Nếu Sở Y tế làm "thẳng tay", thì tại TP HCM sẽ có khoảng 60 70% nhà thuốc, hiệu thuốc bán lẻ bị đóng cửa. Bởi, ngoài việc kinh doanh thuốc tây thuê mướn bằng, một bộ phận lớn nhà thuốc, hiệu thuốc của các dược sĩ hiện đang là công chức nhà nước.
Đúng ra, những nhà thuốc này chỉ mở cửa ngoài giờ hành chính (ngoài thời gian làm việc của dược sĩ tại cơ sở nhà nước). Thực tế, những nhà thuốc này mở cửa 24/24 giờ. Vì thế, dược sĩ làm sao có mặt trong giờ hành chính khi nhà thuốc mở cửa? Nhiều dược sĩ cho rằng, chỉ khi nào mức lương của dược sĩ được nâng cao, thì tình trạng cho thuê mướn bằng dược sĩ, hoặc tình trạng dược sĩ công chức mở hiệu thuốc, nhà thuốc mới giảm hẳn.
Mới đây, ngoài việc chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phải tước "giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề dược" đối với những dược sĩ có hành vi cho thuê, mướn bằng, văn bản của Bộ Y tế còn nêu: kiên quyết xử lý các trường hợp chủ nhà thuốc vắng mặt khi nhà thuốc mở cửa. Nếu 3 lần vắng mặt không lý do, chủ nhà thuốc sẽ bị xem xét, xử lý rút giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề...
Hiện tại, tổng số nhà thuốc, đại lý thuốc, hiệu thuốc tây bán lẻ trên địa bàn TP.HCM xấp xỉ 4.000 - một con số quá lớn so với lực lượng thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý y tế. Trong thực tế, phần lớn người kinh doanh thuốc tây là thuê, mướn bằng dược sĩ. Thông thường, thanh tra Sở Y tế kiểm tra định kỳ 2 lần/năm đối với các nhà thuốc, hiệu thuốc, chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu khả nghi, hoặc có đơn khiếu tố. Một cán bộ quản lý y tế của Q.11, TP HCM cho biết, trên địa bàn hiện có gần 200 nhà thuốc, mỗi năm chỉ kiểm tra định kỳ thôi cũng không thể nào làm nổi.
(Theo Thanh Niên)