Theo thông tín viên của TS tại Quảng Bình và Quảng Trị, từ đầu hè đến nay, tại miền Trung liên tục chịu đựng các đợt nắng nóng kéo dài, các hồ chứa nước bị cạn kiệt dần. Và đến thời điểm này, hạn hán ở Quảng Bình và Quảng Trị đang ở đỉnh điểm khi diện tích lúa hè thu bị chết hạn và nguồn nước sinh hoạt bị thiếu trầm trọng.
![]() |
Mảnh đất nghèo miền Trung, khúc ruột của cả nước từ lâu vốn chỉ ''nổi tiếng'' với những đồi cát trắng tít tắp, gió Lào rát mặt và... nghèo đói bao trùm đang phải đối chọi với đợt hạn hán kéo dài.
Hạn hán năm nay tệ hơn năm trước !
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Đảm, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khi tiếp xúc với chúng tôi sau khi ông vừa có chuyến đi thị sát những vùng trọng điểm hạn hán của huyện trở về. Ông Đảm cho biết, đối với một huyện vùng lúa và cũng là rốn hạn như Quảng Ninh, diện tích lúa hè thu năm nay lại nhiều, nếu tình hình hạn hán ngày càng kéo dài như thế này thì không biết điều gì sẽ xảy ra... !
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, những cánh đồng lúa của huyện Quảng Ninh được hưởng lợi từ nguồn nước của đập Cẩm Ly có dung tích trên 30 triệu m3 nước. Năm nay, mới bước vào vụ hè thu nhưng nước hồ Cẩm Ly đã cạn kiệt chỉ còn khoảng 6 triệu m3, chỉ đủ nước tưới cho khoảng 150 ha lúa hè thu. Để chủ động chống hạn cứu gần 1.500 ha lúa của huyện Quảng Ninh và một phần đuôi của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã có một quyết định khá táo bạo. Đó là việc dẫn nước từ hồ chứa An Mã, đầu nguồn của huyện Lệ Thuỷ, vượt qua gần 50 cây số với bao địa hình khó khăn để đưa nguồn nước tưới về cho đồng ruộng. Tỉnh Quảng Bình đã đầu tư gần 2 tỷ đồng cho dự án táo bạo nhưng thiết thực này. Theo đánh giá, đây được xem là dự án trọng điểm nhất và là một bước đột phá nhằm giải quyết tình trạng hạn hán đang diễn ra gây gắt tại Quảng Bình. Không những đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 1.500 ha lúa hè thu, dự án này còn góp phần phục vụ nguồn nước dân sinh của vùng rốn hạn Quảng Bình.
Sống, trăn trở và vật lộn với hạn hán Quảng Bình là lực lượng công nhân của Công ty quản lý khai thác các công trình thuỷ nông Quảng Bình. Ông Đào Huy Từ, Quyền giám đốc công ty cho biết: ''Trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức lực lượng thường trực bơm tưới 24/24 giờ trong ngày để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ hè thu. Nhờ vậy, nhiều vùng ở Quảng Bình trong thời gian qua bị nắng hạn gay gắt song lúa hè thu vẫn phát triển đều''.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi mới nhận được, tính đến thời điểm này, Quảng Bình đã có trên 2.000 ha lúa đang bị hạn nặng. Huyện Quảng Trạch và huyện Bố Trạch là hai địa phương có diện tích lúa bị hạn nhiều nhất. Theo báo cáo của ngành NN&PTNT Quảng Bình, hiện nay huyện Quảng Trạch và Bố Trạch đều có trên 500 ha lúa đang bị hạn nặng. Các địa phương khác như Tuyên Hoá, Quảng Ninh cũng có nhiều diện tích lúa bị hạn cục bộ.
Được biết, đa số các công trình thuỷ lợi trên địa bàn Quảng Bình như hồ Cẩm Ly (huyện Quảng Ninh), hồ Vực Nồi, Vực Sanh, Đá Mài (huyện Bố Trạch), hồ Rào Nan, Vực Tròn (huyện Quảng Trạch)... còn rất ít nước. Nếu tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay thì có nguy cơ một số hồ thuỷ lợi ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch sẽ bị cạn kiệt. Theo tính toán của ngành NN&PTNT Quảng Bình, vào những ngày tới, nếu thời tiết ở Quảng Bình vẫn diễn biến như thế này thì diện tích lúa bị hạn toàn tỉnh có thể lên đến 4.000 ha.
Quảng Trị- Sẽ mất nhiều diện tích lúa hè thu !
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Quảng Trị, do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam lại thổi mạnh nên nguy cơ hạn nặng diễn ra trên diện rộng ở đây là điều khó tránh khỏi. Hạn hán đang từng ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là khi hơn 80% dân số Quảng Trị là nông dân, thu nhập chủ yếu từ cây lúa.
Thống kê của ngành NN&PTNT Quảng Trị cho biết, hiện tại toàn tỉnh có hơn 5.000 ha lúa và hoa màu vụ hè thu cùng một số diện tích cây công nghiệp bị hạn nặng. Hầu hết các địa phương của Quảng Trị không có nước tưới, người nông dân chỉ còn biết vắt đất và chờ... mưa! Nắng hạn gay gắt đã làm cho hơn 80% các hồ đập chứa nước và khe suối trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt. Không chỉ là những hồ đập trung bình bị cạn nước, ngay cả những con sông và các công trình thủy lợi lớn của tỉnh, mực nước cũng đang xuống thấp từng ngày (trung bình mỗi ngày từ 15-20cm). Nếu như trong vòng 10 ngày nữa vẫn chưa có mưa thì các hồ đập may ra chỉ còn đủ nước cho sinh hoạt của người dân và diện tích lúa, hoa màu thất thu sẽ còn cao hơn nhiều.
Hiện tại, hạn hán đang hoành hành trên diện rộng ở Quảng Trị từ miền Tây Gio Linh đến Vĩnh Linh, Cam Lộ, ĐaKrông. Riêng huyện Vĩnh Linh có gần 500 ha ruộng nước không có nước tưới, trên 700 ha hoa màu và cây hồ tiêu đang trong tình trạng khô héo. Có một số HTX, toàn bộ diện tích lúa hè thu coi như mất trắng.
Cùng với việc thiếu nước sản xuất, hạn hán đã và đang làm cho hơn 6 vạn dân ở thị xã Đông Hà và khoảng 10 vạn dân ở vùng gò đồi, vùng ngập mặn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Riêng con sông Vĩnh Phước, nơi cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho toàn thị xã Đông Hà đã cạn kiệt. Một tuần nay, các trạm bơm phục vụ nước cho sản xuất phải ngừng hoạt động để ưu tiên nước cho sinh hoạt, nhưng lượng nước hiện có chỉ đủ phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong vòng 5 ngày trở lại. Các vùng hạn nặng như tây Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong nhiều làng dân không có nước để sinh hoạt hàng ngày, phải chở nước xa 5-7km.
Để hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân Quảng Trị đang cố gắng bằng nhiều biện pháp huy động mọi nguồn lực ưu tiên cho công tác chống hạn. Trước mắt, các địa phương đang tăng cường chống hạn bằng việc tận dụng triệt để nguồn nước sẵn có trên địa bàn, và ở đó, chống hạn mang tính cục bộ. Với cây lúa, giải pháp trước mắt là tưới từng vùng, ưu tiên cho số diện tích vừa bị mất nước hoặc có khả năng cầm cự đến khi trời mưa, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì phải cắt bớt một số diện tích cuối nguồn nước, và như vậy, khả năng mất trắng một phần lớn diện tích lúa hè thu là hoàn toàn có thể xảy ra.
-
Thạch Lựu- Thế Vinh