- Người phụ nữ tuổi đã ngoài lục tuần, gắn với nghề bán sách cũ đã qua hai thập niên, mọi người chỉ biết đến bà với cái tên “Bà Hai sách cũ”. Bà không những chẳng buồn mà còn vui và hãnh diện với cái biệt danh đó. “Dễ gì người ta có cái tên gắn liền với cái nghiệp!” bà Hai nói.
Khi mạn phép xin được biết đầy đủ tên tuổi của bà để viết báo, bà Hai từ chối: “Cứ gọi tôi với cái tên như mọi người vẫn gọi, nếu rõ hơn là “Hai Huế”, vậy thôi, nghe cho thấy gần gũi hơn. Tên tuổi đầy đủ làm gì, đâu phải viết báo… cáo !”. Cái nghiệp mua bán sách cũ và cuộc đời lắm lận đận của bà Hai hiện rõ qua cách kể chuyện xúc tích của bà...
“Hơn hai mươi năm vẫn chạy tốt…”
Ở phố sách cũ Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM người ta nói về bà Hai như một người có công khởi xướng nghề mua bán sách, báo cũ trên con đường này, góp thêm một địa chỉ không thể thiếu đối với những người hay “săn” sách, báo cũ. Từ những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước, bà Hai đã mở sạp bán sách, báo cũ ở số 150 Trần Huy Liệu; những người trong khu phố thấy công việc nhẹ nhàng này có thể mang lại thu nhập kha khá nên bắt đầu “ăn theo” và mở rộng ra cả khu phố. Cũng từ đó, con đường này trở nên nhộn nhịp và nhiều người biết đến.
![]() |
Hơn 20 năm gắn với nghề bán sách báo cũ, bà Hai xem đây như một cái nghiệp trong cuộc đời. Ảnh: P.C. |
Hơn 20 năm đã trôi qua, những người gắn bó với nghề mua bán sách cũ trên con phố này dần thưa thớt, còn lại dăm ba hộ lẻ tẻ, buôn bán với khí thế “mệt mỏi” khi phải cạnh tranh “khốc liệt” với hàng trăm tiệm mua bán sách báo cũ mọc lên như nấm ở khắp “hang cùng hẻm cụt” của Sài Gòn. Chỉ có tiệm sách, báo cũ của bà Hai vẫn mua bán sầm uất, đầy “sinh khí”. “Hơn hai mươi năm vẫn chạy tốt…” - bà Hai tự tin.
Để nuôi được tiệm sách tồn tại qua một thời gian dài như vậy ắt không phải là chuyện đơn giản. Càng khó khăn hơn khi bà Hai giữ tiệm sách, báo cũ của mình không phải “sống mòn”. Công việc mua bán sách, báo cũ những tưởng sẽ nhẹ nhàng, nhưng không. Không chỉ lặn lội đi tìm những sách hay, “hàng độc”, bà Hai luôn đọc, luôn tìm hiểu nội dung, giá trị từng cuốn sách mua được. Nhờ vậy, khách hàng tìm đến với tiệm sách, báo cũ của bà Hai không phải mất nhiều thời gian. Người mua chỉ cần nói về nội dung sách cần tìm, sẽ biết kết quả ngay. Nếu có loại sách, báo khách hàng cần mua, tự tay bà sẽ lấy ra, sau khi thương thảo, nếu “thuận mua vừa bán” coi như hoàn tất một “quy trình trao đổi”. Ngược lại, bà Hai sẽ giới thiệu những loại sách tương tự hoặc tận tình chỉ đường đến một nơi khác có loại sách đó. Nhưng rất ít khách hàng đến với bà Hai lại ra về với tay trắng. “Kho sách của bà Hai giàu lắm!” – một khách hàng thường xuyên đến với tiệm sách của bà Hai khẳng định. Với nguồn sách đa dạng, cung cách mua bán rất lịch lãm, bà Hai đã nhận được sự ủng hộ của khách hàng qua hơn 20 năm.
“Bán sách quý tiếc lắm, nhưng…”
Bà Hai xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn và đi dạy cấp I tại Quy Nhơn, rồi chuyển vào Nha Trang. Hơn 10 năm trong nghề dạy học, bà Hai gắn bó với sách như người bạn tri kỷ. Từng cuốn sách quý, bài báo hay đều được bà lưu giữ cẩn thận làm tư liệu cho riêng mình. Chẳng bao giờ bà Hai nghĩ mình sẽ có lúc rời xa công việc đang làm. Nhưng “sông có khúc, người có lúc”, cuộc sống khó khăn trong thời kỳ bao cấp, những thiếu thốn trong cuộc sống ngày càng đẩy gia đình bà vào thế bế tắc. Quyết định rời Nha Trang vào TP.HCM lập nghiệp đã thay đổi hướng đi cuộc đời bà Hai. Thời gian đầu bước vào đất Sài Gòn, bà Hai bươn chải bằng nhiều nghề, từ thợ may đến bán hàng rong, nhưng cái khó lại chồng thêm cái khó, những nỗ lực của bà không đủ nuôi bản thân và các thành viên trong gia đình. Đời sống quá chật vật, bà Hai chỉ còn cách cầm những quyển sách mình có được trong thời sinh viên, trong 10 năm giảng dạy đem bán. Đau đớn, nuối tiếc trước khối tài sản là kho sách qua bao năm dành dụm của bà được đem ra rao bán, bà đã từng phải nuốt nước mắt vào trong và tự nhủ lòng: “Mình đang chia sẻ kiến thức có được cho người khác đang cần!”.
Đường cùng phải đem sách ra bán ngỡ sẽ khá hơn, nhưng lại phải đối mặt với cái khó khác. Muốn
![]() |
"Bà Hai sách cũ" trước tiệm mua bán sách, báo cũ của mình. Ảnh: P.C. |
bán sách phải mở tiệm, nhưng không có tiền làm sao mở tiệm (?). Vậy là lề đường Trần Huy Liệu, gần nhà bà Hai trở thành “tiệm” bán sách, báo cũ. Nhưng vẫn chưa xong, việc buôn bán của bà Hai cũng lận đận như chính số phận của bà. “Tiệm” sách của bà Hai di chuyển liên tục theo những cuộc “giải phóng lề đường bị lấn chiếm” của chính quyền địa phương. Có lúc bà Hai bị phạt, thu sách báo, đến nỗi hết vốn và hết sách để bán. Nhận thấy không thể cứ mãi lấn chiếm vỉa hè, bà Hai đánh liều, chạy vạy vay tiền thuê mặt bằng mở tiệm. Sau hơn 10 năm bôn ba, bà Hai mới có được một chỗ “kiếm cơm” ổn định tại số 150 Trần Huy Liệu cho đến giờ.
Bà Hai hạnh phúc với cuộc sống hiện có của mình, không chỉ chăm sóc con cái và người mẹ già đã gần 90 tuổi đầy đủ, bà còn lo cho đứa cháu vừa tốt nghiệp Đại học Luật tiếp tục học cao hơn. Đến giờ, bà Hai nghĩ mình sẽ không thể bỏ nghề bán sách báo cũ này được. Nhưng mỗi lần bán những cuốn sách hay, sách quý bà Hai tiếc lắm: “Hơn nửa đời người gắn với cuốn sách, con chữ; khi có được một cuốn sách hay sướng còn hơn cả… người ta trúng số độc đắc, nên lúc không còn giữ được nó thì đau lắm, tiếc lắm, nhưng nếu chỉ giữ riêng cho mình thì ích kỷ lắm!”.
- Phan Công