Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Doanh nghiệp Asia Society khá sôi động với những lời phát biểu đầy thuyết phục của lãnh đạo hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gây ra sự ngạc nhiên thú vị cho các đại biểu bằng một ý tưởng độc đáo: ''Ở đây, bạn không nhất thiết phải nói tiếng Việt, chúng tôi có một nền văn hóa đa ngôn ngữ. Bạn không phải ngày nào cũng ăn món ăn Việt, bởi những nhà hàng bán món ăn của nhiều quốc gia có ở khắp nơi''.
Theo ông Nhân, với vị trí độc đáo và nền văn hóa đa dạng của mình, TP.HCM không những có thể cung cấp cho doanh nhân nước ngoài nhiều cơ hội làm ăn có một không hai, mà còn giúp họ giảm thiểu chi phí thâm nhập thị trường. TP.HCM có cả bến cảng và sân bay lớn nhất nước, luôn sẵn sàng đón hàng và đón khách bất cứ lúc nào. ''Chúng tôi còn có một thị trường đang tăng trưởng rất nhanh, có nhu cầu lớn cả về hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất'', Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ''tiếp thị'' như vậy. Với 6 triệu dân (ước tính sẽ lên đến 10 triệu), TP.HCM hiện đóng góp 18% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu và 30% sản lượng công nghiệp Việt Nam.
Phó Chủ tịch Nhân còn ''marketing'' một ''mặt hàng'' khác mà theo ông không kém phần hấp dẫn: ''Ở thành phố của chúng tôi, các nhà đầu tư có thể thuê được những nhân công thông minh, đầy năng lực và sức trẻ, luôn sẵn sàng học hỏi và tiền lương lại thấp hơn các nước láng giềng''. Phó Chủ tịch còn giới thiệu cả chương trình đào tạo khá tham vọng của thành phố: cử 300 người đi học bằng tiến sĩ và thạc sĩ ở nước ngoài, coi đó là nguồn chất xám quý của thành phố trong tương lai.
Cũng như Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ông Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mang đến hội nghị những hình ảnh đầy sức thuyết phục của thủ đô: ''Thành phố này được bạn bè quốc tế ghi nhận là nơi an toàn nhất ở Đông Nam Á và cả thế giới, với một nền kinh tế, chính trị và xã hội ổn định''. Không những thế, Hà Nội còn là một thị trường đầy tiềm năng bởi ''thu nhập bình quân đầu người hiện gấp 3,2 lần thời điểm năm 1990''.
Được hỏi về chính sách thu hút đầu tư, Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên khẳng định: ''Chúng tôi đang tạo ra một môi trường đầu tư, trong đó nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, miễn là tôn trọng luật pháp Việt Nam''. Chủ tịch cũng cho biết, trong kế hoạch phát triển của mình giai đoạn 2005-2010, Hà Nội dự kiến mở rộng diện tích đô thị lên đến 1,8 lần so với hiện nay, dân cư đô thị tăng lên 1,3 lần, thu nhập trung bình tăng 2,8 lần, nhu cầu nhà ở 4,5 lần.
Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm đến vấn đề thuê đất ở hai thành phố lớn. Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân giải thích, quyền sử dụng đất được quy định bởi Luật Đất đai và các văn bản pháp lý của Chính phủ, thành phố không được phép thay đổi. ''Như các bạn đã biết, số dân ở đây rất lớn, nên ngoài phí sử dụng đất, doanh nghiệp còn phải trả phí đền bù đất ở cho người dân nữa. Đó là lý do khách quan, chúng tôi không thể khắc phục để hạ giá xuống được'', ông Nhân nói. Về vấn đề thủ tục đầu tư, ông Nhân khẳng định, thành phố đã đơn giản hoá rất nhiều để tiết kiệm thời gian cho các doanh nhân. Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên cho biết, thậm chí có nhà đầu tư chỉ phải chờ ba ngày để có giấy phép.
Phát biểu tại hội nghị, ông James B.Hunt, cựu Thống đốc bang Bắc Carolina (Mỹ) cho rằng: ''Để Hà Nội và TP.HCM trở thành trung tâm đầu tư của khu vực, các bạn phải làm rõ lợi thế so sánh của mình, phải cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng nổi bật của mình so với những nơi khác. Đó là một trong những bí quyết thành công''.
-
Trịnh Hằng