- Hà Nội đêm 30 Tết co ro trong cái rét ngọt của ngày đại hàn. Từ 20h, sau bữa cơm tất niên ấm cúng cùng gia đình, người Hà Nội đã náo nức đổ ra đường đi đón giao thừa. Nụ cười nở rạng rỡ trên khuôn mặt những cháu bé khi nhận được mừng tuổi là những đồng tiền xu.
![]() |
Cúng giao thừa ở Hà Nội. |
Không biết từ bao giờ, người Hà Nội đặc biệt là giới trẻ - nói riêng và người dân thành thị nói chung có thói quen ra đường... đón giao thừa. Người ta ùa ra đường, ra phố không phải chỉ để chờ đợi những vầng pháo hoa rực rỡ trên nền trời đen thẫm của đêm 30, không chỉ để thưởng khí của trời đất vào những giờ phút thiêng liêng nhất trong năm. Quan trọng hơn với họ vào giờ phút này là được cùng bạn bè, người thân và cả... những người không quen biết sống không khí sôi động của đường phố, của tuổi trẻ, của niềm hân hoan, xúc động trước khoảnh khắc giao thừa đầy ý nghĩa...
Xung quanh bờ Hồ, người ta đã gửi xe để được đi bộ vòng quanh hồ. Hồ Gươm là một trong những điểm bắn pháo hoa của thành phố. Đứng tại đây, người xem có thể quan sát được cả những bông pháo hoa bắn từ điểm Hồ Tây và điểm Công viên Hữu Nghị (Công viên Lênin trước đây). Giá gửi xe ở giờ này vẫn "ổn định" như những dịp Tết trước: từ 5.000 - 10.000đ/xe. Cùng với những dịch vụ ăn theo dọc bờ Hồ, túi bóng, lõi ngô và hàng trăm loại rác thải khác vẫn được thả vô tư xuống lòng Hồ Gươm và dọc các phố ôm quanh hồ. Bóng bay, lộc mía là những món hàng được bán chạy nhất ở đây.
Các quán cà phê, quán bar vẫn ăm ắp người với tiếng nhạc, âm thanh rộn rã hơn hẳn mọi ngày. Nguyễn Thanh Đức, sinh viên trường Kiến Trúc (Hà Nội) cố hét vào tai tôi:
Bọn em chỉ ngồi đây một lúc thôi. Lát nữa sẽ ra Hồ Tây xem pháo hoa.
Sau giao thừa sẽ đi đâu?
(cười). Em chưa biết. Có thể đi hát karaoke một lát rồi về nhà ngủ thôi ạ!
Trong nhà, những bà nội trợ vẫn đang thoăn thoắt sắp xếp lại mâm cỗ cúng giao thừa. Ở Hà Nội, dịch gà cúm vừa qua gần như không ảnh hưởng nhiều đến mâm cỗ cúng của mọi nhà. Người ta không mua nhiều gà như mọi năm nhưng vẫn cố gắng chọn những con gà mà họ cảm thấy yên tâm nhất để cúng tổ tiên.
Chỉ còn gần 1h nữa là đến thời khắc 0h của ngày 1/1/2004 Âm lịch - ngày thực sự bắt đầu của một năm theo cách tính của người Việt Nam. Chúng ta hãy dành những phút còn lại của một năm để nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, bạn bè và đừng quên mơ ước những hạnh phúc cho riêng bản thân mình...
Đón giao thừa với những đồng xu mới nhất
![]() |
Khác hẳn với mọi năm, trong không khí thiêng liêng đón mừng năm mới về, cùng với những điều ước, năm nay các em nhỏ còn mong nhận được thật nhiều "lì xì" là những đồng xu xinh xắn ...
Cạnh Hồ Hoàn Kiếm, nơi "toạ lạc" của cụ rùa vàng trao kiếm thiêng xưa, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng đầy ý nghĩa của mỗi người dân Hà Nội, đã không ít các em nhỏ ước ao được thật nhiều đồng xu cho bộ sưu tập tiền mừng tuổi của mình. Em Nguyễn Anh Vũ (khu nhà mới ngõ Thông Phong, phố Tôn Đức Thắng) cho biết: "Từ khi có tiền xu em đã sưu tập được hai xâu, gồm 46 đồng các loại, cả 1.000 (một nghìn đồng) và 5.000 (năm nghìn đồng), em muốn có thêm 4 đồng xu loại 200 đồng (hai trăm đồng) nữa. Và nếu có một điều ước em chỉ ước như vậy".
Bé Linh Chi (lớp 7B, trường chuyên Ngữ Đoàn Thị Điểm) thì nói: "Bà ngoại em bảo, giao thừa là thời khắc thiêng liêng, nhất là lúc bắn pháo hoa, nếu em nhìn lên trời ước điều gì thì em sẽ được toại nguyện và em đã ước có được nhiều đồng xu trong bao lì xì. Em tin điều ước của em sẽ trở thành hiện thực vì trước Tết em đã gọi điện cho các cô chú và dặn là: Nếu mừng tuổi hãy mừng bằng đồng xu, không có đồng xu thì thôi cũng được".
Không chỉ hai em nhỏ trên nói như vậy mà khi nhận được câu hỏi: "Em ước gì trong giây phút giao thừa này?" Nhiều em nhỏ, với các câu trả lời khác nhau nhưng đều có chung một điểm như nhau là: Có thật nhiều đồng xu!
Điều này chắc hẳn sẽ làm không ít người lớn bật cười vì đã có phụ huynh một em nói: "Đúng là trẻ con". Nhưng khi nghe các em lý giải về điều ước của mình thì thấy không trẻ con chút nào: "Vì đây là những đồng tiền xu phát hành đầu tiên do chính tay cháu sưu tầm được. Tự cháu sẽ biết nguồn gốc và lý do vì sao nó xuất hiện" - bé Việt Châu (Khu tập thể trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đống Đa, Hà Nội) nói. Còn bé Minh Nghĩa - một "ông cụ non" (Lớp 2A, trường Thực Nghiệm, Giảng Võ thì có ý kiến: "Tại sao lại không, trong khi bố cháu đi du lịch ở các nước đã phải sưu tầm những đồng tiền xu của họ như: tiền xu của Pháp, của Đức, của Đan Mạch... thì lý do gì mình lại không có tiền xu của mình và để cho họ phải sưu tầm..". Bé Ngọc Hà (Kim Giang, Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội) thì nhỏ nhẹ nói: "Cháu thích có nhiều đồng xu vào dịp tết này để cất đi và tặng cho bạn bè, vì đồng xu xinh xắn, nó vừa là tiền, nhưng cũng có thể là một vật ký niệm đáng yêu. Nếu đưa cho bạn năm nghìn sẽ khác với đưa tặng bạn một đồng xu có giá trị tương đương như thế. Hai điều này có ý nghĩa khác hẳn nhau. Hơn nữa đồng xu lại chẳng bao giờ hỏng, hoặc bị ướt".
Như vậy, dù các cách lý giải và cách hiểu khác nhau, song các em đều đưa ra những suy nghĩ thú vị của mình. Những ý kiến này chắc sẽ làm nhiều người lớn quan tâm. Riêng với người viết bài báo này thì luôn chúc cho các em nhỏ có một cái Tết cổ truyền đầm ấm và nhận được thật nhiều những bao lì xì chứa đựng điều ước thiêng liêng của các em!
- Như QuỳnhThục Nhi