![]() |
Từ trái sang: tài xế Lập và vợ chồng chủ xe Tằm Tòng. |
Sáng qua (30/7), TAND tỉnh Bình Thuận kết thúc phiên xử vụ giết người ở quán cơm Thu Thanh và tuyên án tù chung thân với chủ quán Nguyễn Trung Dũng. Tuy nhiên, dư luận vẫn bức xúc vì chủ xe, tài xế xe khách lại vô can trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà nạn nhân là hành khách này.
Ngay phần thủ tục bắt đầu phiên toà, chủ toạ phải tạm nghỉ vài phút để hội ý về việc gia đình người bị hại Nguyễn Văn Hương vắng mặt. Gia đình ông Hương cương quyết không tới toà vì cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với vợ chồng chủ xe Nguyễn Thị Tằm, Trần Văn Tòng và lái xe Trần Minh Lập.
Nhà xe có tội không?
Phần tranh luận tại toà hôm qua giữa đại diện VKS, các luật sư quanh việc nhà xe (gồm chủ xe, tài xế và phụ xe) có hoàn toàn vô can trong vụ giết người này. Có tới 3 lần đại diện VKS và các luật sư đối đáp, tranh luận qua lại nhưng chưa ngã ngũ.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, cơ quan điều tra không khởi tố tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng với chủ xe, lái xe do ''Khi xảy ra sự việc đánh ông Hương cơ quan điều tra không xác định được cụ thể 5 người nhà xe, ai có mặt trong quán và thấy rõ sự việc. Mặt khác, ngay sau khi xảy ra vụ án, bị can Nguyễn Trung Thảo đưa ông Hương đi cấp cứu''.
Tại toà, chủ xe và lái xe khai khi xảy ra sự việc, họ đang đi vệ sinh, tắm rửa. Lúc trở ra, mới nghe hành khách kể lại.
Tuy nhiên, luật sư Trần Văn Tạo (người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Hương) đã trích dẫn một số lời khai của nhân chứng trong các bút lục cho thấy lái xe và chủ xe có chứng kiến việc ông Hương bị ngất và chính chủ xe Nguyễn Thị Tằm cũng thừa nhận tại toà rằng ''khi ông Hương ngất xỉu, tôi có kêu mọi người đưa ông Hương đi cấp cứu''. Luật sư Tạo nhấn mạnh: ''Vì tính toán thiệt hơn, đặt quyền lợi của mình cao hơn sinh mạng người khác, sợ khách đi xe khác nên chủ xe không cứu giúp nạn nhân''.
Luật sư Nguyễn Ngọc Ký (Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận) mặc dù bào chữa cho hai bị cáo phạm tội (Phạm Viết Cường và Nguyễn Trung Thảo) nhưng cũng bức xúc phát biểu: ''Sự gắn kết giữa chủ quán và nhà xe dù không thoả thuận công khai nhưng họ ngầm hiểu với nhau. Chủ quán bán hàng cho khách cao hơn bình thường để bù lại phần hụt đã ưu đãi cho nhà xe. Như vậy, hai bên chủ quán và nhà xe đều có lợi về mặt kinh tế, chỉ có hành khách thiệt, mất tự do mà dư luận gọi là ''cơm tù''. Khi ông Hương bị đánh đến chết thì nhà xe tỏ ra rất bàng quan, như ông là một người nào đấy chứ không phải hành khách của họ. Thế thì tại sao họ có thể vô can?''.
Ngoài án chung thân cho chủ quán, hôm qua toà tuyên Nguyễn Trung Thảo, cháu ruột Dũng 12 năm tù; 3 nhân viên giúp việc là Phạm Viết Cường, Lê Văn Đoan và Nguyễn Xuân Lành lần lượt mức án 19 năm, 18 năm và 13 năm tù về cùng tội Giết người.
Về phần bồi thường dân sự, do bà Nguyễn Thị Dị (vợ nạn nhân) và những người được uỷ quyền từ chối dự phiên toà không có lý do chính đáng, sẽ xử bồi thường trong một phiên toà dân sự sau. Toà tuyên huỷ bỏ kê biên tài sản của vợ chồng Nguyễn Trung Dũng, giao cho chủ sở hữu.
Trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan tố tụng về việc không truy cứu trách nhiệm lái xe và chủ xe 69K-4107, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, Chủ toạ phiên toà cho biết: ''Theo tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng dã làm hết trách nhiệm của mình. Sẽ báo cáo Chánh án TAND tỉnh, đồng thời đề xuất họp 3 ngành nội chính để xem xét yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ hành vi không cứu giúp của chủ xe và lái xe''.
(Theo Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ)
Chủ quán ''cơm tù'' ở Bình Thuận bị đề nghị án chung thân
Phiên tòa xử vụ ''cơm tù'': Toàn bộ đại diện người bị hại vắng mặt