Ít phút sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm phó thủ tướng, các tân phó thủ tướng đã trả lời phỏng vấn của báo chí về những việc sẽ làm trong cương vị mới, ngay bên hành lang Quốc hội.
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Điều quan trọng nhất hiện nay của Chính phủ mới là hành động và hành động"
 |
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Chúng ta đã nói quá nhiều và quá đủ. Vấn đề còn lại phải làm thật sự với trách nhiệm cao nhất. Cần phải phê phán tình trạng nói suông, hiệu triệu, nói nhiều làm ít hay cứ xem như chuyện của ai đó chứ không thuộc trách nhiệm của mình. Chủ trương chính sách đã ban hành quá nhiều và giải pháp cũng không thiếu. Điều cần thiết bây giờ là phải lao vào làm với quyết tâm cao nhất. Chủ trương một, quyết tâm mười, giải pháp phải hai mươi thì mới hoàn thành được những nhiệm vụ cả trước mắt lẫn lâu dài.
Theo tôi, mỗi cán bộ, đảng viên khi nhận lấy trọng trách trước dân thì trước hết phải gương mẫu. Không chỉ gương mẫu trong lời nói mà phải cả trong việc làm. Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải nêu cao gương mẫu. Tôi muốn nhấn mạnh phải gương mẫu cả trong việc thực hiện công việc được giao và trong đạo đức lối sống. Đây không phải là một yêu cầu mới nhưng lâu nay chúng ta chưa làm tốt. Tôi thấy cần thiết phải nhắc lại vì nếu làm không tốt điều này không những có tác hại đối với từng cá nhân cán bộ mà còn ảnh hưởng uy tín của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Cán bộ đảng viên phải ý thức được điều đó khi thực thi nhiệm vụ của mình thì mới củng cố được lòng tin của dân, nâng cao được hiệu lực của bộ máy nhà nước.
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm: “Nhiệm kỳ này, tôi sẽ tập trung ba vấn đề lớn”
 |
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. |
Thứ nhất, thực hiện bằng được tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng IX coi khoa học - giáo dục là quốc sách hàng đầu - khâu quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta. Thứ hai, làm sao phát triển sâu rộng cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, đưa nếp sống văn hoá thấm sâu và từng người từng gia đình, cộng đồng, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Thứ ba, ưu tiên công tác xoá đói giảm nghèo.
Riêng giáo dục - đào tạo, tôi muốn nhấn mạnh hai yêu cầu: nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, trong đó chú ý giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh sinh viên và khắc phục loại bỏ những hiện tượng tiêu cực trong dạy, học, thi cử, cấp bằng.
Phó thủ tướng Vũ Khoan: "Xuất khẩu nhưng vẫn chú trọng thị trường nội địa"
 |
Phó thủ tướng Vũ Khoan. |
Có 3 điều tâm đắc nhất trong hơn một năm tôi làm Bộ trưởng Thương mại. Cái quan trọng nhất là nhận thức của xã hội đã thay đổi. Biểu hiện ở chỗ người Việt Nam đã hiểu sản xuất phải nhìn vào thị trường, thị trường đòi hỏi cái nào ta sản xuất cái đó, không phải cái ta có. Đây là một thay đổi rất lớn mà trước đây chưa từng có. Thứ hai, nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp đã biết thế nào là xúc tiến thương mại, thế nào là phải tìm thị trường. Thứ ba, họ biết được phải hội nhập, dù hội nhập vừa có những cơ hội và cả thách thức.
GDP của ta hơn 30 tỷ USD thì riêng xuất khẩu đã chiếm tới 16-17 tỷ. Hơn 50% là một tỷ trọng rất cao, tuy nhiên, cứ mải xuất khẩu mà không chú ý đến thị trường trong nước khi mà thị trường thế giới bập bùng, biến động thì sẽ rất khó khăn.
Chúng ta phải tìm ra chỗ cân bằng giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước. Cần phải tìm được một tỷ lệ, một tỷ trọng hợp lý, cũng như ra nước ngoài phải tìm được một tỷ lệ hợp lý giữa các thị trường với nhau, không nên tập trung quá cao vào một thị trường nào và nên có sự đa dạng hoá, như vậy sẽ giúp ta chủ động, cơ động, linh hoạt hơn.
Riêng về vấn đề xuất nhập khẩu, có mấy việc lớn mà chúng ta đang làm và sẽ phải làm sắp tới. Một là, cơ cấu xuất khẩu của chúng ta chưa phù hợp với nhu cầu của thế giới, do đó ta thua thiệt rất nhiều, nhất là về giá cả. Đổi mới cơ cấu sản xuất sẽ là việc mà Chính phủ phải quan tâm làm ráo riết để sao cho cơ chế ấy mang lại hiệu quả cai hơn cho nền kinh tế. Hai là, việc mở rộng nhưng chưa chắc chưa vững; làm sao để những thị trường của chúng ta mở ra được mà hàng hoá của chúng ta đứng vững hơn, ổn định hơn, chắc chắn hơn vì cuộc cạnh tranh hiện nay rất ác liệt. Tôi nghĩ nếu được phân công vào lĩnh vực đối ngoại, kể cả kinh tế đối ngoại, tôi sẽ cố gắng cùng các vị bộ trưởng thực hiện tốt những công việc này.
Đặc điểm của nền kinh tế chúng ta là kinh tế nhà nước còn chiếm một tỷ trọng khá cao, gần 40%. Đã gọi là tài sản của Nhà nước phải cai quản, tức là các bộ quản. Tất nhiên chúng ta sẽ giao dần dần cho các hội đồng quản trị, các cơ chế khác, nhưng phải có quá trình. Hiện nay, Chính phủ thảo luận về việc hình thành các công ty tài chính để chuyển dần quyền cai quản trên cho đầu mối đó, kinh tế hoá việc quản lý này. Tất nhiên không phải hô “đùng một cái” rồi thôi, các bộ buông ngay việc quản này thì khi đó ai sẽ quản lý các tài sản của Nhà nước.
Hướng của Chính phủ sẽ là chuyển dần những quyền hành của mình xuống cho các bộ, địa phương, còn thủ tướng, các phó thủ tướng không làm thay những việc mà các cơ quan này phải làm. Thủ tướng và pPhó thủ tướng sẽ tập trung lo những vấn đề vĩ mô. Một cải cách nữa phải làm là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các bộ. Trong kỳ họp Quốc hội, khi bàn về cơ cấu Chính phủ, nhiều đại biểu đòi hỏi làm rõ về chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành. Chính phủ mới sẽ phải lo thế nào không để chồng chéo, trùng lắp, không để xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đây cũng là một công việc phải làm sắp tới.
(Theo Tuổi Trẻ)
Ảnh: Xuân Thu
|