|
Kiểm lâm Đà Nẵng phá dỡ lán trại của bọn đào đãi vàng trái phép. |
Với gần 62.000ha, diện tích rừng ở Đà Nẵng chỉ chiếm chưa tới 5% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố. Trước nạn xâm hại tài nguyên rừng ngày càng nghiêm trọng, Đà Nẵng đã quyết định mở đợt tổng tấn công ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng, không chỉ ở ngay các vùng rừng mà còn trên từng con đường, trong từng quán ăn!
Rừng vẫn bị hại mỗi ngày
|
Kiểm lâm Đà Nẵng trên đường tuần tra bảo vệ rừng. |
Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng Nguyễn Văn Kháng cho hay, trong 20 ngày đầu tháng 9, các Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng đã mở 4 đợt kiểm tra, truy quét trong lâm phận. Qua đó, đã bắt giữ giao địa phương xử lý 1 đối tượng đốt than trái phép, triệt phá 4 lán trại và thu giữ nhiều dụng cụ thủ công. Đội Kiểm lâm cơ động và Hạt Kiểm lâm Hoà Vang phối hợp với các lực lượng địa phương liên tục kiểm tra, truy quét ở vùng rừng giáp ranh xã Hoà Phú (Hoà Vang) và xã Ba (huyện Hiên, Quảng Nam). Riêng tại tiểu khu 29 đã phát hiện và phá huỷ 2 điểm đào đãi vàng, thu giữ dụng cụ và đưa ra khỏi rừng 8 người đào đãi vàng trái phép. Qua kiểm soát lâm sản, các đơn vị chức năng còn lập biên bản 16 vụ vận chuyển lâm sản và 2 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép; tạm giữ 16,1m3
|
Kiểm lâm Đà nẵng tịch thu gỗ khai thác trái phép chờ xử lý. |
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2003, tại các vùng rừng ở Đà Nẵng đã xảy ra 14 vụ cháy rừng trên tổng diện tích 58,8ha do dân xử lý thực bì gây nên; làm thiệt hại 20,2ha rừng trồng. Với 60 đợt kiểm tra truy quét tại rừng, cơ quan chức năng đã bắt giữ giao về địa phương 11 đối tượng tác động trái phép vào rừng, triệt phá 41 lán trại và đưa ra khỏi rừng 58 người dân khai thác gỗ, đãi vàng và săn bắt trái phép; xử lý 144 vụ vi phạm lâm luật (4 vụ vận chuyển động vật hoang dã và 140 vụ khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép); phạt tiền 129 triệu đồng, tịch thu 158m3 gỗ tròn, 7,5kg giác trầm hương, 1 ô tô, 5 xe máy, 2 trâu kéo gỗ, 270 dây bẫy thú rừng, 322kg và 1.419 con động vật hoang dã (gồm cu ngói, vẹt, rắn, rùa, tê tê, chồn hương và đã thả vào rừng); thu nộp ngân sách 145 triệu đồng; lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự 1 vụ gây cháy rừng đặc dụng Nam Hải Vân...
Chủ tịch quận, huyện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm
Trước tình hình trên, Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị 11 (3/9/2003) về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng. Đây được xem là một trong những chỉ thị quyết liệt, triệt để nhất đã được ban hành từ trước đến nay để bảo vệ rừng Đà Nẵng. Ngay điều đầu tiên, Chỉ thị 11 đã nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn mình quản lý; phải bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc tình trạng lâm tặc phá rừng. Chỉ đạo, tổ chức lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm trên địa bàn kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; triệt phá các băng nhóm chuyên chặt phá rừng, khai thác trái phép gỗ, khoáng sản, đất, đá trong rừng, săn bắt động vật hoang dã; vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Trong năm 2003, phải kiên quyết ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng trên tại các khu rừng thuộc địa phận huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà”.
Chỉ thị 11 cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp cùng các Sở, ngành như Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Tài nguyên – Môi trường tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ rừng đến hộ gia đình, đảm bảo có chủ cụ thể, góp phần phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân vùng rừng. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng ngoài địa phương đến thuê mướn lao động tại chỗ tổ chức phá rừng lấy đất, khai thác, vận chuyển lâm sản, bắt bẫy động vật hoang dã và đào đãi vàng trái phép. Tịch thu tất cả các loại phương tiện, vũ khí, công cụ săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của các cửa hàng kinh doanh, chế biến gỗ trái phép và cửa hàng ăn uống đặc sản chế biến từ thịt các loại động vật hang dã... Chỉ thị 11 cũng giao Sở Thuỷ sản – Nông lâm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trình UBND thành phố phê duyệt theo hướng “đóng cửa toàn bộ diện tích rừng tự nhiên; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu rừng trồng ổn định; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ môi trường và phát triển du lịch sinh thái; mở rộng lâm phận các khu rừng đặc dụng, đảm bảo quản lý rừng liền vùng liền khoảnh, phát huy được tiềm năng và các lợi thế các khu rừng...”.
Tổng tấn công truy quét
Đặc biệt, Chỉ thị 11 đã giao trách nhiệm cụ thể cho ngành Kiểm lâm và các sở, ngành, lực lượng liên quan triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng và buôn lậu lâm sản trên địa bàn bắt đầu từ giữa tháng 9 đến cuối năm 2003. Theo đó, các đơn vị chức năng sẽ đồng loạt mở đợt cao điểm tổ chức tấn công, truy quét đến tận hiện trường rừng, triển khai chốt chặn các trạm cửa rừng, các tuyến đường thuỷ và đường bộ xung yếu; kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, các nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu, đại lý buôn bán gỗ và động vật hoang dã, quý hiếm; rà soát, thống kê tình hình quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp (đất rừng); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Anh Nguyễn Minh Tiến, Kiểm lâm viên chính thuộc Phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng) cho hay: Từ ngày 16/9 vừa qua, cơ quan này đã triển khai 4 tổ công tác phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đến tất cả các nhà hàng ăn uống, cửa hiệu có trưng bày mẫu động vật hoang dã... để tuyên truyền về Chỉ thị 11. Hơn 200 bản cam kết đã được chuyển đến tận tay để chủ các cơ sở này ký “cam kết 5 không” (không mua bán trái phép động vật hoang dã còn sống hay đã chết để làm hàng kinh doanh hoặc tiêu dùng; không tổ chức săn bắt, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã; không kinh doanh những món ăn đặc sản chế biến từ thịt động vật hoang dã; không trưng bày, quảng cáo tên gọi, hình ảnh, cơ thể sống các loài động vật hoang dã vì mục đích thương mại; không sản xuất các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Anh Tiến cho rằng: “Việc tuyên truyền ngay từ khách hàng để họ không phát sinh “nhu cầu” về thịt rừng sẽ góp phần hạn chế việc kinh doanh mặt hàng này của các quán và qua đó cũng sẽ góp phần ngăn chặn nạn săn bắn động vật hoang dã!”. Ngày 23/9, đến lượt các tổ công tác khác đến các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn để phổ biến Chỉ thị 11. Dự kiến có gần 300 cơ sở, doanh nghiệp được phát bản cam kết để ký cam kết “tuyệt đối không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, cưa xẻ, chế biến gỗ và lâm sản khác không hợp pháp”.
“Sau khi các đối tượng có liên quan đều đã được tuyên truyền và ký cam kết, việc mở đợt cao điểm tổng tấn công, truy quét sẽ được triển khai. Khi ấy, bất cứ đối tượng nào bị phát hiện vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử lý thích đáng, không chỉ xử phạt hành chính mà tuỳ mức độ có thể sẽ bị xử lý bằng hình sự!” – anh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh. Hy vọng từ đợt “tổng tấn công” này, vùng rừng Đà Nẵng sẽ có những ngày bình yên thật sự!
-
Thanh Hải