Hôm nay 31/1, UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo đầu tiên liên quan đến tình hình dịch cúm gà trên địa bàn. Tuy vậy, vẫn chưa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gà, vịt, cút bị chết vừa qua; còn người dân thì vẫn lén lút đưa gia cầm từ vùng dịch vào nội thành!
Sáng nay 31/1, UBND TP Đà Nẵng đã thông báo kết luận của phó chủ tịch Trần Phước Chính tại cuộc họp triển khai biện pháp đối phó khẩn cấp với dịch cúm gà diễn ra vào cuối buổi chiều hôm qua.
Thông báo đầu tiên này của Đà Nẵng về dịch cúm gà đã yêu cầu Sở Thuỷ sản – Nông lâm chỉ đạo Chi cục Thú y khẩn trương tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm trên các gia cầm đang có triệu chứng bệnh (bao gồm gà, vịt, chim cút) gửi đi TP.HCM bằng con đường nhanh nhất để "sớm có kết luận chính xác, chậm nhất ngày 1/2/2004 phải có kết quả". Tuy vậy, theo điều tra của chúng tôi, mãi cho đến trưa 31/1, các mẫu bệnh phẩm được lấy từ hôm 29/1 mới lên đường vào TP.HCM để xét nghiệm. Lý do được đưa ra: việc gửi các mẫu bệnh phẩm bằng đường hàng không là rất khó khăn, thủ tục rất phức tạp vì sợ bị lây nhiễm cho hành khách.
Thông báo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ nuôi thực hiện triệt để việc tiêu độc, sát trùng và tiêu huỷ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh trong vùng lân cận có bán kính 500m chung quanh khu vực (nghi) có dịch ngay trong ngày 31/1. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo rộng rãi cho toàn dân cách nhận biết triệu chứng của dịch cúm gà, cách phòng chống và biện pháp xử lý.
UBND TP sẽ trích ngân sách hỗ trợ 10.000đ/con gà, vịt bị tiêu huỷ. Chi Cục Thú y và Trung tâm Y tế dự phòng có trách nhiệm thông báo cho các chủ nuôi biết và yêu cầu họ nghiêm túc thực hiện, không để trì hoãn hoặc tẩu tán gia cầm. Các trạm kiểm dịch gia cầm và các chốt kiểm dịch lưu động phải kiên quyết ngăn chặn, không cho vào, ra khỏi TP tất cả các loại phương tiện giao thông có vận chuyển gia cầm. Nếu cá nhân, tổ chức, đơn vị nào không chấp hành phải tiến hành xử lý và tiêu huỷ tại chỗ số gia cầm bị chặn giữ. Kinh phí tiêu do chủ vận chuyển chịu.
Trong khi đó, tình hình liên quan đến dịch cúm gà trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục có những tín hiệu xấu: tiếp theo vụ chim cút chết hàng loạt ở phường Bắc Mỹ An lại đến lượt gà, vịt chết ở phường Hoà Hải (cùng quận Ngũ Hành Sơn).
Ông Trần Văn Huy, giám đốc Sở Thuỷ sản – Nông lâm, cho biết đã có trên 30 con gà, vịt của hai hộ dân trú tại tổ 46, phường Hoà Hải bị chết. Tuy nhiên, qua phản ảnh của người dân thì từ Tết Nguyên đán đến nay, ở phường này đã có gần 1.500 con gà, cùng khoảng 250 con vịt ở phường Hoà Quý bị "chết rải rác, không rõ nguyên nhân" và đều được xử lý bằng cách... vứt xuống sông hoặc đổ chung với rác sinh hoạt.
![]() |
Do chậm xác định nguyên nhân gây chết hàng loạt nên gà, vịt vẫn được bày bán trong mối nghi vấn của mọi người. |
Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cũng đã đến phun hoá chất khử trùng, tiêu độc ở các khu vực này. Tại bãi rác Khánh Sơn, bãi rác lớn nhất TP này, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã cấp 70kg Cloramin B để phun sát trùng cho các xe rác tập kết về đây, cùng 400 khẩu trang đặc chủng (loại phòng chống dịch SARS do Bộ Y tế cấp) do những người làm nhiệm vụ phân loại rác và lao động thô sơ kiếm sống ở đây.
Đáng ngại nhất là tình trạng người dân sống ở các vùng lân cận Đà Nẵng vẫn lén lút vận chuyển gà, vịt từ tỉnh Quảng Nam (đã chính thức công bố có dịch cúm gà) vào nội thành Đà Nẵng. Sáng 31/1, ông Nguyễn Minh Bê, một người chăn nuôi gà ở xã Điện Hoà (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) tự chở gần cả ngàn quả trứng vào Đà Nẵng tiêu thụ và bị chặn lại ở Trạm Kiểm dịch Hoà Phước (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng). Do không có giấy chứng nhận kiểm dịch của ngành chức năng địa phương, ông bị buộc phải chở trứng quay trở về. Ông Bê cho biết: "Tui không có giấy tờ gì hết vì ở địa phương có nói gì đâu. Cũng chưa ai đến kiểm tra trại gà của tui cả. Tui chỉ nghe trên đài, báo nói có cúm gà nhưng ở vùng ni thì chưa thấy chi nên tui cứ chở trứng đi!”. Trước đó, chiều 30/1, ông Lê Văn Tám ở thôn 8, xã Đại Hoà (Đại Lộc, Quảng Nam) cũng chở hàng chục con gà bệnh vào Đà Nẵng nhưng bị lực lượng phòng dịch phát hiện, ngăn chặn tại tỉnh lộ ĐT 605 (thôn An Tây, Hoà Châu, Hoà Vang). Ông Lê Văn Tám cũng hoàn toàn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, và cũng cho biết chưa nghe chính quyền địa phương nói gì cả.
Rõ ràng là bên cạnh sự chậm trễ trong việc kiểm tra xác định nguyên nhân của những trường hợp gà, vịt, chim bị chết hàng loạt thì việc thông tin, hướng dẫn cho người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn cũng chưa được các ngành chức năng trong vùng tiến hành kịp thời!
- Thanh Hải