|
Cống thoát nước đang xây dựng ở ngã tư Duy Tân – Núi Thành nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra ngay bên cạnh. |
Như tin đã đưa, trong vài ngày qua, khu vực Trung Trung bộ có mưa lớn trên diện rộng . Riêng tại Đà Nẵng, tuy mưa lớn chỉ xảy ra vài đợt ngắn chứ chưa kéo dài như mọi năm, song cũng đã dẫn đến tình trạng ngập úng ở nhiều nơi.
Cống thoát nước nhìn... đường ngập lụt!
|
Cánh đồng ở phía nam Đài tưởng niệm được san lấp nhưng thiếu chú ý vấn đề thoát nước nên dẫn đến ngập lụt ở khu vực Hoà Cường. |
Có thể nói, đợt mưa lớn 2 ngày qua là một “thử nghiệm” cần thiết để kiểm tra tính hiệu quả sau hơn 2 năm Đà Nẵng triển khai dự án “Thoát nước và vệ sinh môi trường”. Tuy có một số nơi vẫn còn bị ngập nhưng so với nhiều năm trước thì đã ít hơn. Nguyên nhân là do mưa lớn nhưng không kéo dài. Ngoài ra, một số tuyến cống của dự án “Thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố” sau khi hoàn thành đã góp phần làm cho nước mưa thoát nhanh hơn.
Sáng 25/9, chúng tôi đội mưa chạy một vòng qua các ngả đường Ngã tư Đống Đa - Lý Tự Trọng, rồi đường Quang Trung (trước Bệnh viện Đà Nẵng)... nước ngập trắng đường. Rất nhiều xe bị chết máy phải dắt lội bì bõm, nhiều người khác phải chọn vỉa hè làm lối đi. Ở ngã tư Duy Tân - Núi Thành, một cái cống rất lớn của dự án “Thoát nước và Vệ sinh môi trường” đang được thi công; thế nhưng đường Núi Thành lại trở thành... “dòng sông lười”. Đây là khu vực thấp, thường xảy ra ngập lụt trong mùa mưa. Nhưng so với mọi năm thì... tốc độ ngập lụt xảy ra vừa qua trên tuyến đường này nhanh đến chóng mặt. Nước ngập quá nửa bánh xe, vượt lề đường rồi tràn cả vào nhà dân. Khá nhiều khu dân cư ở khu vực Nam Sơn (phường Hoà Cường) phải chôn chân trong bể nước tù túng, không lối thoát. Thấy cảnh cống thoát nước "bối rối" nằm nhìn đường xá ngập lụt mà không khỏi phải tự hỏi: Vì sao nên nỗi?
Do thi công công trình mà không chú trọng vấn đề thoát nước!
Người dân ở khu Nam Sơn 3 (Hoà Cường), khu vực ngập lụt nặng nhất trên đường Núi Thành sáng 25/9, cho hay: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do trong khi thi công công trình khu công viên Nam đài tưởng niệm, Công ty 532 (Bộ Quốc phòng) san lấp mặt bằng làm chắn ngang dòng chảy. Bác Lê Văn Đồn chỉ ra: “Công ty 532 bơm cát vô xây công viên ở cạnh Đài tưởng niệm làm tắc cống, nước không thoát ra được chứ trời đã mưa mấy đâu mà lụt!”.
Rõ ràng do đơn vị thi công các công trình cơ sở hạ tầng chưa chú trọng đến việc thoát nước nên đã làm cho một số khu vực, điển hình là đường Núi Thành, bị ngập nặng. Được biết, sau khi người dân khu Nam Sơn thông báo về tình trạng ngập nước nơi đây, phường Hoà Cường đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế và báo cho đơn vị thi công khu công viên nam Đài tưởng niệm là Công ty 532 và Ban quản lý dự án các công trình giao thông công chính. Các đơn vị này cũng đã tìm cách khắc phục, khơi thông dòng chảy nhưng đến trưa 25/9, khi chúng tôi quay lại thì tình trạng ngập nước vẫn còn... nguyên như cũ!
Và nguy cơ ngập lụt còn có khả năng... tràn lan
Đáng lo hiện nay là nguy cơ ngập lụt, lũ, úng thuỷ còn có khả năng xảy ra trên diện rộng ở Đà Nẵng do nhiều nguyên nhân. Trên toàn thành phố, riêng việc xây dựng đô thị mới phục vụ tái định cư đã có 108 dự án lớn nhỏ; đi cùng là rất nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị về nông thôn. Đáng quan tâm là nhiều khu tái định cư mới được xây dựng tại các vùng đất trũng nên rất dễ bị tình trạng úng lụt vào mùa mưa bão. Đơn cử như vùng Phong Bắc (Hoà Thọ, huyện Hoà Vang), Hoà Cường – Khuê Trung (quận Hải Châu)... Đây là những cánh đồng vốn làm nơi điều tiết nguồn nước mưa. Hiện các cánh đồng này đã được san lấp, mặt bằng công trình bằng ngang đường 2/9, Cách mạng Tháng 8 và QL1A. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mạch chính băng qua các khu dân cư này chưa được đầu tư xây dựng, nhất là cống thoát nước ra sông qua đường Cách mạng Tháng 8.
Ở nhiều khu dân cư khác, việc quy hoạch chi tiết trong phát triển đô thị cũng dễ gây tình trạng ngập úng cục bộ; một số khu dân cư có khả năng biến thành ao tù như Bắc Mỹ An (Ngũ Hành Sơn), Hoà Thuận (Hải Châu), Hoà Minh (Liên Chiểu)... Việc san lấp cánh đồng ở phía nam Đài tưởng niệm mà thiếu chú ý vấn đề thoát nước, từ đó gây nên tình trạng ngập úng ở khu vực Nam Sơn (Hoà Cường) đã là một ví dụ cụ thể!
Bên cạnh đó, trên các sông Hàn, Cẩm Lệ và Tuý Loan hiện có tới 8 cây cầu đã và đang được xây dựng. Mật độ cầu khá dày trên cung đoạn sông ngắn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ từ thượng nguồn. Ngoài ra, trục giao thông đường ngang theo hướng Bắc – Nam, đặc biệt là QL1A vừa được nâng cấp theo hướng tuyến mới, nâng cao bình độ mặt đường để tránh ngập lụt, đã tạo ra độ dốc khá lớn cho các cụm dân phía hạ lưu.
Từ sự việc cụ thể ở đường Núi Thành ngày 25/9, đã có thể nhìn thấy mùa mưa bão tới đây sẽ là thử thách không nhỏ đối với công tác phòng chống lụt bão, chống ngập đô thị ở Đà Nẵng. Nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp ứng phó từ nay về sau không thể cứng nhắc theo các vùng trọng điểm lũ lụt như mọi năm mà cần thiết phải có sự điều chỉnh để phù hợp với những biến đổi trên mặt bằng địa lý tự nhiên khắp thành phố. Thiết nghĩ đây là một ý kiến hay, cần được các cơ quan hữu quan của TP. Đà Nẵng quan tâm trước mùa lũ lụt!
-
Thanh Hải