Chiều hôm nay 3/2, UBND TP.HCM vừa có công văn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 05/2004, với mức giá đền bù cụ thể cho từng loại gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, công văn đã cụ thể hoá nhiều biện pháp để thực hiện "3 không" với dịch cúm trên địa bàn TP.HCM.
Theo công văn trên, mức giá đền bù đối với gà vịt, ngan, ngỗng đến tuổi xuất chuồng bán thịt hoặc đẻ trứng là 15.000 đồng/con. Từ 4 tuần tuổi đến gần ngày xuất chuồng, đẻ trứng: 10.000 đồng/con. Từ 1 tuần đến 4 tuần tuổi: 5.000 đồng/con. Dưới 1 tuần tuổi: 3000 đồng/con. Chim cút: 1000 đồng/con, bồ câu: 5.000 đồng/con, bồ câu giống ngoại nhập: 15.000 đồng/con, trứng gà hoặc trứng vịt: 300 đồng/quả. Mức giá này được áp dụng tạm thời trong thời gian chống dịch và sẽ điều chỉnh bổ sung khi có chủ trương cụ thể của Chính phủ.
Về thời gian áp dụng để hỗ trợ giá, đối với gà, vịt, ngan, ngỗng của các hộ chăn nuôi có quy mô trên 300 con và thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè, quận 12, quận 9, quận Thủ Đức: Các hộ chăn nuôi đăng ký tự chôn, tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của chính quyền các phường xã, thị trấn từ ngày 17/1 đến hết ngày 20/1/2004 được hỗ trợ 100%; từ 21/1 đến hết ngày 24/1/2004 được hỗ trợ 70%, ngày 24 trở về sau hỗ trợ 50% mức giá trên.
Đối với gà vịt, ngan, ngỗng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thuộc 8 quận huyện trên, có quy mô dưới 300 con/hộ và các hộ chăn nuôi thuộc huyện Cần Giờ, quận 7, quận 2 và các quận nội thành: các hộ chăn nuôi đăng ký trước ngày 1/2/2004 được hỗ trợ 100%; từ 1/2 đến 5/2/2004: 50%; và các hộ đăng ký tiêu hủy sau ngày 5/2/2004 chỉ được hỗ trợ 30% mức giá trên.
![]() |
Tại nhiều địa phương khác, kể cả ở Hà Nội, việc mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm tươi sống hoặc đã chế biến vẫn còn rất... thoải mái. (Ảnh chụp tại tỉnh Phú Thọ) |
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm thủy cầm TP.HCM yêu cầu UBND các quận - huyện, sở - ngành tiếp tục khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch, chủ động, kịp thời và kiên quyết. Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp với công an, quân đội, Chi cục thú y, Ban Chỉ đạo quận - huyện thực hiện chốt chặn (cố định và lưu động) tại các trục lộ giao thông thủy, bộ ra vào thành phố và kiểm tra địa bàn khu dân cư, trường học, cơ quan… nhằm thực hiện triệt để mục tiêu ba không: không ăn, không nuôi không vận chuyển hay mua bán tất cả các loại gia cầm, thủy cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, chim bồ câu, các loài chim thịt, chim kiểng, chim phóng sanh…) và các sản phẩm của chúng như trứng, sản phẩm chế biến lông vũ (ngoại trừ sản phẩm đóng hộp hợp pháp) cho đến khi có thông báo mới.
Các ngành Thương mại, Y tế, Du lịch kịp thời thông báo và tổ chức kiểm tra chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 05/2004 của UBND TP, tạm thời không cho triển lãm, hội thi, lưu thông, mua bán, chế biến các loại gia cầm, thủy cầm chim các loại dưới dạng sống và làm thịt sẵn, trứng, sản phẩm chế biến tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt là các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, Thảo cầm viên… phải hạn chế tối đa việc tham quan, không cho du khách tiếp xúc hay đến gần các khu vực nuôi dưỡng các loài cầm, chim muông quý hiếm. Đồng thời, phải theo dõi sát tình hình sức khỏe các loài cầm, chim, đặc biệt là các loài quí hiếm phải được cách ly phòng dịch, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thú y cho tới khi có thông báo mới của UBND TP.
Giao cho Sở Tài chính dự trù, phân bổ kinh phí trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, chính sách hỗ trợ để tiêu hủy, đồng thời hướng dẫn cho Phòng Tài chính các quận huyện thủ tục cấp phát và quyết toán.
Về việc tiêu hủy, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Thú y hướng dẫn bằng văn bản cho các quận huyện, phường xã cách tổ chức tự tiêu hủy hay giúp tiêu hủy cho các hộ, đơn vị chăn nuôi còn lại. Tổ chức đoàn kiểm tra lại các nơi đã chôn, hủy, kịp thời giải quyết các trường hợp có sự cố, hậu quả ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Chi cục Thú y thực hiện vẽ bản đồ vị trí các nơi xảy ra dịch gà và những nơi chôn hủy gia cầm, thủy cầm… cung cấp cho Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục theo dõi tình hình ô nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời.
Nam Anh