Sau khi TS (20-9) có bài "Cuộc ngã giá, ăn hoa hồng cao trên người bệnh", nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng liên minh giữa các công ty dược, với bác sĩ, với những mắt xích lớn nhỏ... “thổi” giá lên vô tội vạ trên nỗi khổ đau của người bệnh đã và đang là căn bệnh phổ biến và lây lan như bệnh dịch. Phải chăng “bệnh dịch” này không có cách nào để chặn đứng?
TS đã trao đổi với một số người đứng đầu bệnh viện, cơ sở điều trị ở TP.HCM về vấn đề này.
BS Phan Thanh Hải (giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic):
Trên không nghiêm, dưới “tắc loạn”!
 |
BS Phan Thanh Hải -giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic |
+ Thưa bác sĩ, theo thông tin một số công ty (CT) dược và trình dược viên (TDV) thì Trung tâm (TT) Medic là một trong những nơi có nhiều bác sĩ (BS) “thương mại” và đòi hỏi hoa hồng khi kê toa. BS nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ là không có chuyện đó vì chúng tôi có hệ thống giám sát rất kỹ lưỡng. Trong các phòng BS khám chúng tôi đều có gắn camera và trang bị máy vi tính. Họ cho toa trên máy vi tính và chúng tôi có thể thống kê, kiểm soát được việc kê toa. Tôi chỉ cho phép các TDV vào đây quảng cáo thuốc một cách chính thức vào mỗi thứ bảy và không đòi hỏi gì.
Một số CT lớn làm ăn đàng hoàng thì chấp thuận qui định của chúng tôi. Một số không chấp nhận thì tiếp tục mướn các TDV đội lốt bệnh nhân (BN) vô gặp BS khám bệnh, xong rồi quà cáp BS - với tư cách là BN - chúng tôi cũng phát hiện ra và nghiêm cấm điều đó.
+ Nhưng thực tế chúng tôi vẫn thấy các TDV đến đây bất cứ giờ nào đi các khoa phòng để giới thiệu thuốc?
- Đúng là có, nhưng mà họ giả BN vô khám bệnh rồi “tranh thủ” BS. Chứ thực tế ở trung tâm chúng tôi chuyện này giảm rất nhiều rồi. Thậm chí chúng tôi còn đề nghị BS cho phép chúng tôi được ghi âm. Chúng tôi đã quyết liệt như vậy. Tuy nhiên, có thể các BS tuy làm việc ở đây nhưng về kê toa ở phòng mạch nhiều hơn là ở trung tâm.
+ Vì sao bao lâu nay không chấn chỉnh được tình trạng này, thưa BS ?
- Vấn đề là lương tâm người thầy thuốc. Tôi cho rằng đó là “cách ăn” không sạch sẽ. Thực ra cũng một phần do lỗi phía các công ty (CT). Họ dùng chiến lược chung chi để bán được thuốc, để cạnh tranh với nhau, với những hãng thuốc có uy tín. Nếu họ không dùng chiến lược này thì đâu có chuyện gì xảy ra ! Họ phá giá, họ mua chuộc BS, làm đủ thứ chuyện trong đó.
+ Vì sao BV nào cũng có lãnh đạo, Đảng ủy, Đoàn thanh niên, tổ chức công đoàn… nhưng vẫn xảy ra những chuyện như thế ?
- Vì mình đã giao cho BS cái quyền rất lớn đó là quyền được kê toa, khó mà xen vào được. Kiểm soát rất khó. Làm sao mà giám sát được hết. Và cô có dám chắc rằng khoa dược của các BV, giám đốc của các BV không có những chuyện này không? Nếu mà họ không có thì dưới khó mà làm được mấy chuyện đó lắm. Nếu trên mà không nghiêm dưới “tắc loạn” thôi. Đó là bệnh lây truyền dữ lắm, phổ biến lắm nhưng không phải là bệnh nan y.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác để nói ngược trở lại thì rõ ràng tuy là BS nhưng cả đời họ có bao giờ được đi nước ngoài đâu? Họ muốn đi học, muốn tiến bộ thì ai là người giúp? Làm sao họ từ chối được khi các TDV nói rằng: “BS ơi, năm nay có hai chuyến đi Thái Lan dự hội nghị. BS ráng kê thêm cho đủ 1.000 toa”. Bởi thông thường các CT dược chỉ mời giám đốc hoặc phó giám đốc BV; trưởng, phó khoa; mời người có quyền hành, người cho thuốc được nhiều, có lợi nhuận nhiều, mới được đi hội nghị quốc tế lớn.
Các BS nhỏ sẽ so sánh là: “Giáo sư, giám đốc, phó giám đốc đi được vì sao em không được ? Và khi đã đi rồi, thì làm sao từ chối kê toa, làm sao mà dẹp mạnh tay được?”. Có BS bảo tôi: “Anh thấy không “cá lớn” họ ăn lớn kìa, còn em ăn có chút xíu mà anh rầy em hoài tội nghiệp”.
Thử hỏi ông giám đốc sở y tế của một tỉnh tối ngày đi vòng vòng hoài, ông ấy không mở phòng mạch, không có một thu nhập kinh tế gì thì làm sao ông ấy có xe hơi, ở nhà lầu, ăn nhậu suốt ngày được?
+ Như vậy lỗi này là thuộc về cơ quan quản lý vì đã để xảy ra tình trạng phổ biến BS vừa kê toa vừa bán thuốc.
- Đúng. Dược sĩ phải ra dược sĩ, BS ra BS, phải tách rời quyền lợi của dược và y ra khỏi nhau. Chuyện này còn xảy ra mãi thì tội nghiệp bệnh nhân lắm, mà người BS cũng không thoát khỏi chuyện “ăn không sạch sẽ” này. Trước đây tôi có kỷ luật một số BS. Họ có nhiều mánh lới, như coi trên báo chí, biết tên những loại thuốc lạ, mới liền đi mua một số về cất. Nhưng vô đây (nơi làm việc) cho toa.
BN cầm toa chạy muốn chết luôn không có. Lúc này BS mới nói lại địa chỉ này, địa chỉ kia mua. BN đến đây bị “cắt cổ” liền. Một BS tim mạch ở đây đã làm điều đó, chúng tôi đã ngưng ngay công việc làm ở phòng khám của BS này, đưa vô cho ngồi phòng khám siêu âm. Thế là khỏi cho toa gì hết.
+ Theo BS, giải pháp nào là cơ bản để chấn chỉnh tình trạng này?
- Ở các BV để xảy ra tình trạng này là có một phần trách nhiệm của lãnh đạo BV, và có thể họ có dính líu gì đó vào chuyện này nên họ không mạnh tay thôi. Tuy nhiên, tôi thông cảm với giám đốc của các BV công, không có sức nào mà có thể quản lý nổi được.
Ngoài ra, cũng cần phải tạo cho BS có công ăn việc làm đàng hoàng, có thu nhập ổn định. Có chính sách, cơ chế cho họ kiếm sống một cách minh bạch bằng tài năng của họ chứ không phải ”ăn” vào toa thuốc của BN.
BS Đỗ Hoàng Giao (phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định):
Quản lý được giá thuốc sẽ chấm dứt được ngã giá chung chi hoa hồng
 |
BS Đỗ Hoàng Giao - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định |
BS cho thuốc, cho toa ăn hoa hồng chắc là có, nhiều nơi đã nói đến chuyện này rồi. Chúng tôi thường nhắc chung các BS rằng những người nào có làm chuyện ấy thì nên lột áo chiếc áo trắng ra, đừng nên làm BS nữa.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu quản lý được giá thuốc thì sẽ chấm dứt được ngã giá chung chi hoa hồng ở các cơ sở điều trị.
Vì sao chúng ta có công cụ trong tay, có cơ quan về tài chánh vật giá, có cả cục quản lý dược mà mình lại để cho nhập vào với giá như thế ? Chúng tôi cho rằng Bộ Y tế phải có một quy định cái nền của giá thuốc. Tức là mình định giá chứ không phải để cho các CT dược định giá. Hiện nay không có ai định giá cả, các CT muốn bán giá nào thì tuỳ họ vì mình cho họ đăng ký giá thì đương nhiên họ muốn khai giá nào thì khai.
Không thiếu gì những thuốc đủ chất lượng mà giá rẻ. Tất nhiên khi nhập anh phải xuất trình đầy đủ những giấy tờ đăng ký chứng nhận về chất lượng thuốc. Nếu mình quy định được mặt bằng giá như thế thì mình mới khống chế được giá và giá rất sát với giá thực của giá thành sản xuất. Như vậy các CT sẽ không còn đủ tiền đâu để chi hoa hồng và các khoản khác.
Bây giờ, thử hỏi cục quản lý dược căn cứ vào đâu để chấp nhận cho họ bán thuốc A với giá 140.000đ, thuốc B là 100.000đ? Hiện cục chỉ căn cứ vào đăng ký của các CT thôi mà không hề tìm hiểu gì xem giá đó là giá thực hay giá ảo. Không phải vì thương hiệu của CT lớn thì muốn đưa ra giá bao nhiêu cũng được.
Tôi nghĩ khoa học kỹ thuật của các nước cũng đang phát triển nhiều rồi thì chất lượng cũng chỉ một chín một mười, không còn chênh lệch nhiều nữa. Hơn nữa khi anh đã có giấy chứng nhận chất lượng rồi thì giá của anh thế này thì tôi chọn anh. Nếu mình làm được như thế thì giá thuốc mới không như tình trạng hiện này.
Giải pháp in giá thuốc vào bao bì thuốc ở VN theo chúng tôi là chưa hợp lý vì mình còn chấp nhận kinh tế thị trường, mình chưa chủ động được giá cả thị trường. Khi thị trường nước ngoài thay đổi xuống thì CT dược lời, khi thay đổi lên các CT có dám giữ giá đó không ? Chắc chắn là không.
Vì vậy tốt nhất là quy định giá nhập - và cũng là giá bán trên thị trường - nếu bây giờ tôi đi kiểm tra thuốc B nhập vào giá 2.000đ mà anh bán tới 2.500 tối sẽ phạt thu giấy phép kinh doanh . Không có chuyện giá thuốc nhập vào còn qua bao nhiêu tầng lớp trung gian khác dẫn đến chuyện tăng giá thuốc để chung chi hoa hồng.
+ Ai sẽ làm những chuyện này thưa bác sĩ ?
- Cục Quản lý dược không lẽ chỉ ngồi đó cấp phép cho nhập sao? Trước khi cục cấp phép cho nhập thì nên đi tham khảo, dọ giá thị trường để xem giá như thế có hợp lý hay chưa. Ví dụ một nước có thu nhập bình quân đầu người là 7.000USD/ năm họ bán một viên Adalat giá 2 USD; còn VN thu nhập bình quân đầu người chỉ có 500 USD/năm chẳng lẽ cũng chấp nhận giá bán 2USD hay sao? Không thể để thả nổi mãi giá thuốc được.
Muốn làm được điều này phải có sự can thiệp một cách sòng phẳng và nghiêm túc của Cục Quản lý dược, của Bộ Tài chính phải nghiên cứu làm sao để định ra được một giá hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân VN.
LÊ THANH HÀ thực hiện