Bệnh viện Việt - Pháp phải bồi thường cho gia đình sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh 64.177.680 đồng bao gồm chi phí trong thời gian mang thai, sau mổ, tiền đi lại khám thai, tiền lương trong thời gian vợ chồng chị phải nghỉ việc, tiền bồi thường về tinh thần... Đó là tuyên bố của TAND TP. Hà Nội sáng nay (19/9), trong phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự giữa vợ chồng sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh và BV Việt - Pháp. Trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức bồi thường 60- 80 triệu đồng.
![]() |
Mẫu quảng cáo giới thiệu các dịch vụ của bệnh viện Việt - Pháp, trong đó dịch vụ chăm sóc thai sản trọn gói. (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ cho bài viết) |
Kết thúc phiên toà, anh Nguyễn Trường Sơn, chồng sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, cho biết: ''Chúng tôi không đồng tình với quyết định của toà sơ thẩm. Tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên toà phúc thẩm''. Theo anh Sơn, từ khi quyết định đưa sự việc ra kiện, gia đình anh đã có đề nghị BV Việt - Pháp phải làm rõ trách nhiệm gây ra cái chết của hai thai nhi, công khai xin lỗi gia đình và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về chi phí, sức khoẻ và tinh thần của vợ chồng sản phụ cũng như gia đình sản phụ. Thế nhưng, quyết định của toà sơ thẩm chỉ dừng lại ở mức bồi thường vật chất, không đề cập đến yêu cầu về tinh thần (xin lỗi sản phụ và gia đình).
Về phía BV Việt - Pháp, ông Võ Văn Bản, Phó tổng Giám đốc BV cũng khẳng định" Chúng tôi sẽ tiếp tục nhờ luật sư kiện kháng cáo lên toà phúc thẩm''.
Trước đây, anh Sơn cho biết chị Quỳnh phải 2 năm mới có thể mang thai lại. Tuy nhiên, hiện chị Quỳnh đang có thai 5 tháng, siêu âm là con trai. Phía gia đình nguyên đơn không phủ nhận thông tin này.
Sau khi mất hai con song sinh tại BV Việt - Pháp, bên nguyên đơn yêu cầu được bồi thường 312.000 USD, đồng thời BV phải xin lỗi gia đình vì những việc làm của mình. Phía gia đình nguyên đơn đã bày tỏ thắc mắc của gia đình giữa kết luận của Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) với các chi tiết trong tư liệu của BV này về ca sinh. Đồng thời cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai thai nhi do BV đã thiếu tinh thần trách nhiệm đối với sản phụ.
Sáng ngày 25/4/2002, sản phụ mang song thai ở tháng cuối Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh đến BV Việt - Pháp (cơ sở ký hợp đồng dịch vụ thai sản trọn gói với chị) khám, thông báo tình trạng sốt của mình và đề nghị bác sĩ kiểm tra. BS. Nguyễn Thị Thường sau khi khám bằng tay đã xác định sản phụ không sốt, cho về.
19h cùng ngày, sản phụ Quỳnh nhập viện với kết quả siêu âm một tim thai đã chết (do một cơ sở y tế khác phát hiện). Trong ca mổ tiến hành lúc 22h30, BV Việt - Pháp lấy ra một trẻ còn sống và một thai đã chết. Ngày 30/4/2002 cháu bé sơ sinh tiếp tục qua đời.
Ngày 7/8/2002 gia đình sản phụ đâm đơn kiện BV Việt - Pháp lên TAND TP. Hà Nội vì sự vô trách nhiệm trong theo dõi, điều trị thai sản và đòi bồi thường 312.000USD cho tổn thất về sức khoẻ, vật chất và tinh thần (đặc biệt là tinh thần) mà gia đình phải chịu sau cái chết của các con.
Bệnh viện Việt Pháp thiếu tinh thần trách nhiệm?
Mặc dù sự việc trên đã được Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) kết luận, nguyên nhân cái chết của trẻ sơ sinh (thai nhi thứ hai được phẫu thuật lấy thai) có thể do trẻ bị nhiễm khuẩn huyết trong tử cung vì trong cuống rốn của trẻ được nuôi sau khi phẫu thuật có vi khuẩn kỵ khí Staphylococcus epidermidis mọc sau 10 ngày. Trẻ sơ sinh có chỉ số Apgar tụt dần, chứng tỏ trẻ rất yếu. Hơn nữa, sản phụ bị sốt trước khi sinh nên thai nhi cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết. Còn đối với thai nhi chết trong tử cung, Hội đồng chuyên môn cho rằng chưa thể kết luận chắc chắn nguyên nhân dẫn đến cái chết vì chưa đủ các căn cứ khoa học. Tuy nhiên, căn cứ vào giải phẫu đại thể và vi thể của bánh rau, cuống rau, Hội đồng chuyên môn cho biết trẻ sơ sinh thứ hai bị tử vong do nhiễm khuẩn huyết trong tử cung thì khả năng thai nhi thứ nhất cũng do nhiễm khuẩn huyết trong tử cung.
Tại phiên toà, anh Nguyễn Trường Sơn cho rằng, sở dĩ vợ chồng anh chọn BV Việt - Pháp và sử dụng dịch vụ thai nhi trọn gói vì nghĩ đây là BV tốt nhất. Theo anh hiểu, đã gọi là dịch vụ trọn gói thì vợ anh phải được chăm sóc chu đáo, cẩn thận nhưng trên thực tế, BS bệnh viện đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thăm khám cho bệnh nhân. Khi vợ anh có dấu hiệu sốt, BS. Nguyễn Thị Thường đã không thăm khám bằng kỹ thuật máy móc, không cho cặp nhiệt độ mà thăm khám, đo thân nhiệt bằng tay và kết luận sản phụ không sốt rồi kê đơn thuốc cho sản phụ về là thiếu tinh thần trách nhiệm và cẩu thả.
Giải thích việc này, đại diện BV Việt - Pháp, ông Võ Văn Bản, cho rằng, căn cứ vào thoả thuận tại Hợp đồng dịch vụ đã ký giữa BV và sản phụ, BV đã cung cấp đầy đủ các lần thăm khám định kỳ, tiến hành các xét nghiệm y tế cho sản phụ, đặc biệt sau khi xảy ra sự việc BV đã thực hiện các biện pháp cần thiết để cứu chữa cho con và chăm sóc người mẹ. Ký kết này chỉ liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ thăm khám, BV không đảm bảo khi tham gia vào hợp đồng trong mọi trường hợp quá trình mang thai và sinh nở của chị Quỳnh sẽ đem lại kết quả ''mẹ tròn con vuông''. BS Thường đã tiến hành các biện pháp kiểm tra tim thai bằng máy Dopplex, thiết bị kiểm tra tình hình thai nhi. BS.Thường, cùng vợ chồng sản phụ Quỳnh đã nghe và nhìn rõ tim thai trên màn hình. Để đề phòng trường hợp bị sốt lại, BS. Thường đã kê đơn thuốc và yêu cầu chị Quỳnh quay lại BV nếu sốt lại. Việc BS. Thường không đo thân nhiệt hay giữ sản phụ ở lại bệnh viện không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của hai con sản phụ.
Số tiền đòi bồi thường vượt quá thực chi
Theo yêu cầu của nguyên đơn, BV Việt - Pháp phải bồi thường cho 312.000 USD, trong đó 300.000 USD là tổn thất tinh thần. Theo anh Nguyễn Trường Sơn, gia đình anh đưa ra mức bồi thường đó là do BV Việt - Pháp là bệnh viện lớn, cung cấp dịch vụ chi phí bằng ngoại tệ; BV đã thiếu trách nhiệm trong công việc ảnh hưởng tới tính mạng con người để lại hậu quả cho sản phụ và gia đình về cả vật chất và tinh thần. Bệnh viện phải nhận rõ trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, công khai xin lỗi gia đình sản phụ và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về chi phí, sức khoẻ và tinh thần của vợ chồng sản phụ.
Đại diện của BV Việt - Pháp đã không đồng ý với yêu cầu trên vì cho rằng, theo hợp đồng, sản phụ phải trả 700USD cho dịch vụ thai sản trọn gói, BV đã không đòi nốt 450USD tiền dịch vụ khám bệnh (nguyên đơn đã trả trước 300USD), cũng như chi phí điều trị cho chị Quỳnh sau khi mổ hơn 2.600 USD. Ngoài ra, mức chi phí gia đình sản phụ đưa ra là 850USD/tháng (13.047.500 đồng/tháng) cho việc bồi dưỡng thai sản là không chấp nhận được. Bởi trên thực tế, số tiền này vượt quá mức lương của hai vợ chồng 785USD/tháng. Mức bồi dưỡng cao như vậy không thuộc chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên bị đơn còn cho rằng, đối với chi phí bồi dưỡng chăm sóc sau khi mổ bao gồm thuốc bổ, khám, ăn uống nếu được bồi thường cũng chỉ tính trên cơ sở hoá đơn chứng từ hợp lệ.
-
Lệ Hà