Liên bộ Tài chính và Y tế vừa ban hành Thông tư liên tịch số 06/2007 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo đó, mức đóng mới của BHYTTN tăng đến gấp đôi so với mức đóng cũ nhưng quyền lợi bị cắt giảm với cơ chế "đồng chi trả".
 |
"Tăng hay giảm tiền BHYT có làm người dân ái ngại?" Ảnh: Tiền Phong |
VTC News đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ Trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
Mức đóng bình quân tăng 50%
-Về việc thực hiện đóng BHYTTN, thông tư mới có gì thay đổi so với thông tư cũ, thưa bà?
- Nếu như Thông tư 22/2005 quy định 4 nhóm đối tượng thì trong Thông tư 06/2007 lại quy về 2 nhóm đối tượng chính, đó là nhóm hộ gia đình và đối với nhóm học sinh sinh viên.
Về mức đóng mới cũng nhích hơn, so với Thông tư 22 thì mức đóng BHYTTN mới bình quân tăng 50%. Về hình thức đóng, đối với các hộ gia đình có thể đóng từng đợt 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
Mức đóng BHYTTN cao hơn trước:
Đối với thành viên gia đình thuộc khu vực thành thị, mức đóng BHYTTN từ 160.000 - 320.000 đồng/người/năm; còn khu vực nông thôn từ 120.000 - 240.000 đồng/người/năm.
Đối với học sinh, sinh viên khu vực thành thị từ 60.000 - 120.000 đồng/người/năm; còn khu vực nông thôn từ 50.000 - 100.000 đồng/người/năm.
|
Cũng để triển khai BHYTTN, mỗi đợt phát hành phải có ít nhất 10% số gia đình trong phạm vi địa bàn xã tham gia (trừ các hộ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc).
Còn để triển khai BHYTTN đối với học sinh, sinh viên, nhà trường phải có ít nhất 10% số học sinh, sinh viên tham gia.
- Tại sao việc thực hiện tham gia BHYTTN ở thông tư mới chỉ còn 2 nhóm đối tượng chính thay vì 4 nhóm đối tượng như trước đây?
- Thực tế, chúng ta không bỏ nhóm đối tượng nào mà chỉ quy lại thành 2 nhóm cho tiện quản lý và dễ kiểm soát, mà lại mang tính cộng đồng hơn.
Ví như trước đây, người làm trong công ty nhà nước hay một đơn vị nào đó có thể đăng ký mua bảo hiểm y tế cho thân nhân của mình, nhưng hiện nay do chưa có cơ cấu lương để mua BHYT cho thân nhân nên phải tách thân nhân về nhóm gia đình.
- Việc tăng mức đóng này có được coi là cao so với thực tế phát triển của xã hội không, thưa bà?
- So với mức đóng của Thông tư 22, Thông tư 06 có sự thay đổi, tăng 50%. Nhưng đây chỉ là mức khung thôi, còn tuỳ theo mức đóng của từng tỉnh thế nào, sau đó mới đưa ra mức triển khai cụ thể. So với mức đóng BHYT bắt buộc thì chưa hẳn lớn lắm.
Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến mục đích là cân đối được thu chi. Nếu chúng ta đưa mức trần để tính khả năng đóng góp của người dân, bình quân mức BHYT bắt buộc là 310.000 đồng. Cả bắt buộc và tự nguyện mới bình quân có 410.000 đồng.
"Quyền lợi có cắt giảm thật"
 |
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ Trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) |
- Mức đóng BHYTTN tăng, trong khi đó đối tượng lại bị thu hẹp, vậy những quyền lợi mà người tham gia BHYTTN có bị thu hẹp không?
- Thông tư mới mở ra nhiều thuận lợi như, BHYTTN sẽ giảm mức đóng đối với gia đình có đông thành viên tham gia.
Cụ thể, gia đình có từ 3 thành viên trở lên tham gia BHYTTN, thành viên thứ ba được giảm 10% mức đóng theo quy định; từ thành viên thứ 4 trở đi, mỗi thành viên được giảm 20%.
Ngoài ra, tham gia BHYTTN khi khám chữa bệnh (KCB) ngoại trú, bệnh nhân được thanh toán 100% chi phí (nếu dưới 100.000 đồng/đợt khám); được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú (nếu chi phí từ 100.000 đồng trở lên); được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh nội trú; phần còn lại do bệnh nhân tự thanh toán với cơ sở KCB.
Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn, bệnh nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán 80% chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do bệnh nhân tự thanh toán với cơ sở KCB.
Về cơ chế thanh toán cũng có những thay đổi, trước đây chúng ta có cơ chế “đồng chi trả”, nhưng Nghị định 63, người tham gia BHYT không phải chi trả dẫn đến việc vỡ quỹ, do đó, trong thông tư mới lại thực hiện cơ chế “đồng chi trả”.
Thực hiện điều này chính là để gắn trách nhiệm của người dân trong việc kiểm soát dịch vụ y tế, đồng thời gián tiếp thực hiện xã hội hoá y tế; gián tiếp giúp người bệnh thấy được họ tự bảo vệ sức khoẻ của mình…
Như vậy, với thông tư mới, người bệnh nặng sẽ được BHYT chi trả nhiều hơn so với người bị mắc bệnh thông thường.
Vẫn có chuyện cán bộ y tế cáu gắt, mắng mỏ
- Hiện còn rất nhiều người kêu ca về thủ tục rườm rà, nhân viên y tế không nhiệt tình với những người có thẻ BHYTTN. Bộ Y tế có cách nào khắc phục tình trạng này?
- Đúng là cái gì cũng có mặt này mặt kia, thực trạng đó có thực- không tránh khỏi. Vì Nghị định 63 của Chính phủ đã tạo ra hướng mở cho người bệnh, có thẻ- họ không phải chi trả khi khám chữa bệnh, do đó người khám bệnh quá đông nên nhiều khi cơ sở y tế không khám kịp dẫn đến chuyện cáu gắt, mắng mỏ, không nhiệt tình với bệnh nhân.
Tuy nhiên, tôi cho đó chỉ là thứ yếu thôi, còn về cơ bản hầu hết các cơ sở y tế thực hiện tốt. Để giám sát về y đức của đội ngũ bác sĩ các bệnh viện, Bộ Y tế đã thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở, 12 điều y đức được dán khắp nơi.
Vả lại, trong tương lai chúng ta sẽ từng bước chuyển đổi việc cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh sang cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế do Nhà nước cung cấp thông qua hình thức BHYT.
- Khi thực hiện mức đóng BHYTTN mới, bà nhận định gì về thời gian sắp tới có thể người dân sẽ tham gia BHYTTN ít đi?
- Trước đây, thời hạn thẻ có giá trị sau 30 ngày khi đóng tiền; nhưng nay, đối với những trường hợp sử dụng kỹ thuật cao sau khi đóng tiền 180 ngày; hoặc những người khám thai, mổ đẻ phải 270 này sau khi đóng tiền tham gia BHYT thì thẻ mới có giá trị.
Như Singapore, thẻ BHYT có giá trị sau 1 năm tham gia đóng phí.
Theo đó, để hạn chế thói quen chộp giật, có bệnh mới lo làm bảo hiểm y tế, thông tư mới này sẽ siết chặt hơn, mức đóng tăng và dự báo số người bệnh tham gia BHYTTN có thể sẽ giảm hơn so với trước và hiện nay.
Nhưng nếu chúng ta nhìn khách quan hơn sẽ thấy rằng, tương lai chúng ta thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là khi họ bị bệnh nằm viện, người dân sẽ dần có cách nhìn nhận đúng hơn về giá trị của thẻ BHYT.
Do đó, để bảo vệ sức khoẻ của mình, chắc chắn chuyện tăng hay giảm một ít tiền để tham gia mua thẻ BHYT cũng không ái ngại lắm.
- Xin cảm ơn bà!
Mai Hương (thực hiện)
|