 |
Cầu sắt Bailley xây lắp song song với cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội đã bị ngưng thi công do giá thép tăng cao (ảnh chụp chiều 11-3-2004) |
“Đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu không được phép dừng hoặc đình chỉ thi công các công trình xây dựng trong kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2004”.
Hôm qua 11-3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng đã phải có văn bản nhắc nhở như trên, sau khi hàng loạt công trình xây dựng lớn ở các địa phương có dấu hiệu đình trệ do giá thép tăng...
Trong hai tháng đầu năm, giá thép đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2003 (từ khoảng 4,5 triệu đồng/tấn lên 8,5-9 triệu đồng/tấn) và những người phải lãnh hậu quả ngay lập tức là các chủ đầu tư, các nhà thầu đang hoặc chuẩn bị thi công các công trình xây dựng cơ bản.
* KS Đoàn Mạnh Vũ (phó giám đốc Công ty xây dựng Thanh Niên): Nhiều ngành khác cũng bị tác động dây chuyền
Công ty chúng tôi hiện đang phải “ngậm đắng nuốt cay”, phần lớn những công trình nhận thầu đều liên quan đến dân sinh dân trí, nhưng càng làm càng lỗ... Tôi cho rằng với hiện tượng giá thép cao ngất ngư như hiện nay, một số đơn vị xây dựng làm ăn đàng hoàng có thể chấp nhận thi công và chịu lỗ, hoặc có thể tạm ngưng thi công phần nào dính đến sắt thép để nghe ngóng giá cả, nhưng những đơn vị làm ăn không đàng hoàng sẽ tìm cách giảm chất lượng công trình để giảm lỗ. Một số đơn vị khác sẽ tìm cách kéo dãn hoặc trì hoãn tiến độ thi công.
Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, theo tôi, không chỉ hoạt động xây dựng cơ bản có nguy cơ đóng băng mà nhiều ngành khác cũng sẽ bị tác động dây chuyền, chưa kể nhiều lao động trong ngành xây dựng cũng bị thất nghiệp do không có việc làm.
* Ông Phan Tấn Quốc (phó giám đốc Công ty Xây dựng 3D): Phải sản xuất cầm chừng để giữ lao động
Đơn vị tôi chuyên cung cấp các loại vách và sàn bêtông cốt thép cho các công trình xây dựng, nhưng từ đầu năm đến nay doanh số của đơn vị đã giảm mạnh, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2003.
Hiện nay các công trình đầu tư từ vốn ngân sách, các nhà thầu tiến hành thi công những phần không sử dụng thép; còn những công trình xây dựng dân dụng, các nhà thầu tiến hành thương lượng với chủ đầu tư để trì hoãn, thậm chí nhiều chủ đầu tư đều hoãn lại kế hoạch xây dựng. Ngay cả đơn vị chúng tôi hiện nay cũng đang tận dụng thép tồn kho, sản xuất cầm chừng để giữ lao động.
Hải Đăng ghi
|
Theo một chuyên gia của Viện Kinh tế xây dựng, chi phí cho sắt thép chiếm khoảng 6-7% tổng dự toán các công trình xây dựng và lên đến khoảng 10% đối với các công trình cầu, do đó giá thép tăng gần gấp đôi trong khi giá chào thầu đã chốt rồi thì chắc chắn nhà thầu sẽ lỗ nặng” - tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng (VACC) Vũ Gia Quỳnh thừa nhận. Đó cũng là lý do, theo ông Quỳnh, khiến các nhà thầu có ý “chần chừ” trong thi công.
Với các công trình đã đấu thầu, muốn có lãi nhà đầu tư phải bù chéo giá các nguyên liệu, thậm chí phải tính chuyện nhập thép giá rẻ và như vậy chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng. “Để giải quyết vấn đề này, vai trò chính sẽ thuộc về các đơn vị tư vấn giám sát: theo dõi làm sao để nhà thầu làm cho đúng, làm cho đủ” - một chuyên gia của Viện Kinh tế xây dựng khẳng định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt cần tháo gỡ là phải có những tác động để hạ giá thép xây dựng vì “nếu không, sau khi hoàn thành công trình, một loạt các DN xây dựng sẽ ở vào tình thế hết sức khó khăn do lỗ nặng”.
Để cứu vãn tình hình, theo vụ trưởng Vụ Kinh tế - tài chính (Bộ Xây dựng) Vũ Thị Hòa: Tuần tới bản hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh dự toán và bù chênh lệch giá VLXD sẽ được Bộ Xây dựng tính toán và ban hành ngay.
Hiện tại, sau khi Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế nhập khẩu xuống 0%, giá thép trên thị trường bắt đầu giảm nhẹ 300.000-500.000 đồng/tấn - bà Hòa cho biết.
Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) Hoàng Thọ Xuân, Bộ Thương mại cũng đã bổ sung biện pháp khuyến khích các DN nhập khẩu thép thành phẩm phục vụ các công trình xây dựng trong nước bằng cách thưởng hạn ngạch.
* Cần Thơ: nhiều đơn vị đề nghị hỗ trợ trượt giá
TP Cần Thơ hiện có 173 công trình xây dựng cơ bản thuộc các sở, ngành, quận, huyện làm chủ đầu tư. Nhưng hầu hết các công trình này, nhất là các công trình xây dựng cơ bản chuyển tiếp, đang phải ngưng hoặc thi công cầm chừng. Tại Sở Kế hoạch & đầu tư, Sở GTCC đã có hàng chục đơn kiến nghị của các đơn vị thi công đòi hỗ trợ phần trượt giá...
Ông Võ Thanh Tòng - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết TP đã có văn bản gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét có hướng tháo gỡ những vướng mắc này để đẩy nhanh công tác xây dựng cơ bản.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Long An lại kiên quyết không cho các đơn vị trúng thầu ngưng thi công nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Còn phần trượt giá do biến động giá vật tư sẽ được giải quyết theo hướng: đơn vị thi công bù 50%, địa phương (vốn ngân sách) bù 50% (trên tổng giá trị vượt dự toán sắt, thép) trong khi chờ quyết định của Chính phủ...
* Đà Nẵng: có tiền cũng không mua được thép
 |
Công trình Trường THPT Phan Chu Trinh - một công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng nên dù giá thép tăng nhưng đơn vị thi công vẫn phải "bấm bụng" đảm bảo tiến độ |
Theo kỹ sư Nguyễn Tâm Thịnh - phụ trách bộ phận vật tư của ban điều hành các dự án xây dựng của Công ty Xây dựng số 8 (thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1) tại Đà Nẵng: “Giá thép tăng đến chóng mặt, nhưng chúng tôi không thể để công trình đóng băng vì hợp đồng đã ký. Mỗi công trình của chúng tôi lỗ không dưới 10 tỉ”.
Hiện Công ty Xây dựng số 8 đang thi công ba công trình lớn trên địa bàn Đà Nẵng gồm dự án thoát nước và vệ sinh môi trường; trung tâm công nghệ phần mềm 21 tầng và bệnh viện đa khoa 600 giường. Số sắt thép cần thi công mỗi công trình lên đến hơn 2.000 tấn với đủ chủng loại. Nhưng tại thị trường Đà Nẵng hiện nay, dù có tiền cũng không mua được sắt thép vì nhiều đơn vị kinh doanh không chịu bán ra.
Trong khi đó, ông Lê Văn Đức, giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật VN, cho biết dự án nhà máy chế biến khuôn mẫu của đơn vị ông đã khởi công từ giữa tháng 2-2004, hiện vẫn chưa làm gì được.
* Khánh Hòa: nhiều công trình trường học ngưng trệ
Hiện trong số 12 công trình dự án xây dựng các cơ sở trường học, nhà hộ sinh, trụ sở các hội đoàn thể... ở Khánh Hòa có bốn công trình chỉ mới triển khai thi công được 30% khối lượng; bốn công trình khác đã đấu thầu nhưng chưa triển khai thi công được. Còn lại bốn công trình được giao thầu nhưng chưa trình duyệt được giá trị để giao. Các đơn vị, doanh nghiệp đã trúng thầu, đang xây dựng các công trình trong số vừa nêu đều đề nghị: tạm thời cho thay đổi chủng loại sắt thép so với hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt trúng thầu..., đồng thời xin điều chỉnh giá vật tư theo tình hình thực tế, nhất là sắt thép các loại...
Theo ông Trần Văn Thọ, giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh: “Nếu các dự án, công trình trường học cho đến nay không khởi công xây dựng được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của ngành giáo dục và của học sinh...”.
NHẬT LINH - AN KHÁNH - KIM EM - NG.ĐỨC - P.S.N.