Một lít rượu "gạo quê" giao tận nơi có giá hơn... 2.000 đồng. Giá cả càng về cuối năm đang vùn vụt tăng, trong khi đó để làm ra một lít rượu nào gạo, nào than, nào công xá... mà bán thấp hơn giá thành thì vô lý quá mức.
Đi tìm câu trả lời này, chúng tôi hãi hùng khi chứng kiến cái công nghệ chế biến rượu giả có giá thành rẻ như cho kia…
Chế biến "rượu quê"
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Việt Yên- Bắc Giang nơi được coi là nơi sản xuất rượu nổi tiếng. Trong vai một người tìm mua một số lượng rượu lớn về để tiêu thụ trong dịp gần tết này, biết chúng tôi mua buôn, anh N.- chủ cơ sở sản xuất rượu, gãi đầu bảo: “Bây giờ, đang là mùa cao điểm cuối năm, hàng khan hiếm lắm, nếu các anh muốn lấy thì phải chờ 2, 3 ngày nữa thì mới gom đủ số hàng cho các anh được”. Như để khoe cơ sở sản xuất của mình, anh N. rủ chúng tôi đi thăm khu sản xuất rượu.
Liên tiếp thời gian gần đây, có những vụ ngộ độc rượu đau lòng đã xảy ra, nguyên nhân được xác định do chính những loại rượu không rõ nguồn gốc này gây ra nhiều loại rượu rởm khi được kiểm nghiệm có hàm lượng chất methanol cao gấp 300 lần so với qui định cho phép…
|
Khu sản xuất chế biến rượu của anh N. hiện ra trước mắt chúng tôi với hàng chục thùng nhựa lớn nhỏ, đủ loại kích cỡ. Không gian bị phá vỡ bởi hai ba chiếc máy nước đang hoạt động hết công suất để xả nước vào những chiếc thùng lớn nhỏ kia. Nền nhà nhơ nhớp nước, bên cạnh là rãnh nước thải đen ngòm đang bốc khó chịu. Sau một hồi loanh quanh giới thiệu cách lên men, công trình khép kín để sản xuất rượu, làm thế nào để được rượu ngon, nấu thế nào để đạt được rượu nhất… anh N. thao thao bất tuyệt nói như lên đồng.
Những giây phút ban đầu, ngại ngần qua đi, khi biết tôi mua ít rượu về để giao cho các quán rượu dân tộc, anh N. không ngại ngần đi múc một xô nước lớn rồi vào nhà lấy ra một can nhựa trắng rồi hỏi,"nồng độ rượu bao nhiêu để còn biết tỷ lệ pha chế". Thì bằng rượu ở các quán nhậu- cậu bạn đi cùng tôi nhau nhảu trả lời. Anh N. đổ can nhựa vào xô, mùi cồn bốc lên bao trùm cả không gian một mùi nồng nặc, khiến chúng tôi hắt hơi liên tục, chạy ra góc tủ lấy thêm một lọ nhỏ anh pha thêm mùi, cồn bỗng chốc dịu lại, sau đó anh pha chế thêm một ít rượu trắng và chưa đầy 2 phút sau, rượu đã hoàn thành.
Anh N. mời chúng tôi nếm thử, xem có đúng là rượu quê “xịn” hay không. Thật kinh ngạc cái thứ nước lã pha cồn phút chốc đã trở thành rượu trắng mà không hề bất cứ thấy một ít mùi cồn nào. Thậm chí, nó còn bốc lên mùi thơm hệt như rượu gạo.
Anh N. cho biết thêm, muốn loại rượu nào cũng có, rượu nếp cái hoa vàng thì pha nước cốt nếp cái hoa vàng, muốn rượu gạo thì pha nước cốt rượu gạo… tức là muốn loại rượu gì cũng có thể sản xuất được. Còn muốn rượu dân tộc bán ở các quán rượu dân tộc, chỉ cần bỏ mấy nghìn ra mua… lọ bổ phế đổ vào là có ngay rượu dân tộc. Còn muốn cho rượu trong hơn, có thể cho một lượng ít thuốc trừ sâu, hay muốn tăng nồng độ có thể bỏ một tỉ lệ nhỏ phân đạm vào.
“Trước đây, để rút ngắn thời gian cho ra rượu, các lò nấu rượu thường rút ngắn thời gian ủ và cho vào đó một số chất hoá học kích thích lên men nhanh, khỏi cần chưng cất. Còn bây giờ nhiều chủ lò rượu chỉ xây chiếu lệ, chủ yếu là cất một ít rượu gốc, lấy thức ăn chăn nuôi, còn đâu là họ sản xuất theo công nghệ pha cồn, vừa nhanh, giá thành lại rẻ ”- Anh N. bộc bạch.
Sản xuất rượu Tây giả
Càng về những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng và tiêu thụ rượu càng trở lên sôi động đã hấp dẫn nhiều người. Rượu ngoại thường có giá trị cao, đem lại nhiều lợi nhuận, cũng là loại rượu được làm giả nhiều nhất. Các “lò” sản xuất rượu Tây giả càng ráo riết hoạt động nhằm tung ra thị trường một lượng hàng lớn.
 |
Một vụ sản xuất rượu giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: VOV |
Theo K. một gã đã giải nghệ sau mấy năm ngồi tù vì tội sản xuất và chế biến rượu giả cho biết: “Công nghệ sản xuất rượu giả có rất nhiều kiểu, nhiều cách làm giả. Có nơi làm giả 100 %, có nơi làm giả từ 40-50% tùy theo từng mối giao hàng mà họ có thể đặt ra cách làm giả cho mình…”.
Cách làm giả thông thường và kiếm được nhiều tiền nhất đó là làm giả 100%. Cách làm giả này, cực kỳ đơn giản, đầu tiên là các “lò” phải liên hệ với cánh ve chai, đồng nát, các nhà hàng, khách sạn… để thu mua vỏ chai rượu thật đã qua sử dụng về tái chế. Tuy nhiên, khi mua vỏ chai này, thường bị rách vòng bảo hiểm nên các lò kiêm luôn việc sản xuất nắp chai.
Chỉ cần một máy ép bằng tay với bộ khuôn nhôm cán mỏng, sơn nhũ đủ màu, tuỳ theo từng loại rượu, mà một người bình thường cũng có thể “sản xuất” được hàng trăm chai rượu mỗi ngày. Rược sau khi được pha chế giống với đúng mùi vị của loại rượu đó đóng vào chai xong, nắp chai được đặt trong một chiếc khuôn, luôn duy trì nhiệt độ khoảng 70 độ. Chính cái nhiệt độ này, làm cho nhôm nó giãn nở. Khi chụp nắp vào chai, họ nhúng cổ chai vào thúng nước đá lạnh. Nhiệt độ thay đổi đột ngột, nhôm sẽ co lại, ôm sát miệng chai. Với những loại rượu có nắp khác thì còn dễ dàng hơn.
Còn cách làm giả nữa, cách này thường được người bán hàng áp dụng, đó là rút rượu thật ra, bơm rượu giả vào. Công đoạn này cũng rất đơn giản và nhẹ nhàng. Người bán dùng một cái khoan đường kính mũi khoan chỉ lớn hơn sợi tóc một chút, đầu mũi được mạ kim cương. Thông thường, đối với rượu ngoại, phía dưới đáy chai, nhà sản xuất thường đúc nổi những dòng chữ hoặc số để biểu thị ngày đóng chai. Mũi khoan được đưa vào chính giữa tam giác của chữ A hoặc vòng tròn chữ O.
Sau khi khoan thủng được, một xi lanh lớn có gắn mũi tiêm vào rồi rút rượu ra. Sau đó, rượu giả được bơm vào, rồi với một vài giọt keo bọt ép oxy cái lỗ khoan hoàn toàn bịt kín như chưa có điều gì xảy ra. Loại keo ép này, có màu gống với thuỷ tinh lên người mua khó mà phát hiện được.
Cũng vẫn theo các này, mà tuỳ từng người làm rượu giả có thể làm giả 50%, 60%, 70%... tuỳ vào từng cửa hàng đặt hàng để họ sản xuất và chế biến rượu giả. Rượu được lấy ra bao nhiêu, thì bơm trả đúng lượng rượu giả như thế, chai rượu vẫn nguyên vẹn đúng như ban đầu.
Một điều khiến nữa các loại rượu này được làm giả ngoài giá trị cao còn có một lý do nữa mà người bán hàng thì nắm được tâm lý của khách hàng. Thông thường, người mua rượu chỉ mua đem biếu chứ ít khi mua để về để sử dụng. Vì thế, chẳng mấy ai có thể kiểm định được đâu là rượu giả hay rượu thật để đến bắt đền.
Bùi Lương Việt
|