![]() |
Loại sâu đang tàn phá rừng Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. |
Tại Thanh Hóa, Nghệ An, dịch sâu róm đang bùng phát mạnh trên quy mô lớn. Trong khi đó, thuốc và phương tiện diệt sâu thiếu trầm trọng: mới có vài chục bẫy đèn bắt bướm trong khi cần 500 bẫy; kho hết thuốc. Cả tỉnh chỉ có 6 máy phun thuốc cao áp.
Trạm trưởng Trạm kỹ thuật bảo vệ rừng thuộc Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa Nguyễn Đình Sơn cho biết, toàn tỉnh có trên 2.000ha rừng thông bị sâu róm tấn công. Riêng lâm trường Tĩnh Gia, 200ha thông bị sâu ăn trụi lá. Thế hệ sâu róm thứ ba phá hoại nặng 5ha rừng ở lâm trường Hà Trung và tại đây đang phát dịch. Khu di tích rừng Đông Sơn có 27ha thông nhiễm dịch. Huyện Thạch Thành là 100ha, mật độ sâu từ 300-500 con/cây...
Ông Sơn dự đoán, dịch sâu róm phá hoại đến một giai đoạn nào đó sẽ thoái trào, không có khả năng kéo dài nhưng cần diệt tận gốc. Tới nay, dịch sâu ảnh hưởng tới đời sống của 700 lao động khai thác nhựa thông.
Đây là năm dịch sâu róm mạnh nhất ở Nghệ An. Đến nay, toàn tỉnh có 3.000ha thông bị sâu phá, làm đổi màu cây từ xanh sang nâu thẫm. Huyện Nam Đàn 2 ngày trước mới có 2ha nhiễm sâu, nay đã lên tới 120ha.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, thuốc hoá học để diệt sâu, chế phẩm sinh học chỉ để phong toả vùng phát dịch, nhưng trên rừng thông có cả trứng, sâu, bướm nên dùng thuốc diệt đồng thời các loại rất khó.
Tại Hà Tĩnh, rừng thông tập trung ở đầu nguồn nước sinh hoạt của dân nên phun thuốc trừ sâu diện rộng ảnh hưởng môi trường con người và đàn gia súc. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo địa phương không dùng loại thuốc không được lưu hành để diệt sâu; huy động nhân dân gõ cây cho sâu rụng xuống rồi gom lại tiêu diệt. Chỉ 7 ngày nữa sâu chui vào kén nghỉ đông nhưng nếu không trừ tận gốc, sang năm dịch lại bùng phát.
(Theo Tiền Phong)