Quyết định cho đấu thầu 15 tuyến xe buýt Hà Nội được thực hiện ngay trong tháng 9 này và đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân đăng ký tham gia, nhưng xem ra, thực sự góp phần làm giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô cần một giải pháp tổng thể. Trong đó, quy hoạch xây dựng là tối quan trọng và cần thực hiện tương đối mạnh tay.
Những tuyến phố như thế này đang rất cần tăng cường xe buýt. Ảnh: Nguyên Vũ |
Một cuộc đấu thầu... không triệt để!
Rõ ràng, tư nhân "tham chiến" vấn đề giao thông Hà Nội dịp này không phải... cho vui! Chắc chắn họ có cách làm thông minh, gây được cảm tình, tiện lợi cho hành khách và nhất thiết phải có lãi. Một DN tham gia đấu thầu dịp này cho biết, một số điều khoản như mức giá 2.500 đồng/lượt/người và còn phải thống nhất chất lượng phục vụ, tạo thành mạng, tuyến liên thông nhau sẽ "trói" các DN trong cạnh tranh. Đơn cử, hai loại xe buýt (to, nhỏ) vẫn thường lưu thông hiện nay của Nhà nước mà đã vênh nhau chất lượng, tốc độ. Thêm nữa, Nhà nước nắm hết doanh thu sau đó chia lãi theo vé về các đơn vị thì ắt có DN sẽ tìm cách gian lận vé, và chuyện này không dễ kiểm soát.
Một vấn đề khác, Nhà nước chỉ cho đấu thầu những tuyến mới còn các tuyến cũ vẫn giữ nguyên, trong khi những tuyến cũ này lại đang rất cần tăng cường xe như trục đường Cầu Giấy, đường Nguyễn Trãi, đường Giáp Bát, đường Nguyễn Văn Cừ. Đương nhiên đây là những tuyến mang lại doanh thu chủ yếu cho Nhà nước bấy nay trong kinh doanh xe buýt, còn lại phần lớn phải bù lỗ. Tổng bù lỗ cho xe buýt năm 2002 gần 60 tỷ đồng, năm 2003 dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Lẽ nào, xe buýt tư nhân nai lưng lót đường cho Nhà nước để chịu bù lỗ? Cho dù việc bù lỗ này do Nhà nước chi phí, nhưng chắc hẳn chẳng doanh nhân nào lại muốn sa vào cảnh "mất cảm tình" với Nhà nước như thế! Tóm lại, nguy cơ các DN tìm cách "làm láo" nhằm có lãi là rất lớn và một số phương án kiểm soát chặt xe buýt tư nhân cần phải xem lại trước giờ G. Nếu Hà Nội không làm "một cái gì khác" thì tất yếu rơi vào mô hình xe buýt tư nhân không thành công như ở TP.Hồ Chí Minh đã làm.
Vẫn ách tắc... giải pháp, và đương nhiên ách tắc giao thông!
Bài học xe buýt tư nhân không hiệu quả ở TP.HCM thêm một lần cho thấy giải pháp này không phải cứu cánh cho vấn đề giao thông đô thị đang rất "nhức đầu" này. Quy hoạch xây dựng đường sá và nhà ở có thể xem là điểm mấu chốt tạo điều kiện thu hút khách sử dụng xe buýt, loại phương tiện vốn được coi là văn minh tại các đô thị lớn. Những ngõ ngách sâu hút, nhỏ hẹp chằng chịt như ma trận ở các khu làng Khâm Thiên, Đội Cấn, Làng Cót, Thanh Nhàn... thì xe buýt nào chui được! Như vậy, phần đông dân cư những khu này buộc phải sử dụng xe máy - phương tiện quen thuộc, lách nhanh và tiện ích.
Trong khi chưa thể làm một cuộc cách mạng về quy hoạch đô thị, chúng ta lại tìm cách hạn chế xe máy bằng một phương pháp "nắm đằng lưỡi"! Dân Hà Nội sau mấy ngày chen chân giật cố tấm biển đăng ký xe máy, họ cười oà: sang Gia Lâm, đi Cầu Giấy mà kiếm một suất, khó gì. Một cán bộ của Phòng CSGT Hà Nội cho biết, lượng xe đăng ký mới sau 1/9 giảm một nửa nhưng mật độ tham gia giao thông không hề giảm (nhu cầu 2 xe máy/gia đình thực ra bão hoà từ lâu ở nội thành). Quan sát mật độ giao thông giờ cao điểm sáng và chiều mới thấy rõ lượng xe từ phía ngoại thành đổ vào thành phố là chủ yếu trên các tuyến chính kể trên.
Một quan chức Sở GT-CC nói thẳng, xây những khu nhà cao tầng chung cư mới và bán với cái giá "trên giời" khiến hầu hết người nghèo không có cơ hội sở hữu trong khi chính những đối tượng này "ngóng" xe buýt hàng ngày. Không phải là xe buýt chưa tiếp cận những khu nhà hiện đại ở Linh Đàm, Thăng Long, Vĩnh Tuy, mà đó là những địa điểm xe buýt "chết" vì lượng khách thất thường. Nay rải xe tư nhân khắp nơi hòng bịt kín các tuyến thì chỉ có bù lỗ! Và, nơi tắc đường vẫn hoàn tắc đường (xin nói nhỏ, Hà Nội chưa thể có tuyến đường dành riêng cho xe buýt sau... nhiều năm nữa).
Có thể tạm kết luận, hầu hết những người đi xe buýt là vì không có xe máy. Thực hiện một điều tra nhỏ trên chuyến xe buýt tuyến Hà Đông - Hà Nội, PV TS lựa chuyện hỏi hành khách "Tại sao anh, chị đi xe buýt?" và không hề ngạc nhiên khi chỉ có 1 trong số 17 hành khách trả lời "Hôm nay trời mưa", số còn lại đáp rất nhanh " Vì không có xe máy"!
Thực tế, những ông chủ xe buýt tư nhân TP.Hồ Chí Minh đã nát óc tính toán cách thức và chất lượng phục vụ hành khách nhưng họ đã thất bại.. dài dài. Khách tìm đến xe buýt phần lớn là sinh viên thì chính đối tượng này cũng không ổn định và họ luôn tìm cách "thoát nạn nghẹt thở trên xe buýt" khi có thể. Có sinh viên nói thẳng "Em thà đi xe đạp còn hơn bị đày đoạ vì xe buýt, chờ xe đã khổ, lên xe còn khổ hơn...". Chắc hẳn các ông chủ đã nghiên cứu, phục vụ theo lối cũ mới mong có lãi, nhưng thế thì quả là "hành" khách (chưa hề có xe buýt nào chỉ chở đúng số lượng quy định, họ sẵn sàng... nhét đến mức có thể nếu đông khách!)
Hiệu triệu nhân lực và tài lực phải có quyết sách đúng!
Xã hội hoá phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mà vẫn có được môi trường kinh doanh lành mạnh quả là khó nhưng không phải là bất khả thi. Ưu đãi DN tư nhân dịp này như miễn thuế VAT, miến thuế đất, bù lỗ doanh thu... thì quả là lời mời gọi đấu thầu vô cùng hấp dẫn. Nhưng không đủ. Giám đốc một DN vào cuộc lần này tâm sự, họ cần được quảng cáo riêng, loại xe được thiết kế nội thất riêng, có cách phục vụ riêng, giá vé riêng (tất nhiên có kịch khung)... và họ dám độc lập khỏi bàn tay bù lỗ của Nhà nước. Đương nhiên phải cho họ chen quyết liệt vào tất cả các tuyến giao thông để giành lấy khách một cách xứng đáng. Đây cũng xem là cơ hội để các DN Nhà nước thấy rõ yếu kém trong điều hành và quản lý xe buýt bấy nay, từ đó quyết định làm "cách mạng xe buýt" theo lối nào thì hợp lý.
Chủ trương phải có 1.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2005 nhằm đáp ứng tương đối nhu cầu đi lại của nhân dân mà lại giải quyết theo lối "đánh trống bỏ dùi" thì tai hại có khi khó lường (nói luôn, nhiều tuyến phố bây giờ lắm lúc tắc đường vì... xe buýt!)
-
P.V