Bà Akemi Bando, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản, đã dẫn đầu một đoàn từ thiện đến tặng 53.000 USD cho trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật của tỉnh Bến Tre, và xây dựng nhà nội trú cho 100 cháu. Ngôi trường này cũng chính do bà giúp đỡ thành lập 10 năm trước đây.
Dưới đây là những tâm sự của bà:
Mùa xuân năm 1990 tôi sang Việt Nam lần đầu, như một nhà giáo đi du lịch. Sắp đến ngày về nước, tôi mới đến Bến Tre. Tại đây, tôi tới thăm 4 gia đình có trẻ nhỏ khuyết tật. Cả bốn bà mẹ đều thể hiện đức hy sinh và lòng yêu thương đối với những đứa con dị dạng, xấu xí nhất trong gia đình. Họ đau đáu một nguyện ước, nếu tình trạng tâm trí con họ không đến nỗi nào, mong chúng được học hành để sau này không trở thành phế nhân làm nặng gánh cho xã hội. Tôi đã giật mình khi biết ở Bến Tre có tới 1.000 trẻ nhỏ khuyết tật như thế này. Trong khi đó, trường nuôi dạy các cháu đang chuẩn bị được xây dựng, nhưng lại kẹt vốn liếng ít ỏi.
- Bà đã tốt nghiệp Khoa tâm lý trẻ khuyết tật trường Đại học Tổng hợp tỉnh Kyoto, lại có 28 năm dạy dỗ các cháu tật nguyền. Bà thấy có gì giống và khác nhau giữa những trẻ nhỏ phải chịu bất hạnh này ở Việt Nam và Nhật Bản?
- Bên Nhật, trẻ khuyết tật học chung lớp với các em phát triển bình thường. Ở nước chúng tôi, đưa trẻ khuyết tật đến trường là nghĩa vụ, trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ. Những đứa trẻ bệnh nặng quá, phải nuôi dưỡng ở bệnh viện, thì chính bệnh viện phải mở lớp học cho các cháu. Tỷ lệ trẻ khuyết tật ở nước chúng tôi ít hơn, lại được phát hiện sớm, có điều kiện hơn nên biến chứng không quá nặng, quá sâu.
- Bà đã bắt đầu công việc từ thiện của mình như thế nào, để dẫn đến sự ra đời Hội Tài trợ cho trẻ em khuyết tật Việt Nam của Nhật Bản?
- Khi ở Việt Nam về, tôi lên Đài Truyền hình Kyoto kể lại hết những gì tai nghe mắt thấy về đám trẻ khuyết tật ở Bến Tre. Tôi cũng cho chiếu cả những bức ảnh, băng phim sưu tầm được về vấn đề này. Nói không quá rằng, tối hôm ấy tôi đã đánh thức bầu không khí thiu thiu ngủ của cả tỉnh Kyoto. Người Nhật cũng trải qua nỗi đau mất mát trong Thế chiến II, lại theo dõi sát sao và hết sức khâm phục cuộc kháng chiến chống Mỹ của các bạn. Đấy là cơ sở dẫn đến sự hưởng ứng lời kêu gọi tài trợ của tôi. Hội Tài trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam ra đời sau đó không lâu. Hiện số hội viên đã lên tới 340 người.
- Dường như bà có tâm hồn rất dễ đồng cảm với các cháu tật nguyền…
- Tôi đã trải qua quãng đời thiếu nữ khá nặng nề. Ba tôi và anh trai mắc chứng đau tim, mẹ bị đau đầu kinh niên. Tôi phải trực tiếp chăm nom, săn sóc ba người, nên dễ dàng hiểu được nỗi đau cùng nhiều mặc cảm của những người bệnh tật. Ba và anh trai tôi đã mất trước sau trong vòng một tháng. Mẹ tôi cũng ra đi sau đó không bao lâu. Từ cái chết của ba người thân, tôi nhận ra cuộc sống thật ngắn ngủi. Bởi lẽ đó, khi còn sống có lẽ con người ta nên làm nhiều việc nhân đức.
- Trong 10 năm qua, Hội Tài trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam của Nhật Bản không chỉ giúp tiền bạc, trang thiết bị nuôi dạy, để góp phần ra đời và duy trì hoạt động có hiệu quả của trường. Hội còn giúp xây dựng Trung tâm y tế dân tộc của tỉnh, nhiều cơ sở y tế ở các xã vùng xa vùng sâu… Xin bà cho biết cách tạo lập nguồn tài chính?
- Mỗi thành viên trong Hội mỗi tháng góp quỹ 40 USD. Điều quan trọng hơn là mọi người phải nhiệt tâm, hăng hái trong việc đi quyên góp cứu trợ cho trẻ em khuyết tật Việt Nam. Hội cũng đã thu hút được quỹ tài trợ quốc tế của Bộ Bưu chính - Viễn thông Nhật. Đổi lại, mỗi lần sang nước các bạn, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy nụ cười vui và ánh mắt mừng rỡ của các cháu khi được cắp sách đến lớp học. Đối với riêng mình, tôi thật sự cảm động khi được các cháu trìu mến gọi là “mẹ”. Những cháu bị câm điếc thì biểu lộ nỗi nhớ nhung bằng động tác, cử chỉ.
- Mấy năm trở lại đây, bà và các thành viên trong Hội đang dồn mọi nỗ lực để thực hiện hai chương trình mang tính xã hội rộng lớn ở Bến Tre…
- Đó là chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CBR) và chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em (MCH). CBR phấn đấu gom toàn bộ các cháu bị khuyết tật lại để chữa trị, tập luyện, phục hồi chức năng thần kinh, cơ bắp ngay tại địa phương. Còn MCH đặt mục tiêu giảm thiểu việc sinh ra các cháu bị dị tật, khuyết tật, hoặc chậm phát triển về trí tuệ, bằng việc chăm nom bà mẹ ngay từ khi mang bầu đến tận khi sinh nở, chăm sóc trẻ sơ sinh từ lúc mới chào đời cho đến khi tròn tuổi. Muốn làm được như vậy thì từng xã phải có cơ sở y tế mạnh, có những chuyên gia riêng. Chúng tôi đã cố gắng cung cấp trang thiết bị, phòng tập luyện cho trẻ khuyết tật ở mỗi xã, mở lớp đào tạo y tá, tuyên truyền về việc chăm sóc sản phụ, thai nhi… Làm được những việc như vậy ở xã nào, chúng tôi gọi là đã xóa điểm trắng ở xã đó. Bến Tre có khoảng 150 xã. Trong mấy năm qua, chúng tôi đã xóa điểm trắng được gần 60 xã.
(Theo PNCN)
|