lẩn được do bán đồng hồ là 17,78 tỷ đồng và do hạ thấp giá trị hàng hoá trong 452 vận đơn là 83 tỷ đồng. Với số liệu cho đến nay, nhà nước đã thất thu một lượng tiền thuế từ hoạt động của ĐNA là 314,18 tỷ đồng. Chắc hẳn dãy số này còn kéo dài thêm.
Sụ đóng góp của CNTT còn lớn hơn, vị trí của nó sẽ quan trọng hơn nhiều so với những phát hiện trên đây. Có thể hình dung tình hình quản lý, trên bình diện vĩ mô, sẽ cải thiện như thế nào khi hệ thống máy tính nối mạng được triển khai bắt buộc trong các khâu khai báo xuất nhập khẩu. Trong tiến trình mua bán, tính thuế ở mọi điểm mua bán lớn nhỏ đều phải cập nhật trong máy tính có nối Internet. Trong sự giao lưu, thanh toán tiền tệ từ một mức quy định nào đó đều phải qua hệ thống ngân hàng nối mạng. Khi đó, các cơ quan hữu quan khác nhau, như quản lý kinh doanh, hải quan, thuế vụ, ngân hàng nhà nước và cả các cơ quan an ninh, thống kê... đều có thể cập nhật tình hình và số liệu để kịp thời tổng hợp, từ đó phân tích để chỉ đạo và phát hiện những bất thường để kịp thời ngăn chặn hoặc uốn nắn. Trong điều kiện như vậy, vụ bê bối Công ty Đông Nam có thể được phát hiện sớm và nếu xảy ra thì công việc điều tra kết luận sẽ nhanh chóng và đỡ hao phí sức người và tài chính như bây giờ.
Nhân rộng ra, có lẽ hiện nay ở nước ta không chỉ Đông Nam mà còn nhiều "Đông Nam" khác chưa được phát hiện và thất thu của nhà nước không dưới vài trăm triệu đôla Mỹ mỗi năm. Chúng ta đang đặt chỉ tiêu doanh số phần mềm năm 2005 là 500 triệu USD. Nếu chúng ta ứng dụng CNTT để quản lý, kiểm soát thì mỗi năm nhà nước sẽ không mất hàng tỷ đôla.
Phương thức quản lý kinh tế, thương mại tiên tiến nói trên dựa trên những điều kiện không thể thiếu. Về mặt kỹ thuật, đó là trình độ công nghệ thông tin của đất nước bao gồm số lượng máy tính, hệ thống Internet và những giải pháp phần mềm. Về mặt cơ chế, đó là hệ thống pháp lý chặt chẽ cơ chế chia sẻ, phối hợp xử lý thông tin giữa các Bộ, ngành được áp dụng cho mọi khâu và mọi lĩnh vực. Con đường đi tới trình độ tiên tiến đó chính là con đường đi tới chính phủ điện tử, thương mại điện tử. Đây cũng là con đường tất yếu nếu chúng ta muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, là yêu cầu để hoà nhập với nền kinh tế thế giới, mà trước mắt yêu cầu để thực hiện những hiệp định kinh tế quốc tế như Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và tiếp theo là yêu cầu của sự gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vụ bê bối Công ty Đông Nam càng thúc giục đi nhanh trên con đường tất yếu đó, thúc giục nhà nước, tất cả mọi ngành và mọi người liên quan.
|