Nước trên sông Vĩnh Phước nơi cung cấp nước sinh hoạt cho gần 7 vạn dân và hàng trăm cơ sở sản xuất thuộc địa bàn thị xã tỉnh lỵ Đông Hà và các vùng phụ cận - đã cạn kiệt. Suốt 25 ngày qua, Công ty cấp thoát nước Quảng Trị đã nạo vét, đào sông sâu thêm hơn 2 mét để bòn mót từng khối nước... Cho đến sáng hôm qua (7/8), mực nước trên sông tiếp tục khô kiệt với tốc độ nhanh hơn, dự kiến thêm 3 ngày nữa, sông sẽ... hết nước. Khi đó, sẽ lấy nước ở đâu để phục vụ dân sinh?
Công nhân Cty cấp thoát nước QT đào sông lấy nước (ảnh chụp sáng 7/8) |
Ông Nguyễn Hải Đoàn, Giám đốc công ty cấp thoát nước Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với báo chí:
Tình trạng nguồn nước trên sông Vĩnh Phước hiện nay như thế nào, thưa ông ?
Hiện tại trên sông Vĩnh Phước chúng tôi đã đặt 4 máy bơm ngược dòng có công suất 150m3/giờ/ máy. Đến 13 giờ chiều ngày hôm qua (7/8), hồ nước chứa phía dưới trạm bơm chỉ còn lại xấp xỉ 15.000m3, trong khi để có được 12.000m3 nước sạch cung cấp cho thị xã trong một ngày thì đã cần có ít nhất là 16.000m3 nước đưa vào khu xử lý. Ngày mai (8/8), 6 máy bơm diesel lại phải tiếp tục di chuyển đến một khúc sông khác xa hơn ở một con đập đã được ngăn đắp trong mấy ngày qua, dự kiến hồ chứa nước đào này sẽ đủ cung cấp "nhỏ giọt" trong 1 ngày rưỡi. Hiện tại, chúng tôi đã giảm công suất cấp nước xuống 20 - 30% mỗi ngày, ở các khu vực xa phải áp dụng cấp nước cách nhật.
Không phải là chưa có ! Nói chính xác là có nước nhưng... chưa dùng được ! Đã có nước ngầm, chất lượng cao từ huyện Gio Linh vào tận Đông Hà rồi, nhưng đến thời điểm này vẫn phải nằm trong... bể dự trữ của Cty mà thôi. Một dự án nước ngầm có thể nói là vĩ đại chưa từng có ở Quảng Trị xưa nay với số vốn lên tới gần 13 triệu USD, có công suất 15.000m3 nước thành phẩm/ngày đã hoàn thành. Nhưng rất đáng tiếc, dự án đã "bỏ quên" một hợp phần rất quan trọng là cải tạo, nâng cấp hệ thống đường ống cung cấp nước trong lòng thị xã. Hiện tại, hệ thống này đã quá cũ kỹ, chắp vá, vật tư thiết bị hầu hết đều từ... xa xưa để lại, không rõ nguồn gốc sản xuất và chất lượng. Nếu đưa hệ thống nước ngầm vận hành hoà mạng vào hệ thống đường ống này thì áp lực nước tăng gần gấp đôi (khoảng 5kg so với áp lực khoảng 3kg lên thành ống như hiện tại) thì khả năng bục, vỡ ống là không tránh khỏi.
Kinh nghiệm ở tỉnh Tuyên Quang, cũng là nơi có mô hình y hệt thế này, mặc dù đã có cải tạo, nâng cấp hệ thống đường ống một phần, nhưng khi vận hành hoà mạng đã có trên 200 múi bị bục vỡ. Để có một hệ thống đường ống tương thích với nhà máy cung cấp nước ngầm Gio Linh cần một nguồn kinh phí theo tính toán của Bộ Xây dựng là khoảng 30 tỉ đồng. Và Bộ đã hứa là sẽ tìm cách gỡ cho Quảng Trị...
Trong 72 giờ nữa, nếu trời vẫn không mưa, sông Vĩnh Phước khô nước, người dân sẽ lấy nước sinh hoạt từ đâu, thưa ông?
Vẫn phải lấy từ hệ thống nước ngầm Gio Linh. Vấn đề là, khi vận hành chắc chắn sẽ xảy ra sự cố bục vỡ, gây mất nước cục bộ với thời gian không nhỏ. Chính vì thế, chúng tôi chủ trương còn một giọt nước trên sông là vẫn phải tiếp tục đào. Có "nhỏ giọt" từ sông Vĩnh Phước còn hơn là "mất hẳn" sau khi hoà mạng.
Xin cảm ơn ông !
(Theo Lao Động)