 |
Thủ tướng bước vào phòng trả lời trực tuyến. Ảnh:Việt Anh |
"Chúng ta có quyền hy vọng về sự đổi mới của đất nước khi có những người lãnh đạo dám thẳng thắn, công khai như thế." - đó là nhận xét của ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố HCM sau khi xem buổi trả lời của Thủ tướng sáng nay.
Ghi nhận của TS cho thấy, buổi trả lời của Thủ tướng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tầng lớp người dân. Hàng nghìn người dân TP HCM chăm chú ngồi trước máy tính theo dõi Thủ tướng lần đầu tiên trực tuyến. Phần lớn đều có chung nhận định, Thủ tướng trả lời thẳng thắn, cởi mở và muốn có thêm nhiều dịp tương tự để hình ảnh người đứng đầu Chính phủ gần gũi hơn.
Cả 10 hộ dân khu vực đường Trần Bình - Lê Tấn Kế, TP HCM, từ 9h sáng nay đã phân công nhau ngồi trước máy vi tính để theo dõi Thủ tướng trả lời phỏng vấn trực tuyến. Hai ngày trước, đại diện mọi người, ông Nguyễn Chánh Thanh đã gửi một thư dài cho Thủ tướng, kể chuyện tình trạng các hộ này đang sở hữu nhà không khí do bị tháo dỡ và chủ nhà liên kế phần tầng trệt bán cho người khác. Đơn của các hộ dân nhờ Thủ tướng cho ý kiến, trước mắt là giúp dân không phải trả lại nhà tạm cư ngay trước tết.
Trao đổi với TS, ông Thanh tỏ ra sốt ruột: "Hơn 20.000 câu hỏi gửi Thủ tướng, làm sao ông trả lời tới câu của mình". 11h30, ông Thanh cùng bà Yến, một người dân trong khu vực, đã soạn lại thư thành một văn bản ngắn để mong câu hỏi tới được Thủ tướng. "Tôi hiểu là Thủ tướng trước khi trả lời phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, Ngoài tôi còn có cả hàng chục nghìn người, vụ việc đang mong chờ Thủ tướng xem xét", miệng nói nhưng ông Thanh vẫn dán mắt vào màn vi tính.
Trong cách đánh giá của thày giáo Nguyễn Văn Hà, giảng viên khoa Ngữ văn - Báo chí ĐH KHXH & NV, đối thoại giữa người dân và Thủ tướng lần này là một cuộc cách mạng thật sự trong điều hành của Chính phủ. Điều đó cũng thể hiện được trách nhiệm của các lãnh đạo đối với những vấn đề an sinh, lợi ích của người dân. "Nhưng tôi nghĩ, hoạt động này cần phải duy trì thường xuyên, chứ không chỉ là một sự kiện hiếm hoi", thày Hà bộc lộ quan điểm.
Theo ông, ở những nước phát triển, các nguyên thủ quốc gia đối thoại với người dân như là một trách nhiệm, một công việc tất yếu. Họ đối thoại về các chính sách, quan điểm hay bất cứ vấn đề nào mà toàn xã hội quan tâm. "Nước mình mới bắt đầu hình thức này thì tôi hy vọng đó sẽ là một khởi đầu tốt đẹp", ông nói.
Giới doanh nhân mặc dù có khá nhiều việc bận rộn cuối năm để giải quyết, nhưng nhiều người cũng dành thì giờ để mở nhanh website cập nhật câu trả lời của Thủ tướng. "Tôi có cảm giác các câu hỏi còn chung chung, chưa cụ thể nên có câu trả lời cũng còn chung mặc dù rất thẳng thắn", Giám đốc cà phê Thu Hà, Ngô Tấn Giác nhận xét. Còn Thái Văn Kiệt, Giám đốc một công ty kinh doanh dược phẩm tại Đà Nẵng bộc lộ hy vọng, nếu các vấn đề trả lời của Thủ tướng sớm được triển khai vào thực tế thì hiệu quả điều hành Chính phủ cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời kỳ hội nhập.
Chị Bùi Minh Thùy, nhân viên công ty quảng cáo MOCO cũng nói, chị thường xuyên lên báo mạng để theo dõi thông tin về cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và người dân. "Điều tôi quan tâm nhất không chỉ là những gì đang diễn ra mà cái gì sẽ đến sau cuộc đối thoại này. Liệu những đóng góp ý kiến, xây dựng của người dân sẽ được ghi nhận sâu sát? Liệu Chính phủ có thực hiện kịp thời những giải pháp cải cách cho các vấn đề khúc mắc chung hiện nay?", chị Thùy bày tỏ.
Ông Đoàn Văn Hợp, Phó chủ tịch Hội nông dân TP HCM không giấu được vẻ tiếc nuối khi cho phóng viên hay, mặc dù rất quan tâm đến sự kiện liên quan đến Thủ tướng nhưng do hôm nay phải họp Hội nghị cán bộ công nhân viên chức nên không thể theo dõi được. "Ngay sau khi kết thúc họp, tôi sẽ vào mạng để xem Thủ tướng giải quyết những vấn đề chung của đất nước, trong đó có những vướng mắc của nông dân và cả nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi hội nhập WTO", ông Hợp nói.
Cũng theo ông Phó chủ tịch hội, trước đây, Hội nông dân thành phố cũng đã tổ chức cho các nông dân tiêu biểu gặp lãnh đạo thành phố khiến dân rất đồng tình. Ông nói: "Việc lãnh đạo giao lưu với dân để nghe dân nói, trả lời bức xúc là một bước tiến mới, hứa hẹn sẽ đem đến hiệu quả tích cực vì khi lãnh đạo trực tiếp nghe dân nói chứ không phải thông qua một nguồn nào khác sẽ hiểu và từ đó có những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân".
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố nhận xét, trực tuyến sẽ làm cho mối quan hệ của một người đứng đầu Chính phủ với dân gần gũi hơn. Nó thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch hóa vì Thủ tướng phải đối mặt với nhiều vấn đề, cả những câu hỏi riêng tư như việc con trai ông đi Mỹ học. "Chúng ta có quyền hy vọng về sự đổi mới của đất nước khi có những người lãnh đạo dám thẳng thắn, công khai như thế.", ông Đằng khấp khởi.
Nhóm phóng viên
|