 |
Đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng |
TTCN - “Thực tế đang nổi lên hai cái nạn: “thủ trưởng con” và “lạm phát... họp”. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đại biểu Quốc hội Đinh La Thăng mở đầu cuộc trao đổi với TTCN bên hành lang Quốc hội.
“Thủ trưởng con”
* Thưa ông, nạn “thủ trưởng con” biểu hiện như thế nào?
- Cái nạn này lâu nay nhiều người biết. Do cơ chế làm việc của ta không ít chỗ còn chưa rõ, các văn bản qui phạm pháp luật chưa đồng bộ, cho nên cùng một vấn đề, một vụ việc nhưng có thể được vận dụng, xử lý kiểu nào cũng được, lúc thế này lúc thế kia. Đặc biệt, bộ phận chuyên viên đang được tập trung nhiều quyền lực nên sinh ra cửa quyền, nhũng nhiễu. Chúng ta thường hay nhắc đến tình trạng “cò” hoạt động trong các cơ quan nhà nước, móc nối với các “chủ tịch con” (ở địa phương), “bộ trưởng con” (ở bộ ngành).
*Theo ông, giữa hai cái này, cái nào phổ biến hơn và gây tác hại xấu hơn?
- Cả hai đều như nhau. Các bộ ngành có mà các tỉnh cũng có. Xuống địa phương hay lên trên bộ, gặp các “thủ trưởng con”, nếu mình “cư xử” tốt, họ sẽ trình tốt, bằng không thì ngược lại. Cùng một việc nhưng chỉ cần họ trình khác đi một chút là thủ trưởng cũng sẽ quyết khác đi ngay. Cải cách hành chính trước nhất có lẽ phải ở khâu này.
* Vậy ở địa phương ông có nạn này không?
- Cái nạn này đã trở thành phổ biến ở các địa phương hiện nay. Bản thân những “bộ trưởng con”, “chủ tịch con” khi mới vào việc đều là những người tốt. Nhưng cơ chế của ta đã tạo kẽ hở để họ lạm dụng.
Thực tiễn cho thấy những hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu của cán bộ, công chức đều trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến các qui định về trình tự, thủ tục giải quyết công việc của cơ quan nhà nước. Nơi nào, khâu nào mà thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thẩm quyền, trách nhiệm không rõ ràng thì ở nơi đó, khâu đó nguy cơ phát sinh tiêu cực rất cao. Vì vậy đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải khẩn trương rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ mình, địa phương mình để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những qui định gây phiền hà, cản trở công việc của dân, hoạt động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Các lĩnh vực ưu tiên là thuế, hải quan, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở...
(Nguồn: Báo cáo của Chính phủtrước Quốc hội ngày 11-5-2004)
|
* Hồi còn là chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, ông cũng từng gặp phải những vị “chủ tịch con” hoặc “bộ trưởng con”?
- Gặp nhiều chứ! Những điều tôi đang nói đều xuất phát từ thực tế. Thậm chí có khi mình đã gặp Thủ tướng rồi, gặp bộ trưởng, chủ tịch tỉnh rồi, nhưng khi gặp mấy ông chuyên viên cũng phải trình bày lại từ đầu và “đề nghị anh có gì giúp đỡ”.
* Có phải vì lẽ đó mà ông từng phát biểu ngay tại diễn đàn Quốc hội rằng gặp chủ tịch, bộ trưởng thì thấy thông, song xuống cấp dưới lại thấy tắc?
- Đúng vậy! Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thường rất thông thoáng, cởi mở, quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng đến khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến gặp chuyên viên bên dưới thì lại cực kỳ khó khăn. Nên tôi cho rằng việc gì đã rõ chủ trương, nằm trong qui hoạch, kế hoạch thì thủ trưởng quyết và bên dưới cứ thế mà thực hiện. Chỉ còn việc gì chưa rõ mới làm theo qui trình tuần tự từ dưới lên trên. Như vậy các “thủ trưởng con” mới bớt cơ hội nhũng nhiễu.
* Song thực tế lại đã nảy sinh hiện tượng “trên quyết dưới không thực hiện hoặc thực hiện sai”?
- Nếu thế phải xử lý “rắn”, thậm chí đuổi (việc) ngay. Không thể chấp nhận tình trạng “trên bảo dưới không nghe” được.
* Đuổi không dễ, thưa ông, bởi nói như một đại biểu Quốc hội, “đã vào được biên chế thì khó ra, đã được giữ chức vụ thì khó chuyển sang chức vụ khác thấp hơn”...
- Chính vì vậy cải cách hành chính phải được làm một cách đồng bộ. Một: trình tự, thủ tục giải quyết công việc, ban hành văn bản phải đơn giản hơn, đảm bảo tính pháp lý cao hơn. Hai: tiêu chuẩn công chức, chức năng nhiệm vụ của chuyên viên đối với từng loại việc, từng vị trí công tác phải rõ ràng. Khi không còn đủ tiêu chuẩn, vi phạm trình tự, thủ tục hoặc không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, dứt khoát bị xử lý. Không thể cảm tính theo kiểu “tôi thích anh nên cho anh tiếp tục công việc” hay “tôi không thích anh nên tôi thay người khác” mà phải dựa trên những “bộ khung” đã được định sẵn.
* Một biểu hiện khác của nạn “bộ trưởng con”, “chủ tịch con” là trạng thái “vô cảm”. Ông có thể lý giải điều này?
- “Vô cảm” cũng là một vấn đề. Trong khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân cực kỳ bức xúc, muốn chạy đua với thời gian thì không ít cán bộ công chức lại cứ đủng đỉnh. Hôm nay không xong thì mai xong, mai chưa xong thì những ngày sau làm tiếp, chẳng đi đâu mà vội. Bởi vì những cán bộ công chức “vô cảm” này thường nghĩ rằng quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân không gắn với mình.
Theo tôi, bây giờ chúng ta cần có qui định yêu cầu từng chuyên viên, từng cán bộ định kỳ hằng tuần, hằng tháng phải báo cáo tình hình, tiến độ công việc của mình. Có bao nhiêu văn bản, giấy tờ đã quá thời hạn phải xử lý mà anh chưa xử lý được? Chưa xử lý được vì lý do gì? Tất cả những vấn đề đó thủ trưởng phải nắm được. Nếu không, ông chuyên viên lại cứ đem giấy tờ hồ sơ cất vào cặp, ngâm vào ngăn kéo. Có khi bản thân thủ trưởng cũng không hề biết và cũng chẳng cảm thấy sốt ruột.
* Phải chăng động cơ của nạn “thủ trưởng con” lẫn bệnh “vô cảm” là... tiêu cực phí? Khi động cơ này được “đáp ứng”, công việc sẽ trở nên trơn tru, “thủ trưởng con” sẽ thôi sách nhiễu và bệnh “vô cảm” lập tức thuyên giảm?
- Tôi nghĩ đó chỉ là một phần của vấn đề, cái chính - như tôi nói - vẫn do những kẽ hở trong cơ chế đã đẻ ra những con người như vậy.
*Chính phủ đã đặt thanh tra công vụ thành một công tác thường xuyên trong chương trình làm việc của cán bộ lãnh đạo. Theo ông, biện pháp này có thể khắc phục được kẽ hở trong cơ chế và chấn chỉnh được tình hình?
- Chắc chắn sẽ khắc phục được. Nhưng trước hết phải coi trọng công tác thanh tra , kiểm tra nội bộ, từ thủ trưởng xuống cấp dưới. Còn để bên ngoài vào thanh - kiểm tra chỉ là một phần mà thôi.
Loạn họp
* Dân gian đã không vô cớ khi phóng tác một câu hát quen thuộc từ bài Hành quân xa: “Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi”?
- Đúng thế. Số lượng các cuộc họp hành ở các bộ ngành, địa phương là quá nhiều. Không ít trường hợp mọi việc đều đã rõ hết cả rồi, chỉ còn mỗi việc đem ra triển khai thực hiện, thế mà cũng họp. Chẳng hạn ở tỉnh, lẽ ra cuộc họp thuộc lĩnh vực A thì ông giám đốc sở A phải chủ trì. Thế nhưng, nếu để ông sở chủ trì người ta lại sợ công việc ì ạch. Cho nên cứ phải ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách lĩnh vực cầm trịch cuộc họp...
* Ông từng kể rằng có ông giám đốc sở trung bình mỗi ngày nhận được tới... 9,5 giấy mời họp...
- Đó là chuyện được đăng tải trên một tờ báo. Ông giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng bình quân mỗi ngày (trong năm 2003) nhận đến 9,5 giấy mời họp. Trong khi bình quân một thường vụ tỉnh ủy cũng phải 2 giấy mời/ngày. Hôm nghe tôi nói chuyện này, một đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM ra vỗ vai: thường vụ tỉnh ủy mà 2 cái/ngày là ít đấy, chỗ khác còn nhiều hơn.
* Bản thân ông trung bình mỗi ngày nhận được bao nhiêu?
- Hiện cũng phải 2 cái/ngày.
* Ông có bố trí được thời gian để dự?
- Làm sao đi hết được. Mình lại phải phân công đồng chí này dự cuộc họp nọ, đồng chí khác dự cuộc họp kia và bản thân đồng chí được phân công cũng phải tự xem cuộc nào cần thiết thì mới đi.
* Song ông vẫn từng phải dự các cuộc họp vô bổ?
- Nhiều chứ.
* Họp hành triền miên đến mức... lạm phát là biểu hiện của quan liêu?
- Đúng quá! Lãnh đạo mà mải sa đà vào chuyện họp sẽ thiếu thực tế. Tất nhiên cũng có những cuộc họp cần thiết. Vấn đề quan trọng là làm sao xác định được hai yếu tố của cuộc họp: nội dung thiết thực, thời gian phù hợp. Cuộc họp đáng nửa ngày thì chỉ họp nửa ngày. Đằng này nhiều khi cứ “trót” mời đại biểu trong Nam ngoài Bắc nên lại phải kéo thành một hoặc hai ngày. Thời gian thừa không họp thì dành để các đại biểu đi... tham quan vãn cảnh.
* Dù sao cũng không thể phủ nhận một điều: nhiều cuộc họp đang phí tiền của Nhà nước và đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho cán bộ công chức?
- Chi phí cho việc tổ chức hội nghị, họp hành bắt buộc phải có. Nhưng còn tiền cho vào phong bì để phát cho các đại biểu thì phải dẹp. Vì sao? Nếu ở xa về dự họp, anh đã được chế độ công tác phí theo qui định. Trường hợp công tác phí chưa phù hợp do những yếu tố khách quan tác động (giá cả sinh hoạt, tiền ăn, tiền ở tăng) thì Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh. Theo tôi, dứt khoát không thể coi các cuộc họp là một nguồn thu nhập cho cán bộ công chức được. Chúng ta cần phải xóa cho được nạn phong bì bởi nó đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa cán bộ với dân. Thử hỏi người dân có bao giờ được đi họp và được nhận phong bì không?
* Theo ông, nếu xóa được nạn phong bì, tình trạng lạm phát họp sẽ được cải thiện?
- Chỉ giảm thiểu được một phần thôi.
* Vậy phần lớn nằm ở đâu, thưa ông?
- Ở đây lại có vấn đề về cơ chế trong việc xác định trách nhiệm cá nhân. Cơ chế trách nhiệm cá nhân chưa rõ tạo ra sự liên đới trách nhiệm, đâm ra lại phải họp để xác định trách nhiệm. Một khi đã họp mà có cấp lãnh đạo dự là văn phòng sẽ ra thông báo ý kiến của lãnh đạo. Trong khi thông báo thì có bao giờ nhanh đâu, cứ phải một tuần, nửa tháng, có khi cả tháng. Ở dưới cứ chờ thông báo, kết luận rồi mới triển khai. Công việc vốn chậm lại càng thêm chậm. Lẽ ra việc của anh, anh phải tự làm - tự chịu, đừng để người khác tổ chức họp để đôn đốc.
* Theo ông, còn cách nào khác có thể thay thế được các cuộc họp mà vẫn giải quyết, xử lý được công việc?
- Điều kiện thông tin, liên lạc hiện nay đã rất dễ dàng. Có nhiều phương tiện còn chưa được phát huy hết công dụng, hiệu quả như fax, thư điện tử, điện thoại... Hoặc một cách nữa là khi nhận được văn bản dưới dạng hướng dẫn, chỉ thị, các đơn vị cứ thế triển khai thực hiện ngay, không cần thiết phải chờ được gọi lên họp quán triệt rồi mới về làm.
ĐÀ TRANG