- Đây là thông tin mà Sở GTCC Hà Nội vừa đưa ra trong cuộc họp với một số cơ quan chức năng. Sự điều chỉnh này nhằm quy hoạch lại hệ thống bến xe khách và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Bến xe Kim Mã (Hà Nội) sẽ được chuyển về Bến Mỹ Đình vừa được xây dựng với diện tích 3ha với khoảng 500 xe hoạt động mỗi ngày.
![]() |
Bến xe Kim Mã được di chuyển sẽ giảm thiểu được ùn tắc giao thông quanh khu vực. |
''Di chuyển bến xe Kim Mã là đúng đắn!''
Từ khi được hình thành, Bến xe Kim Mã đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Song trước sự gia tăng không ngừng của nhu cầu và các phương tiện giao thông, việc để một bến xe tồn tại giữa nội đô từ lâu đã phát sinh nhiều bất cập. Nhìn lại khoảng thời gian tồn tại, Bến xe Kim Mã đã nhiều lần được nhắc đến vì tình hình mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.
Trước đây, do sự phát triển chưa cao, nhu cầu đi lại của người dân ít, trong lòng Hà Nội đã có nhiều bến xe đi các vùng miền của đất nước như bến Kim Liên, bến Nứa, bến Kim Mã… Cũng do những vấn đề nảy sinh về an toàn giao thông và an ninh trật tự, bến xe Kim Liên đã được di chuyển xuống Giáp Bát, bến Nứa được di chuyển sang Gia Lâm. Hiện tại chỉ còn mỗi Bến xe Kim Mã.
Bất cập đầu tiên của bến Kim Mã phải nói đến trật tự giao thông. Tại cổng chính (đường Kim Mã) và cổng phụ (đường Giảng Võ) thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Theo điều khiển của Ban quản lý bến, cứ 5-10 phút lại có một xe xuất bến nhưng hầu như không có xe nào ''dại dột'' đi ngay. Xe nào cũng tranh thủ lấy thêm khách ngay khi vừa ra khỏi cổng. Nhiều khi vào những giờ tan tầm, có tới 3,4 xe khách cộng thêm vài xe buýt án ngữ khu vực khiến dòng xe đang lưu thông bị ùn lại. Rồi mỗi khi có xe khách xuất hiện, đội quân xe ôm xung quanh ào ra đường, vây quanh xe khách để lôi kéo khách. Rồi hàng rong, người nhà hành khách đứng ngồi nhộn nhạo quanh khu vực 2 cổng. Cổng phụ của bến xe Kim Mã lại nằm ngay ngã ba, mật độ phương tiện lưu thông đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng lộn xộn.
Theo lãnh đạo xí nghiệp quản lý bến xe Kim Mã, tổng diện tích của bến xe là 3.700m2,trong đó có khoảng 1.000m2 dành cho khu vực dịch vụ, vệ sinh. Mỗi ngày bến xe có khoảng 250 lượt xe xuất bến với trên 2.000 lượt khách. Trước thực trạng về ùn tắc giao thông và an ninh trật tự khu vực quanh bến xe, Ban quản lý bến cho biết đã có những biện pháp cần thiết phối hợp với công an phường sở tại để giảm thiểu ùn tắc giao thông, an ninh trật tự. Tuy nhiên, Ban quản lý bến xe Kim Mã cho biết, việc phát sinh những tiêu cực quanh khu vực bến là điều không thể tránh khỏi, và việc di chuyển bến xe Kim Mã là về Mỹ Đình thực sự đúng đắn.
''Bến xe Kim Mã sẽ là bến trung chuyển xe buýt''
![]() |
Bến xe Kim Mã sau khi di dời sẽ được dùng làm nơi trung chuyển xe buýt. |
Từ năm 2000, Thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng Bến xe khách phía Tây tại xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) để thay thế cho Bến xe Kim Mã. Ban Quản lý dự án giao thông đô thị, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án này cho biết, Bến xe khách phía Tây tại Mỹ Đình có tổng diện tích 34.095m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng bến là 19.945m2, đất làm đường giao thông ngoài bến là 12.293m2, còn lại là hệ thống thoát nước, chiếu sáng... Bến xe Mỹ Đình được thiết kế với quy mô loại I, đáp ứng lượng xe là 204 chiếc/ngày đêm với khoảng trên 6 ngàn lượt hành khách/ngày. Tình đến thời điểm này, các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị cho việc di dời vào đầu tháng 4 tới.
Ông Phạm Quốc Trường, Giám đốc Sở GTCC Hà Nội cho biết, sẽ chấm dứt hoạt động của Bến xe Kim Mã từ ngày 1/4/2004. Một số tuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh và ngược lại sẽ chuyển về Bến xe Gia Lâm, các tuyến còn lại được chuyển về Mỹ Đình. Theo Sở GTCC, sự điều chỉnh này nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, chống lại nạn xe dù, bến cóc.
Ông Trường cho biết thêm, để Bến xe Mỹ Đình đi vào hoạt động một cách đồng bộ, Công ty quản lý bến xe Hà Nội sẽ tiến hành lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như bảng hướng dẫn điện tử, hệ thống kiốt bán vé, ghế chờ. Để việc đi lại của hành khách không bị đảo lộn và khó khăn, Sở GTCC sẽ giao cho Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng tổ chức các tuyến buýt nối liền Bến xe Mỹ Đình với bến khác như Giáp Bát, Gia Lâm. Ngoài ra, một số tuyến xe buýt cũng sẽ được điều chỉnh điểm cuối về bến xe Mỹ Đình để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Sở GTCC cũng cho biết, sau khi di chuyển về Bến xe Mỹ Đình, bến xe Kim Mã sẽ được sử dụng làm bến trung chuyển xe buýt và một phần cho xe taxi.
-
Thế Lê Vinh