![]() |
Mưa lụt đang đe doạ nhà cổ ở Hội An. |
-
Chủ tịch UBND thị xã Hội An, ông Nguyễn Sự, vừa thông báo khẩn với TS: Lại thêm một sự cố nữa xảy ra với nhà cổ Hội An hồi 10h đêm 15/10. Sự cố lần này tuy ít nghiêm trọng hơn vụ sập nhà xảy ra hôm 4/10 nhưng đã góp thêm một lời cảnh báo gay gắt đối với thực trạng các nhà cổ ở Hội An hiện nay.Theo ông Nguyễn Sự, khoảng 10h đêm 15/10, trong khi Hội An đang có mưa rất lớn thì mái hiên trước của ngôi nhà cổ ở số 53 Lê Lợi bất ngờ bị tụt, đổ ập hàng trăm viên ngói âm dương từ tầng 2 xuống đường. Ngôi nhà này nguyên là hiệu sách Châu Trí rất nổi tiếng ở Hội An, được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà cổ đặc trưng của đô thị cổ và đã có hơn 100 năm tuổi. Nằm ngay trong khu vực bảo vệ bậc 1 của đô thị cổ, ngôi nhà cổ Châu Trí đã được xếp vào danh sách di tích từ loại 1 đến loại đặc biệt ở Hội An. Rất may là vào thời điểm xảy ra sự cố tụt đổ mái nhà này thì dưới đường không có người đi, cả gia đình chủ nhà cũng đang ở phía trong nên đã không xảy ra tai nạn về người.
Ông Nguyễn Sự cũng cho biết, trong những ngày qua, chính quyền và nhân dân thị xã Hội An đã ra sức gia cố, sửa chữa trong khả năng có thể đối với nhiều ngôi nhà cổ đang ở trong tình trạng có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Nhờ vậy, tuy thời tiết đang bất lợi, mưa rất lớn kéo dài, nước sông Hoài đã dâng lên ngập tuyến đường Bạch Đằng chạy dọc ven sông nhưng chưa xảy ra thêm sự cố nghiêm trọng nào khác đối với nhà cổ Hội An. Tuy nhiên, sự cố tụt đổ mái ngói nhà cổ Châu Trí đã lại góp thêm một lời cảnh báo gay gắt về thực trạng hiện nay của hệ thống di tích nhà cổ ở Di sản Văn hoá thế giới Hội An.
Dư luận Hội An hiện chưa thật đồng tình với phát biểu gần đây của một vị lãnh đạo Cục Bảo tồn Bảo tàng (Bộ VH-TT) trên VTV về sự cố sập nhà cổ ở Hội An và cho rằng, cơ quan này cần thể hiện đầy đủ trách nhiệm chứ không thể đùn đẩy cho địa phương trong việc triển khai không đạt yêu cầu Quyết định 240/Ttg của Thủ tướng Chính phủ (có từ năm 1997) phê duyệt dự án tổng thể đầu tư bảo tồn, tu bổ và khai thác di tích khu phố cổ Hội An với kinh phí 122 tỉ đồng. Ông Nguyễn Sự thống kê: 10 năm qua, trung ương và tỉnh Quảng Nam chỉ mới đầu tư được 17 tỉ đồng, chính quyền thị xã trích ngân sách được khoảng 14 tỉ đồng nữa cho công tác trùng tu di tích ở Hội An. Các nguồn viện trợ quốc tế cho Hội An trong thời gian qua được khoảng 12 tỉ đồng. Trong khi đó, người dân Hội An đã tự đầu tư gần 70 tỉ đồng để sửa chữa, gia cố, trùng tu di tích nhà cổ theo thiết kế quy định của cơ quan chức năng. Điều đó chứng tỏ Hội An đã nỗ lực làm rất tốt công tác xã hội hoá trong việc trùng tu di tích chứ không chỉ trông chờ, ỉ lại vào ngân sách Nhà nước. Nhưng dù rất cố gắng thì nguồn lực trong dân vẫn không thể thay thế vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong việc trùng tu, bảo tồn một Di sản Văn hoá thế giới.
Về nguồn thu từ cho thuê nhà là di tích nhà cổ ở Hội An, ông Nguyễn Sự cho hay: Giá cho thuê nhà theo quy định của Nhà nước chỉ có 85.000 đồng/tháng, tức chưa tới 1 triệu đồng/năm/nhà. Trong khi kinh phí trùng tu, sửa chữa mỗi ngôi nhà theo thời giá hiện nay có thể lên đến 500 triệu đồng. Nếu dựa vào nguồn thu từ cho thuê nhà cổ thì có lẽ phải mất... 500 năm, mỗi ngôi nhà cổ ở Hội An mới có thể tìm đủ nguồn vốn để tự sửa chữa!
Đối với vấn đề bán vé vào tham quan đô thị cổ, ông Nguyễn Sự cho biết, phần lớn các nhà cổ ở Hội An đều ở trong các kiệt, hẻm không thể kinh doanh sinh lợi. Hơn nữa, cũng không thể bán vé đối với cả quần thể đô thị cổ, bởi chẳng lẽ vào Hội An ngồi hóng mát bên bờ sông cũng phải mua vé hay sao? Toàn bộ phố cổ chỉ có 5 điểm được bán vé cho khách tham quan, còn tất cả các nơi khác đều miễn phí. Số thu từ bán vé sau khi trích 12% cho chủ di tích, được nộp về ngân sách thị xã và mỗi năm Hội An đều trích đến 74% trong số đó để hỗ trợ người dân gia cố, sửa chữa nhà cổ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với đòi hỏi của thực trạng đã kéo dài hàng chục năm qua. Chưa kể, theo một quy định sắp được Bộ Tài chính ban hành, giá vé tham quan có thể sẽ giảm so với hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa số thu của Hội An từ nguồn này để phục vụ sửa chữa, gia cố di tích nói chung, nhà cổ nói riêng ở Hội An còn tiếp tục tụt giảm! Trước tình hình đó, nếu lãnh đạo Bộ VH-TT không thực sự thể hiện trách nhiệm của mình thì Hội An cũng không biết làm cách nào hơn để cứu Di sản Văn hoá thế giới Hội An cho muôn đời con cháu mai sau!
-
Thanh Hải