TTCN - Để miêu tả sức khỏe nền kinh tế Mỹ hiện nay, Warren Buffett kể câu chuyện có hai ngôi làng cạnh nhau: làng Hoang Phí và làng Tiện Tặn. Tài sản của hai làng là đất. Dân cư hai làng mỗi ngày làm việc tám tiếng và sản xuất vừa đủ sống...
Cuộc đời cứ thế kéo dài cho đến một hôm dân làng Tiện Tặn bỗng quyết định nâng giờ làm việc lên gấp đôi nên sản phẩm tăng gấp đôi, phải xuất sang làng Hoang Phí. Dân làng Hoang Phí mừng rỡ vì không cần làm việc nữa mà vẫn có sản vật để tiêu dùng. Chỉ có điều dân làng phải phát hành giấy nợ liên tục cho làng Tiện Tặn.
Vài năm sau dân làng Tiện Tặn bỗng thấy lo, nhỡ dân làng bên không trả được nợ thì sao nên bán nợ lại cho dân làng Hoang Phí để lấy đất, cuối cùng mua hết đất làng này. Đến đây dân làng Hoang Phí bừng tỉnh, không những họ phải trở lại làm việc ngày tám tiếng để có cái ăn vì đâu còn gì để bán, mà còn phải làm thêm để trả tiền thuê đất do dân làng Tiện Tặn đang nắm giữ. Phải thuê đất mới có đất sản xuất, làng Hoang Phí đã trở thành thuộc địa kiểu mới của dân làng Tiện Tặn!
Lấy ý tưởng từ sinh viên
|
Warren Buffett là một người không bỏ lỡ cơ hội đầu tư nào cả. Một hôm, khi một nhóm sinh viên Đại học Tennessee đến thăm Công ty đầu tư Hathaway của ông vào tháng hai năm nay, các sinh viên tặng ông cuốn hồi ký của Jim Clayton và đề nghị ông nên mua công ty của nhân vật mà họ rất thích này.
Buffett chăm chú lắng nghe, và đến tháng tám ông hoàn thành việc mua lại công ty sản xuất nhà tiền chế này với giá 1,7 tỉ USD. Đến tháng mười, Buffett đến thăm Đại học Tennessee và tặng 40 sinh viên từng “tư vấn nghiệp dư” cho ông mỗi người một cổ phiếu của Công ty Hathaway, trị giá 2.500 USD mỗi cổ phiếu. “Lớp học này đã cho tôi một ý tưởng trị giá 1,7 tỉ USD, tôi hi vọng sang năm sẽ có lớp khác có ý tưởng vượt lên con số đó”.
Theo Fortune
|
|
Warren Buffett dùng ẩn dụ này để so sánh nước Mỹ như làng Hoang Phí và phần còn lại của thế giới như làng Tiện Tặn để cảnh báo thực trạng nền kinh tế Mỹ hiện nay. Thâm hụt mậu dịch của Mỹ, tức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, tăng liên tục trong 20 năm qua, năm nay ước đoán âm trên 400 tỉ USD.
Tài sản nước Mỹ nắm giữ ở nước ngoài lớn nhưng tài sản của Mỹ do nước ngoài nắm giữ, gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và cổ phiếu, còn lớn hơn, số chênh lệch khoảng 2.500 tỉ USD.
Buffett cho rằng nước Mỹ hiện đang ứng xử như một anh nhà giàu có một nông trang khổng lồ, làm ra không đủ chi tiêu nên cứ bán dần hay cầm cố đất để tiếp tục tiêu xài hoang phí. Con số 2.500 tỉ này nay đã bằng 5% tổng tài sản nước Mỹ và hằng năm tăng dần thêm chừng 500 tỉ USD. Mỹ chưa rơi vào tình trạng như làng Hoang Phí vì vẫn còn tài sản để bán và phần còn lại của thế giới vẫn xem Mỹ đang sở hữu tấm thẻ tín dụng khổng lồ, sẵn sàng bán chịu số lượng lớn.
Dân làng Hoang Phí sẽ phát hành thêm tiền để làm “loãng” bớt khoản nợ với làng Tiện Tặn; tương tự, ông cho rằng trước sau Mỹ cũng sẽ phá giá đồng USD để giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Để khỏi trở thành “thuộc địa” của thế giới và trước mắt để khỏi phá giá đồng USD, Warren Buffett đề nghị phát hành một công cụ gọi là “chứng chỉ nhập khẩu (IC)”, cấp cho nhà xuất khẩu Mỹ tương ứng giá trị họ xuất khẩu được. Nhà xuất khẩu sau đó sẽ bán các IC này cho bất kỳ ai muốn nhập hàng vào Mỹ. Như thế muốn nhập 1 triệu USD vào Mỹ, cần phải có đủ IC do xuất được 1 triệu USD ra nước ngoài. Đương nhiên, lúc này cán cân thương mại Mỹ sẽ cân bằng.
Warren Buffett đề nghị tiếp là nên tổ chức thị trường mua bán IC, có tổng giá trị chừng 80 tỉ USD mỗi tháng, như một loại giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ông giả định một IC để nhập 1 USD có giá 10 xu chẳng hạn sẽ giúp nhà xuất khẩu kiếm thêm 10% trên lượng hàng xuất được và ngược lại, làm hàng nhập khẩu đắt thêm 10%, sẽ có tác dụng khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Đề xuất này thật kỳ dị trong bối cảnh tự do hóa thương mại, tháo gỡ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Chắc chắn sẽ không ai chịu để Mỹ áp dụng một lối bảo hộ hàng nội địa như thế và ngay cả dân Mỹ đã quen xài hàng nhập rẻ tiền ắt hẳn là người phản đối đầu tiên nếu hàng nhập bỗng đắt hẳn lên. Được bảo hộ, nhà sản xuất Mỹ cho chính thị trường nội địa cũng không dại gì không tăng giá để hưởng lợi.
Lấy ví dụ Trung Quốc hiện đang bán cho Mỹ chừng 140 tỉ USD hàng hóa mỗi năm trong khi chỉ mua từ Mỹ 25 tỉ USD. Làm sao buộc Trung Quốc phải mua số lượng IC có trị giá đến 115 tỉ chỉ để tiếp tục kim ngạch mậu dịch như hiện nay?
Có lẽ ý đồ của Warren Buffett là tạo cú sốc ở người Mỹ, cảnh tỉnh họ trước thực trạng không lấy gì làm sáng sủa của nền kinh tế nói chung và ngoại thương nói riêng. Ông cũng muốn cảnh báo mọi người trước khả năng mất giá đồng USD đã quá rõ và hi vọng thay đổi được suy nghĩ của nhiều người dân trong “làng Hoang Phí”.
N.T