Cải cách hành chính (CCHC), cải cách thể chế một cách đột phá được coi là yếu tố sẽ tác động mạnh mẽ nhất để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2005. Bên hành lang QH, báo giới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Ông nói:
Bác Hồ nói: công chức là công bộc của dân. Anh thực thi công vụ chính là làm việc cho dân, dân giao cho chứ không phải tự nhiên sinh ra anh có cái quyền đó. Nhiều công chức không nhận thức đầy đủ được điều ấy. Trong quá trình CCHC, chúng ta sẽ làm rõ nhận thức này.
* Muốn cải thiện được quan hệ giữa người dân với chính quyền thì trước mắt phải cải cách thể chế. Tức phải quy định làm sao để công chức có trách nhiệm hơn với dân. Theo ông, nội dung cải cách thể chế lần này hướng tới là gì?
- Đó là quy định thủ tục hợp lý, ít tầng nấc, giảm bớt thủ tục đi. Đấy là loại thể chế lớn nhất, bắt đầu từ luật pháp: luật, pháp lệnh, nghị định… Thứ hai là thủ tục: phải công khai, minh bạch. Thứ ba là cách tổ chức mà ta thường gọi là “một cửa”. Ví dụ người ta muốn xin giấy phép kinh doanh thì chỉ cần đến Sở Kế hoạch-Đầu tư. Và thứ tư, điều cũng quan trọng là thái độ của công chức khi hành xử. Nói như Thủ tướng, đó là văn hoá công sở, văn hoá công chức. Chung quy lại vẫn là chuyện con người, phải luôn luôn giáo dục, rèn luyện. Và phát huy cho được sự giám sát của người dân thông qua nhiều hình thức để nắm được thông tin về sự hành xử của từng công chức cụ thể.
* Trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu công khai số điện thoại của cán bộ công chức khi giải quyết sự vụ. Theo ông, nên công khai số điện thoại của công chức ở cấp nào?
- Trước nhất là công chức nào tiếp nhận hồ sơ ở chỗ “một cửa” phải được công khai. Thông qua internet, nhiều nơi đã công khai. Như ở Bộ Nội vụ thì đã công khai các thủ tục qua mạng. Ở Hải quan chúng tôi mới làm việc và họ cũng đang hướng tới làm “tờ khai điện tử”. Doanh nghiệp rất đồng tình. Tóm lại có rất nhiều cách. Nơi nào, lĩnh vực nào mà dùng được máy móc tự động làm được thì cố gắng đưa vào. Càng bớt giao dịch trực tiếp càng tốt.
* Theo ông, có nên công khai số điện thoại của Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND các cấp để khi có vướng mắc, dân có thể trực tiếp kêu?
- Tôi thấy hình như các số này đều đã được công khai hoặc dân đều biết đấy. Số điện thoại của tôi người dân họ cũng biết đây.
* Hiện nay, hệ thống quy định của ta còn rất thiếu các loại quy định như công chức thực hiện nhiệm vụ này mất bao nhiêu ngày, nếu gây chậm trễ phải chịu trách nhiệm và bị chế tài. Vì thế nhiều người không làm cũng chẳng sao. Hoặc giải quyết việc chậm là phổ biến. Điều đó gây rất nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Ông có ý kiến gì về thực tế này?
- Chúng ta đang hướng tới chỗ:luật càng cụ thể càng tốt. Tiến tới chỗ luật ban hành ra là áp dụng được ngay, không thông qua các văn bản hướng dẫn nữa. Đó là cái hướng tới. Còn trên thực tế thì chưa, cứ phải có văn bản hướng dẫn. Đó cũng là cái hạn chế của nền hành chính ta trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Cho nên thực tế trên là có. Một phần trong đó là tình trạng thể hiện trách nhiệm chưa đầy đủ. Chúng ta sẽ cố gắng loại trừ bớt đi.
Việc gây ra chậm trễ cho dân, cho doanh nghiệp là vô cùng nghiêm trọng. Hồi làm cầu Mỹ Thuận, tôi hỏi anh chủ đầu tư “có lời không”, anh ấy trần tình: với giá này thì chúng tôi làm nhưng chẳng có lời gì đâu. Thế thì làm để làm gì ? Anh ấy bảo: chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian thi công. Họ tìm cái lời trong đó. Còn chúng ta hiện nay nhiều cái còn nhiêu khê lắm. một số cái chúng ta quy định đấu thầu nhưng thủ tục phức tạp quá, quay qua quay lại đã mất một, hai năm. Loay hoay trong khi dự án người ta đã có mới lạ chứ…
* Điều đó chứng tỏ chúng ta đang trói chính chúng ta?
- Trói bằng cơ chế. Cho nên một trong bốn nội dung CCHC là cải cách thể chế. Còn nguyên nhân dẫn đến việc trên cũng còn nhiều thứ liên quan: vấn đề cán bộ, trách nhiệm, nhận thức…
* Một số lãnh đạo sợ trách nhiệm nên bày ra nhiều khâu để cùng chịu trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm sang cơ quan khác. Có việc đó không? thưa Bộ trưởng.
- Có đấy. Có sợ trách nhiệm và có cả tiêu cực trong việc đó.
* Chính điều đó làm cản ngại quá trình cải cách thể chế, quá trình phát triển?
- Nó làm ảnh hưởng đến tiến độ quy trình, tới sự phát triển của đất nước.
* Ai cũng thấy là nó cản ngại sự phát triển nhưng sao không thay đổi được ? Có trở lực nào ngăn cản không ?
- Thực ra đã cải thiện được cũng nhiều rồi đấy. QH cũng đã tham gia “gỡ” được rất nhiều, khi thấy cái này cái kia không phù hợp. Mấy năm gần đây đời sống khá lên, tăng trưởng cao là cũng nhờ được cải thiện khá nhiều về thể chế đấy. Nhưng theo tôi là chúng ta hoàn toàn có thể làm hay hơn.
* Thưa bộ trưởng, làm thế nào để buộc trách nhiệm cá nhân của từng công chức vào vị trí công việc của họ ?
- Nói như tinh thần CCHC là làm rõ chức năng nhiệm vụ của tổ chức và của từng công chức trên cương vị của họ. Phải quy định trong nghị định, trong quy chế của cơ quan. Và phân cấp để định rõ trách nhiệm.
* Nhưng làm sao quy định thái độ của công chức khi họ tiếp xúc với dân được, thưa Bộ trưởng ?
- Cho nên CCHC phải đồng bộ, từ thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức và cả giám sát kiểm tra của người dân.
* Bộ trưởng có nói đến việc phân cấp. Hiện nay cơ quan hành chính nào cũng than ít người, nhiều việc. Vậy sẽ phân cấp như thế nào đây khi công việc của họ quá nhiều ?
- Vấn đề là tổ chức lại công việc. Chẳng hạn cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ lo việc quản lý nhà nước, trả lại nhiệm vụ quản lý sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ rõ việc hơn, không ôm đồm. Mặc khác, cần tăng cường tự chủ của các hoạt động dịch vụ công như phát biểu của Thủ tướng. Khi tự chủ, người ta sẽ chủ động hơn trong công việc và tự chịu trách nhiệm. vậy phía trên sẽ ít can thiệp, ít việc đi.
* Cám ơn Bộ trưởng
ĐẶNG ĐẠI