 |
Ngã ba Tam Soa |
Tùng ảnh là bóng cây tùng, cây thông. Tùng Ảnh là chốn hội tụ núi sông, là đất sơn thủy hữu tình và trầm tích văn hóa, nơi đã sinh ra người con ưu tú của dân tộc, người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng: đồng chí Trần Phú. Về xã Tùng Ảnh và huyện Đức Thọ trong những ngày này, được chứng kiến cảnh đổi thay về nhiều mặt, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã biểu dương xã và huyện trong việc xây dựng nông thôn mới.
Bến Tam Soa - nơi giao hòa của hai nhánh sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, có tên gọi sông La. Làng Tùng Ảnh tựa lưng vào núi Tùng Lĩnh, nép mình bên sông La, nhìn ra dãy Thiên Nhẫn chập chùng còn in dấu tích thành lũy của vua Lê Lợi thế kỷ 15. Con sông đã bồi đắp phù sa hình thành miền châu thổ với những xóm làng trù phú và sản sinh, nuôi lớn nhiều bậc kỳ tài, danh nhân, chí sĩ.
Bờ nam sông La là Tùng Ảnh, tên làng cổ là Việt Yên Hạ, còn gọi là làng Hạ, nay là xã Tùng Ảnh. Bờ bắc sông La là làng Thượng, tức là xã Trường Sơn, hai lần được phong anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới). Nếu như dân làng Thượng bươn chải sông nước, thô ráp, nhanh nhẹn thức thời, chăm chỉ thương thuyền, buôn bán làm ăn, "Trường Sơn trên chợ dưới thuyền, phố giăng mát mắt, thuyền lên kín dòng", thì dân làng Hạ lại kín đáo, nho nhã mà cương trực. Nhưng người làng Hạ, người làng Thượng cũng đều uống mạch nguồn nước sông La, nơi bắt đầu của bến Tam Soa dưới chân núi Thiên Nhẫn.
Tháng 3 và tháng 4 là những tháng sôi động của tuổi trẻ Hà Tĩnh. Đoàn viên thanh niên toàn tỉnh đã huy động được 7.120 ngày công, ngói hóa được 86 ngôi nhà chính sách và trao 3 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền 534 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu "Thân thế sự nghiệp đồng chí Trần Phú" với 149.280 đoàn viên thanh niên tham gia. |
Từ xưa đến nay, làng Tùng Ảnh đã nổi tiếng là đất khoa cử, ""hay chữ học nhiều", nhiều người học rộng tài cao như Lê Bôi, Bùi Dương Lịch, nhiều người khoa cử đỗ đạt cao. Không chỉ là đất học, người làng Tùng Ảnh tự hào với những câu chuyện lịch sử kể về khí tiết của những bậc danh nhân "đầu đội trời, chân đạp đất". Danh nhân Nguyễn Biểu thời Hậu Trần, người làng Tùng Ảnh văn võ song toàn, từng tôn Trần Quý Khoáng lên làm vua dựng cờ chống giặc Minh. Phan Đình Phùng, người con làng Tùng Ảnh là lãnh tụ Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19... Chính hồn thiêng sông núi Tùng Ảnh và truyền thống quê hương, gia đình đã sinh ra đồng chí Trần Phú. Trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú cũng như một cây thông ngạo nghễ, với câu nói bất hủ: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!
Trong kháng chiến chống Mỹ, con sông La đã chứng kiến hai xã Đức Trường và Đức Tân (năm 1976 hợp thành Trường Sơn) anh hùng chống giặc Mỹ. Dưới kia, Tùng Ảnh - Linh Cảm cũng là trọng điểm "giặc điên cuồng trút hàng loạt bom rơi". Hai xã Thượng - Hạ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hòa bình lập lại, xã Trường Sơn đã khôi phục và phát triển những nghề thủ công truyền thống dệt thảm len, đan cót, đốt vôi hàu, đồ mộc. Nhân dân Trường Sơn mở rộng, giao lưu, trao đổi hàng hóa nhưng vẫn không quên giữ nét văn hóa làng cổ... Từ một xã độc canh cây lúa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, làng Hạ, tức xã Tùng Ảnh cũng đã vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, và trở thành một điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới. Là xã dẫn đầu tỉnh và huyện về thực hiện chương trình cải tạo, phát triển đàn bò Sind với 1.800 con, hằng năm sinh sản gần 800 bê lai sữa. Năng suất lúa từ 7 tấn lên 11,8 tấn/ha. Là xã dẫn đầu của Đức Thọ trong phong trào huy động nội lực xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng nông thôn. 80% đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa. Là đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục huyện và tỉnh, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS đạt khá, 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, hằng năm bình quân có trên 100 em đậu vào cao đẳng, đại học. Bình quân thu nhập đầu người từ 2,5 triệu đồng (1994) lên 5 triệu đồng (2003). 60% số hộ khá và giàu, không còn hộ đói. Đảng bộ 10 năm liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Một lần nữa, sông La huyền diệu và thơ mộng trở thành chứng nhân của hai xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh trong các ngày 18 đến 20/4/2004, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã biểu dương, khen ngợi phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Tùng Ảnh và huyện Đức Thọ. Ông Nguyễn Văn Song, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết: Đến nay, Đức Thọ là huyện dẫn đầu tỉnh về phong trào xây dựng nông thôn mới với 247 km đường giao thông nông thôn. 100% trường học và trạm y tế được ngói hóa. Hơn 1/2 số xã có trụ sở làm việc cao tầng. Phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở đã đưa lại niềm vui cho hàng nghìn hộ nghèo. Đức Thọ đang bừng lên sức sống mới của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú trở thành đợt sinh hoạt tư tưởng, chính trị sâu rộng và cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất của cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, như thi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp đồng chí Trần Phú, viết về gương tập thể cá nhân tiên tiến, hội thảo khoa học quốc gia về đồng chí Trần Phú, liên hoan nghệ thuật quần chúng 14 tỉnh thành là quê hương các tổng bí thư, đua xe đạp về quê hương đồng chí Trần Phú... Trên lĩnh vực kinh tế, nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, ngói hóa nhà ở, giao thông thủy lợi. Sau thành công của xóa nhà tranh tre dột nát, Hà Tĩnh tiếp tục ngói hóa nhà ở cho hơn 1.000 hộ nghèo, trong đó, lực lượng thanh niên quyên góp xây dựng được hàng trăm ngôi nhà mới. Hà Tĩnh đã tôn tạo khu lưu niệm và khu mộ Tổng bí thư Trần Phú trên núi Quần Hội, ngoảnh mặt ra bến Tam Soa, biến nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa - du lịch, thu hút nhiều khách tham quan. Tại thị xã Hà Tĩnh, khu vườn hoa, tượng đài Trần Phú được xây dựng trên khuôn viên 11 nghìn m2 với tượng đài đồng chí Trần Phú cao 9,3m, bằng đá nguyên khối nặng hơn 100 tấn.
Trong không khí rạo rực của các ngày lễ lớn trong tháng 4, mỗi người Hà Tĩnh đều dành riêng cho mình những khoảng khắc tự hào. Những kinh nghiệm quan trọng về huy động sức dân, tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo vừa qua chắc chắn sẽ là những gợi mở để Hà Tĩnh khai thác tiềm năng, thế mạnh, vững bước trên con đường đi lên, xứng đáng là quê hương Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Ghi chép của Hạnh Loan
|