TS - Trước tình hình thiếu thuốc nghiêm trọng của các bệnh viện (BV), chiều 8-9, Sở Y tế TP.HCM có cuộc họp để tìm biện pháp tháo gỡ. Nhiều lãnh đạo BV than nếu tình hình này kéo dài họ sẽ bó tay trong điều trị.
Ra ngoài mua thuốc
Bác sĩ (BS) Vũ Thị Nhung - giám đốc BV Hùng Vương - cho biết đến ngày hôm nay trên bàn làm việc có mấy tờ trình của các khoa, trong đó có khoa xét nghiệm đề nghị BV nên thông báo không thu tiền xét nghiệm, không lấy mẫu máu của bệnh nhân (BN) nữa vì không còn hóa chất để xét nghiệm. Bây giờ BV chỉ còn cách cho BN ra ngoài xét nghiệm.
BS Tăng Chí Thượng - giám đốc BV Nhi Đồng 1 - cũng kêu BV thiếu thuốc. Muốn ra ngoài mua thuốc cũng không thể được vì khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới
6 tuổi thì kho bạc giữ tiền hết. BS Thượng cho biết do danh mục vật tư tiêu hao đang đấu thầu, mà BV đã hết bông gòn nên sáng nay ông phải năn nỉ Công ty bông Bạch Tuyết cho BV mượn đỡ một ít, khi nào có kết quả thầu sẽ trả lại.
BS Vũ Bằng Giang - phó giám đốc BV 115 - nói ông rất muốn đề nghị giám đốc cho phép đề bảng thông báo ở BV rằng: “Vì tình hình thiếu thuốc, đề nghị BN bảo hiểm y tế mang đơn ra ngoài mua”, nhưng không dám. Ông Giang cho rằng thông tư 20 có gì đó không ổn. Bởi vì về nguyên tắc đấu thầu là phải chọn giá rẻ, nhưng với thuốc thì "thử hỏi có ai trong các vị đây cảm thấy an lòng khi chọn thuốc giá rẻ điều trị BN?".
5/31 đơn vị được phê duyệt
Đề nghị sửa qui chế đấu thầu
Trước tình trạng thiếu thuốc điều trị trong BV tại TP.HCM, Cục Quản lý dược vừa có đề xuất 13 điểm gửi bộ trưởng Bộ Y tế. Trong đó, Cục Quản lý dược đề xuất sửa đổi qui chế đấu thầu thuốc vào BV cho sát tình hình thực tế, nghiêm cấm ghi tên biệt dược tràn lan để mời thầu (có tính chất chỉ định thầu, tạo bất bình đẳng trong đấu thầu)...
Ngày 7-9, Sở Y tế TP.HCM đã gửi thường trực UBND TP.HCM đề nghị trong thời gian chờ thẩm định kết quả thầu của Sở Tài chính, chờ đấu thầu lại... cho phép các BV được lấy kết quả đấu thầu đã được phê duyệt của các BV khác để xây dựng danh mục mua sắm tại đơn vị. Sở Y tế phê duyệt danh mục tạm thời này. Chỉ áp dụng đấu thầu rộng rãi cho các mặt hàng có giá trị lớn từ 200 triệu đồng/mặt hàng/năm trở lên...
L.ANH- L.TH.H.
|
Thông tư 20 của liên bộ Y tế - Tài chính về đấu thầu thuốc qui định mọi loại thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng trong BV đều phải đấu thầu. Qui định này có hiệu lực cách đây gần một năm và nó đang làm các BV kêu trời vì thiếu thuốc.
Hiện nay có 27 BV và bốn trung tâm y tế quận, huyện (Củ Chi, Tân Bình, Nhà Bè và Q.4) thuộc Sở Y tế TP.HCM tham gia đấu thầu thuốc. Cho đến ngày 28-8, mới có 5/31 đơn vị được phê duyệt thuốc đấu thầu là các BV Gia Định, Tai mũi họng, Sài Gòn, Nhi Đồng 1 và Hùng Vương.
Tuy nhiên, theo phòng quản lý dược các Sở Y tế TP.HCM, các loại thuốc trên mới chiếm 80% trong tổng số thuốc mời thầu. Các loại thuốc còn lại không được phê duyệt do nhà thầu bị loại, thuốc nằm trong gói thầu biệt dược, thuốc không có nhà thầu tham gia...
Trước đó, ông Trần Việt Trung - trưởng phòng quản lý dược Sở Y tế TP.HCM - cho biết tình trạng thiếu thuốc của các BV xảy ra từ đầu năm 2006. Vì vậy, sáu tháng đầu năm sở phải cho các BV chỉ định thầu thuốc. Tuy nhiên, do nhiều đơn vị không dự trù hết được số lượng thuốc, vật tư tiêu hao... cần sử dụng nên mới thiếu thuốc. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, việc này một phần do các BV cũng không ngờ quá trình đấu thầu, phê duyệt gói thầu lại lâu như vậy.
"Chỉ mình em giải quyết"
Ông Trung nói thêm các đơn vị thiếu thuốc là do những phát sinh trong việc chỉ định thầu sáu tháng đầu năm 2006: thêm về số lượng, bổ sung danh mục, thiếu hoặc sai tên nhà cung ứng. Trong quá trình đấu thầu, nhiều đơn vị tổ chức trễ. Vì vậy, nhiều đơn vị chưa được Sở Tài chính duyệt dẫn đến thiếu thuốc. Những thuốc không có công ty tham gia nhưng tổng số trên 100 triệu đồng không nằm trong thẩm quyền phê duyệt của Sở Y tế, phải đấu thầu lần hai. Chưa kể những nguyên nhân khác như có nhà thầu tham gia nhưng bị loại và phải đấu thầu lần hai. Trong thời gian tổ chức đấu thầu lại, BV sẽ không thể mua được thuốc. Ông Trung cho biết việc phê duyệt thuốc là do Sở Tài chính thực hiện, sở cũng chưa biết khi nào mới xong. Thời gian thẩm định trung bình của Sở Tài chính khoảng một tháng cho mỗi đơn vị.
Trước những bức xúc của các BV, một chuyên viên của Sở Tài chính TP.HCM nói: “Mong các BV thông cảm, Sở Tài chính đã nỗ lực tối đa, nhưng do chỉ có một mình em giải quyết hồ sơ nên BV nào đến trước thì em làm trước. Em phải chở hồ sơ về nhà để tối làm thêm chứ không chỉ làm việc ở cơ quan mà cũng không kịp”. Nghe xong, nhiều lãnh đạo BV ngồi dưới đã tỏ ý rất bất bình. Dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định dù khó khăn thế nào cũng phải tìm biện pháp tháo gỡ. Sở Y tế sẽ mời các nhà cung ứng thuốc, sản xuất thuốc đến làm việc để nghe ý kiến của những đơn vị này về việc đấu thầu thuốc.
LÊ THANH HÀ