Hôm qua (21/10), Hội nghị lần thứ bảy (phần hai) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã bế mạc tại Hà Nội. Hội nghị thống nhất quan điểm chỉ đạo đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là hàng hóa đặc biệt.
Thông báo toàn văn hội nghị nêu rõ:
Hội nghị cũng thảo luận và thông qua báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2002 và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
I. Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
Hội nghị xác định rõ những quan điểm lớn trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đặc biệt nhấn mạnh những chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một là, xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc (cả những định hướng chính sách chung và những định hướng chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội).
Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ, đồng thời coi trọng giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng phong cách, tác phong công tác cán bộ, công chức chính quyền "của dân, do dân, vì dân".
Ba là, mở rộng và đa đạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh làm hạt nhân lãnh đạo của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hội nghị đã đánh giá khái quát thành tựu công tác dân tộc trong những năm đổi mới: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được thể hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc từng bước được hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch theo sản xuất hàng hóa. Đời sống của đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; an ninh quốc phòng được giữ vững. Bên cạnh đó, công tác dân tộc trong thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém: Nhìn chung, nền kinh tế ở miền núi và các vùng dân tộc còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ đói nghèo ở nhiều vùng dân tộc và miền núi còn rất cao so với bình quân chung của cả nước. Một số bản sắc tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị mai một. Chất lượng, hiệu quả về giáo dục và đào tạo còn thấp. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc và miền núi còn nhiều mặt yếu kém...
Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Hội nghị tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan là: Nhận thức của các cấp, các ngành và của nhiều cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc, chính sách dân tộc chưa đầy đủ thiếu thống nhất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa chủ động khơi dậy và phát huy nguồn lực của địa phương. Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các vùng dân tộc và miền núi còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Cán bộ trong hệ thống Đảng và chính quyền các cấp ở nhiều nơi còn quan liêu, xa dân, chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Hội nghị đã khẳng định những quan điểm cơ bản về công tác dân tộc; xác định mục tiêu cụ thể công tác dân tộc đến năm 2010. Hội nghị đã chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách về công tác dân tộc:
Một là, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những năm trước mắt tập trung giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ, tư liệu sản xuất, dịch vụ sinh hoạt tối thiểu; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Hai là, tiếp tục thực hiện các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền, hướng về cơ sở; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc .
Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX.
Bốn là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không để xảy ra những "điểm nóng" về an ninhtrật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thưc công tác dân tộc cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội nghị xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu: nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức và cán bộ; nhóm giải pháp về vận động quần chúng.
III. Về công tác tôn giáo
Hội nghị khẳng định: Thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước công tác vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc... hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đạt nhiều tiến bộ và ngày càng có kết quả. Các tôn giáo đã xây dựng phương hướng hành đạo theo pháp luật. Các ngành và địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, Nhìn chung, các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phát biểu kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo, góp phần vào công cuôc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định: Việc khiếu kiện và tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất tôn giáo ngày càng tăng, có nơi gay gắt, phức tạp. Ở một số nơi, nhất là vùng dân tộc thiểu số, một số nhà tu hành đã lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối.
Yếu kém nêu trên do: Công tác tôn giáo chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong khi các thế lực thù địch ráo riết tranh thủ, giành giật, lôi kéo quần chúng, tín đồ. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp, một số cán bộ có trách nhiệm chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Có nơi chủ quan, nóng vội, giản đơn trong xử lý vấn đề tôn giáo. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo chậm được thể chế hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu, việc giáo dục, tập hợp quần chúng còn hạn chế.
Hội nghị khẳng định những quan điểm về công tác tôn giáo và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho chỉ đạo công tác tôn giáo trong thời kỳ mới. Hội nghị nhấn mạnh cần thưc hiện các nhiệm vụ sau:
Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống "tốt đời đẹp đạo" trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ.
Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tôn giáo của Nhà nước ta.
Tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo, tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, trước mắt và lâu dài.
Hội nghị cũng đã xác định các giải pháp chủ yếu: tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo; tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở, tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo".
IV. Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội nghị đã khẳng định: Đường lối, chủ trương đổi mới chính sách và pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị-xã hội. Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn. Đất xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng đô thị tăng tương đối nhanh, bộ mặt đô thị thay đổi một bước theo hướng văn minh, hiện đại. Công tác quản lý nhà nước về đất đai có những tiến bộ bước đầu rõ rệt. Người sử dụng gắn bó nhiều hơn với đất đại. Quyền sử dụng đất đã bước đầu trở thành một nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội nghị chỉ rõ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất và tình trạng tùy tiện trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; những yếu kém trong quản lý của Nhà nước về đất đai, để kéo dài tình trạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai; những tác động tiêu cực của thị trường bất động sản do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp và sự buông lỏng quản lý để tình trạng chuyển nhượng ngầm và sốt nhà đất gây nhiều khó khăn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là chưa phát huy tốt nguồn nội lực to lớn và quý giá về đất đai vào việc phát triển kinh tế-xã hội...
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử; quản lý đất đai chuyển từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường kết hợp với biệp pháp hành chính, đặt ra nhiều vấn đề mới. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là: một số chủ trương, chính sách lớn rất quan trọng của Đảng chưa được thể chế hóa. Văn bản pháp luật về đất đai ban hành nhiều nhưng thiếu đồng bộ. Chưa nhận thức đúng mức đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là nguồn nội lực quan trọng và nguồn vốn to lớn của đất nước. Vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai chưa được xác định rõ. Một bộ phận cán bô, đảng viên tha hóa, đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và gây bất bình trong nhân dân...
Hội nghị đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo trong tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai:
Một là, đất đai thuôc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn theo quy định của pháp luật. Không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai.
Hai là, đất là hàng hóa đặc biệt, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn, rất quý giá của đất nước, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc.
Ba là, khai thác, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực quý giá về đất đai, đầu tư phát triển đất đai; về cả diện tích và chất lượng.
Bốn là, đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai phải phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.
Năm là, kiên quyết lập lại trật tự về đất đai phù hợp với đường lối chính trị của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Hội nghị nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên những vấn đề cơ bản: về chế độ sử dụng đất đai; về nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý đất đai của Nhà nước; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất; về xây dựng, quản lý thị trường bất động sản và chính sách tài chính về đất đai.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định để đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu bổ sung sáu đống chí vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ 2001-2005. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương làm ủy viên ủy ban kiểm tra Trung ương và giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Chi vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khiển trách vì trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP.HCM (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, phát huy thành tích đã đạt được trong năm 2002, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (phần 2), góp phần đưa Nghị quyết Đại hội IX vào cuộc sống, trước mắt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế -xã hội năm 2003- năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2001-2005''.
(Theo TTXVN)