Theo Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BNV-BTC, sẽ chuyển xếp lương mới căn cứ hệ số lương, ngạch, chức danh cũ. Phụ cấp thâm niên vượt khung được tính tuỳ số năm vi phạm kỷ luật.
![]() |
Rút tiền lương qua máy ATM. |
Đối tượng được áp dụng tại Thông tư liên bộ 01 là cán bộ công chức trong biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn; công chức giữ chức danh lãnh đạo, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và nhân viên thừa hành, phục vụ trong biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước; cán bộ, công chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Theo thông tư này, các chức danh lãnh đạo thuộc diện xếp lương mới theo bảng lương chức vụ (gồm bộ trưởng và tương đương trở lên, cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn). Việc chuyển lương tiến hành theo nguyên tắc: hiện đang xếp lương theo chức danh lãnh đạo nào thì chuyển xếp lương mới theo chức danh lãnh đạo đó và thôi hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ (phụ cấp tái cử, nếu có).
Những chức danh lãnh đạo quy định 2 bậc lương, nếu chưa hưởng phụ cấp tái cử thì chuyển sang lương mới vào bậc 1 của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm. Nếu đang hưởng phụ cấp tái cử (5% trở lên) thì chuyển sang lương mới vào bậc 2 của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm và thôi hưởng phụ cấp tái cử.
Đối với các chức danh do bầu cử
Thông tư 01 cũng nêu rõ, đối với các chức danh này: Trong thời gian giữ hệ số lương cũ nếu có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật, bị kéo dài thêm 1 năm (đủ 12 tháng) thời gian tính xếp lên bậc lương cao hơn hoặc thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đối với cán bộ công chức (kể cả công chức cấp xã), viên chức chuyên môn, nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương trở xuống, nhân viên thừa hành, phục vụ (không giữ chức danh lãnh đạo), xếp lương theo nguyên tắc: Đang xếp ở ngạch nào hoặc chức danh chuyên môn nghiệp vụ nào thuộc ngành tòa án, kiểm sát thì căn cứ vào hệ số lương cũ để chuyển xếp sang hệ số lương mới theo ngạch hoặc chức danh đó. Nếu đã chuyển xếp vào bậc lương mới cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh thì tùy thuộc vào thời gian đã giữ bậc lương cũ để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. Trong thời gian giữ bậc lương cũ, nếu có một năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật (một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức) thì cứ mỗi năm không hoàn thành hoặc bị kỷ luật, bị kéo dài thêm 1 năm thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.
Việc xếp lương mới cũng không được kết hợp với nâng ngạch công chức, viên chức. Người đã được xếp lương cũ không đúng ngạch hoặc chức danh theo yêu cầu của công việc hiện đảm nhiệm (trừ trường hợp đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bảo lưu ngạch hoặc chức danh khi thay đổi công việc) thì phải chuyển xếp lại theo đúng ngạch hoặc chức danh đối với công việc đó.
Cơ quan "dư" biên chế "lo" lương mới thế nào?
Cũng liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 02/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) đối với CBCC, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, biên chế cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã tăng thêm trong năm so với biên chế tại thời điểm báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện CCTL nếu trong phạm vi tổng mức biên chế được giao hoặc phê duyệt thì nhu cầu này được tính vào nhu cầu kinh phí CCTL của kỳ sau. Số biên chế vượt so với tổng biên chế thì nhu cầu kinh phí thực hiện CCTL của số này do cơ quan, đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn theo quy định của pháp luật; Không được tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện CCTL của các Bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố. Tiền lương tăng thêm đối với số lao động không thuộc diện được giao chỉ tiêu biên chế và tiền lương đã được tính trong đơn giá sản phẩm theo quy định của các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp giao thông, địa chính, địa chất...
Thông tư 02 cũng nêu rõ, tiền lương tăng thêm đối với biên chế, lao động của hệ thống công đoàn các cấp thì được chi trả từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn; không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện CCTL của các Bộ, cơ quan TƯ và các tỉnh, thành phố.
Tại thông tư 02, Bộ Tài chính nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện CCTL gồm: Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp có thu và các cơ quan hành chính có thu. Riêng các đơn vị thuộc ngành y tế, tỷ lệ này là 35%. Sử dụng nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên (gồm cả các cơ quan đã thực hiện khoán biên chế và đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu). Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương theo dự toán do Thủ tướng giao của năm kế hoạch so với dự toán Thủ tướng giao năm trước và 50% số thực hiện tăng thu của ngân sách địa phương so với dự toán Thủ tướng giao (không gồm nguồn thu được cân đối đầu tư hạ tầng)...
-
L.Hà