 |
Ngày mùng 1 Tết, khách đến chùa rất đông. |
Sớm mùng 1 Tết, trời Hà Nội se lạnh, mưa xuân lất phất bay. Đường phố thưa thớt bởi các gia đình còn tất bật làm cơm cúng tân niên. Song các chùa chiền lại rất đông đúc. Những người con xa quê, người sinh sống tại địa phương, cả năm bận rộn, hôm nay đã dành những giờ phút đầu xuân vào chùa lễ Phật, cầu phước lộc, bình an.
Đã thành lệ, cứ mùng 1 Tết, phóng viên TS lại cùng gia đình về quê, trước là thăm ông bà, sau là lễ Phật. Chùa làng Phú Diễn (xã Phú Diễn, Từ Liêm) mới được chỉnh trang, cửa ra vào được làm mới trông khang trang hơn. Khách đi chùa rất đông, các bà đều diện áo nâu sồng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, còn trẻ con xúng xính trong bộ quần áo mới. Sư Loan, trụ trì chùa Phú Diễn, cho biết so với ngày thường, ngày Tết khách đến đông gấp 10 lần, người thì cầu một năm mới nhiều tài lộc, người có bệnh thì mong cho nhanh khỏi, người tình duyên trắc trở thì cầu được suôn sẻ hơn.
Có gia đình gồm cả ông bà, dâu rể, cháu chắt nội ngoại cùng đến lễ Phật. Bà và các con gái, con dâu vào lễ, còn ông dẫn đàn cháu đi thăm thú các nơi, giải thích cho chúng lai lịch chùa làng, tại sao người Việt Nam hay đến chùa vào ngày Tết. Anh Hùng, người làng Diễn, suốt một năm ròng bôn ba hết công trình ở Sơn La, lại đến Bắc Kạn, tâm sự: “Tôi rất thích không khí trầm lắng, thích nghe tiếng gõ mõ và xem mọi người thành tâm khấn vái. Năm nào cũng vậy, dù bận bịu đến đâu, tôi cũng đến chùa làng vào những ngày đầu xuân”.
Hầu hết những người đi lễ chùa đều xin sớ. Bên cạnh những chữ Hán nôm ghi điều nguyện ước cho năm mới, thầy viết sớ còn điền vào tên tuổi quê quán của khách. Lát nữa, sớ cùng với tiền vàng mã sẽ được hóa, để gửi đến đức Phật. Thanh niên thì rất thích rút thẻ, xem năm mới nhà cửa, sức khỏe, chuyện gia đình, tình duyên của mình thế nào. Có người bảo đó là mê tín, nhưng mặc, họ vẫn xì xào bình phẩm xem thẻ của mình tốt hay xấu.
So với Phú Diễn, chùa làng Đình Quán (cùng xã Phú Diễn) đông người lễ bái và vãn cảnh hơn. Không chỉ có những người con của làng mà cả khách thập phương đến. Đón năm mới, nhà chùa đã dọn dẹp, làm sạch các lối đi, trang trí thêm cờ Phật, đèn lồng. Các chàng trai, cô gái đứng rất lâu trước những câu trích từ kinh Phật, được dán ở cửa gian Thiền đường. Hà, một khách thập phương đến thăm chùa, tâm sự: “Đi chùa mới thấm thía những điều Phật dạy, chẳng khác nào những điều cha mẹ vẫn dạy em. Điều thiện cao quý nhất không gì bằng hiếu hạnh. Việc ác cùng tột không gì bằng bất hiếu”.
Còn anh bạn của Hà lại rất tâm đắc câu: “Con ơi, khi mở mắt chào đời thì mọi người cười mà con lại khóc. Vậy con hãy sống làm sao khi con nhắm mắt lìa đời thì mọi người khóc mà con lại cười”. Một phụ nữ, sau khi lẩm nhẩm đọc 10 điều tâm niệm của đạo Phật, cho biết, ở tuổi chị (gần 50) rất khó bày tỏ nỗi lòng với con cháu, mà cha mẹ chị thì đều đã mất. Bởi vậy đi chùa, gần gũi với các cụ già, các sư, được họ khuyên điều hay lẽ phải, chị thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản hơn rất nhiều.
Có lẽ chùa đông nhất ở Hà Nội vào thời khắc đầu tiên năm Nhâm Ngọ là Quán Sứ và chùa Hà. Từ đêm 30 Tết, hai nơi này đã tấp nập khách, đông nhất lại là thanh niên. Dường như câu tục ngữ trẻ tết nhà, già tết chùa đã không còn đúng nữa. Mâm lễ cúng Phật của khách đến các chùa này cũng đầy và nhiều đồ hơn chứ không giản dị vài ba cái bánh, mấy quả cam như ở chùa quê.
Những hàng bán vàng mà, viết sớ đã không bở lỡ cơ hội làm ăn. Họ mở hàng từ sáng sớm mùng 1, chẳng cần xem ngày này buôn bán có thuận không. Một chị bán hàng mã ở trước cửa chùa Hà giải thích: “Người ta bảo mùng 2 mở hàng mới tốt, nhưng bỏ qua dịp làm ăn này tôi không nỡ. Mới lại quanh năm làm ăn trước cổng chùa, không buôn gian bán lận, sống đúng cái tâm, có làm sao thì đức Phật cũng đỡ cho”.
Dịch vụ trông xe đạp, bán vé số và muối cũng rất đắt khách. Trước cửa chùa Hà có tới 12 điểm treo biển trông giữ xe. Chợ đồ cũ Dịch Vọng đang nghỉ Tết đã trở thành điểm để xe an toàn, không còn tình trạng xe tràn lan ra đường, gây ách tắc giao thông như mọi năm. Khách vào chùa lễ Phật xong quay ra mua tấm vé số hay cân muối, cầu cho năm mới được may mắn. Cầm lá số trên tay, một phụ nữ bế con nhỏ hóm hỉnh: “Trúng là cái tốt, mà không được cũng chẳng sao, coi như đóng góp chút đỉnh cho thủ đô”.
Đôi điều trăn trở
Ngày xuân đi chùa không chỉ để lễ Phật, cầu phước lộc, hầu hết du khách còn muốn đắm chìm trong không gian u tịch của cõi Phật, được chiêm ngưỡng những nét hoa văn tinh tế của kiến trúc chùa chiền. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi nuối tiếc bởi nhiều ngôi chùa đã được hiện đại hóa, xóa bỏ những nét cổ kính, tôn nghiêm. Như chùa Phú Diễn, Đình Quán, sàn nhà đều được lát bằng gạch men bóng loáng, thay cho loại gạch mộc dân dã. Cổng chùa Phú Diễn vừa được làm mới, có sáng sủa hơn, nhưng lại quá cao, không phù hợp với tầm vóc nhỏ bé, cổ kính của tòa tam bảo.
Một số du khách sau khi đi lễ đã bẻ lộc quá nhiều, khiến cây cối quanh nhà chùa xơ xác hẳn. Cây nhót ở nhà dưới chùa Đình Quán từ đêm qua đến nay đã bị nhiều thanh niên vặt trụi. Một vị trông coi cho biết: "Vườn nhà chùa thì rộng, người trông lại ít nên không thể để mắt hết được. Mới lại đầu năm mới, thấy họ bẻ lộc mình cũng không tiện nói, phải tránh điều xui xẻo".
Vàng mã cùng với hương vẫn được đốt rất nhiều, có nơi, khói hương ám cả vào tượng Phật. Một sư thầy giải thích, thực ra trong kinh, đức Phật dạy không nên mua vàng mã để cúng lễ, không nên thắp hương thẻ vì nhà chùa đã có hương vòng. Ngay tại chỗ xếp đồ lễ của chùa Đình Quán đã có khuyến cáo như trên, nhưng nhiều khách không chấp hành, cứ mua thật nhiều vàng mã, thắp thật nhiều hương. Họ cho rằng làm vậy mới mong được nhiều phước lộc.
Như Trang
|