Đào Phú Quốc: đất công là "chùm khế ngọt"
 |
Một khu đất của chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đỗ Tố tại Bãi Vòng, Hàm Ninh đang được thi công để làm du lịch sinh thái |
Vườn quốc gia Phú Quốc có diện tích rừng lớn vào loại nhất nhì nước ta. Tổ chức Du lịch thế giới chọn nơi đây có thể phát triển du lịch sinh thái độc đáo. Thế nhưng, nếu trước đây cháy là nỗi lo thường trực thì bây giờ “cơn sốt” đất đang khiến rừng Phú Quốc teo dần...
Đủ kiểu phá rừng
Tại xã Dương Tơ, đoàn thanh tra phát hiện có 41 hộ sang nhượng đất trái phép, 138 hộ bao chiếm 1.865.261m2 đất rừng... Từ đó đoàn thanh tra đã đề nghị xử phạt hành chính và thu hồi 78.608m2 đất rừng. Đoàn cũng đề nghị UBND huyện Phú Quốc tiến hành kiểm điểm đối với các ông Trần Khắc Trung - phó trưởng phòng địa chính giao thông xây dựng, ông Nguyễn Trung - giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, ông Hứa Thanh Bình - chủ tịch UBND xã và ông Trịnh Văn Thanh - cán bộ địa chính xã Dương Tơ, vì đã buông lỏng trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Tại xã Cửa Cạn, mặc dù đã biết khu vực bãi biển Vũng Bầu là khu vực vùng đệm vườn quốc gia đã được UBND tỉnh Kiên Giang dự kiến qui hoạch phát triển du lịch, nhưng bất chấp qui hoạch và bất chấp đó là đất rừng quốc gia, UBND huyện Phú Quốc vẫn ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 24 hộ với diện tích 25,86ha (phần lớn là cán bộ huyện, xã) và phê duyệt dự án phân lô 85 nền thổ cư với diện tích 33.800m2 tại ấp 4, Vũng Bầu ngay trong phạm vi đất vùng đệm vườn quốc gia Phú Quốc nhằm đón đầu kinh doanh du lịch.
Dù không có thẩm quyền giao cấp đất, nhưng UBND xã Cửa Cạn cũng “bắt chước” huyện ký giao cấp đất thổ cư cho 47 hộ là cán bộ của xã, ấp (toàn bộ đất giao cấp là đất lâm nghiệp chưa được cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng) và ký giao cấp đất cho 91 hộ dân khác sai thẩm quyền và sai qui hoạch, phạm vào đất rừng. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện 206 trường hợp bao chiếm trái phép 152,369ha rừng...
Đoàn thanh tra kiến nghị UBND huyện tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các ông Dương Tấn Thân - trưởng phòng địa chính giao thông xây dựng, ông Phạm Quang Bình - giám đốc vườn quốc gia, ông Nguyễn Trung - giám đốc BQL rừng phòng hộ; xử lý đối với các ông Nguyễn Ngọc Nhanh, Lâm Văn Dũng - bí thư và phó bí thư chi bộ xã Cửa Cạn, Nguyễn Văn Hùng, Trần Kiều Hưng - chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, Huỳnh Văn Siềl và Trần Hữu Biết - cán bộ địa chính xã Cửa Cạn, vì không chỉ có sai phạm trong quản lý về đất đai mà còn có nhiều dấu hiệu tư lợi cho bản thân và gia đình. Kiến nghị tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà huyện, xã đã ký duyệt phân lô sai qui hoạch của UBND tỉnh...
Còn tại xã Hàm Ninh - nơi Tổng cục Du lịch đang xây dựng cảng du lịch, đoàn thanh tra phát hiện UBND xã Hàm Ninh đã tự ý cấp 307.811m2 đất rừng phòng hộ cho 47 hộ cán bộ và dân trong xã sử dụng, không ít hộ sau khi được cấp đất đã sang bán thu lợi bất chính. Cá nhân ông Trương Văn Dũng, trưởng công an xã Hàm Ninh, vào thời điểm năm 1998 được xã cấp 10.050m2, năm 2001 sang bán cho một người khác, rồi lại tiếp tục được xã cấp thêm 5.980m2 đất khu vực rừng phòng hộ Bãi Vòng, 108m2 đất xây dựng nhà ở.
Chưa chịu dừng lại ở đây, ông Dũng còn tiếp tục “nhào” vô rừng bao chiếm thêm một diện tích rừng phòng hộ lên đến 7.586,4m2 cho riêng mình khiến dư luận trong cán bộ và quần chúng nhân dân rất bất bình. Ông Đỗ Tố, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, còn “bạo gan” hơn tự ý chuyển mục đích từ đất lâm nghiệp (thuộc rừng phòng hộ) sang đất nông nghiệp rồi ký duyệt giao cấp cho 18 hộ là cán bộ trưởng, phó đầu ngành cấp huyện và thân nhân cán bộ với diện tích 138.929m2...
Cũng tại xã Hàm Ninh, Công ty TNHH Trần Thái (chưa được UBND tỉnh Kiên Giang cho phép triển khai dự án) đã được UBND huyện, xã tạo điều kiện cho công ty này chuyển nhượng 215.800m2 đất của 15 hộ dân (phần lớn nằm trong rừng phòng hộ). BQL rừng phòng hộ và vườn quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng để cho 121 hộ vào rừng công khai bao chiếm, chặt phá 713.430m2 đất rừng; 166 hộ bao chiếm diện tích 1.556.600 m2...
Ai bao chiếm đất rừng?
Nhưng vụ phá rừng qui mô lớn nhất ở đảo này phải kể đến vụ san ủi mở đường xóa sổ 408ha đất rừng phòng hộ ở khu vực Bãi Vòng, xã Hàm Ninh. Khoảng cuối năm 2003, mặc dù chưa có dự án đầu tư, chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất nông nghiệp và xây dựng khu dân cư, thế nhưng Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc - một cơ quan không hề có chức năng đầu tư xây dựng cơ bản, lại được huyện cho phép đứng ra thuê mướn xe máy “tiến công” vào rừng, tổ chức mở cùng lúc ba con đường, thi công san lấp mặt bằng san ủi 408ha rừng phòng hộ để hình thành khu dân cư với khoảng 3.500 lô đất, rồi sau đó chia chác cho nhiều người từ huyện đến tỉnh (thu tiền mỗi lô 6-10 triệu đồng).
Tương tự, UBND xã Hàm Ninh cũng lập tờ trình xin mở đường qui hoạch khu dân cư, cơ quan chức năng chưa chấp thuận nhưng xã đã mở đường bố trí cấp cho 36 hộ vào ở trên diện tích 3.677m2 đất rừng phòng hộ. Ngày 16-6-2004, khi đoàn thanh tra phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi công thì chỉ hai ngày sau đó, đích thân ông Đỗ Tố - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - đã ký tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng đất và lập tức được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý cho phép chuyển toàn bộ khu vực 408ha đang thi công từ đất rừng phòng hộ sang đất sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư.
Theo hướng dẫn của bà con, chúng tôi đến tham quan khu du lịch sinh thái của ông Tố. Khu đất rộng 7ha, tọa lạc tại khu vực km10, Bãi Vòng, Hàm Ninh (cạnh con đường đất đỏ mới mở) được đầu tư xây dựng khá công phu, có cổng vào là một chú khỉ giả, hồ cá, nhà chòi...
Tôi đưa máy ảnh ra để ghi lại hình ảnh những gốc cây rừng còn sót lại chi chít trong khuôn viên khu sinh thái này, lập tức bị một nhóm ba thanh niên từ phía trong khu sinh thái của ông chủ tịch nhào ra đuổi theo, rất may một đồng nghiệp khác đi cùng kịp nổ máy xe tháo chạy. Ngày hôm sau, trong vai một khách du lịch, tôi được một số bà con ở gần đó cho hay: “Trước đây, khu vực đất của ông Tố là rừng tràm và cây gỗ lớn rậm rạp, ông đưa máy móc vô san ủi, đốn hạ, rồi đổ đất lên cả tháng trời, bây giờ có sổ đỏ rồi”.
Cùng được cấp đất nằm cạnh khu đất ông Đỗ Tố còn có một số vị khác như: ông Trương Đông Hải - thiếu tá đội trưởng đội điều tra Công an huyện Phú Quốc - được cấp 6.000m2, ông Trương Minh Trí - phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - được cấp 22.446m2, ông Trần Văn Phước - Hội Nông dân xã Hàm Ninh - 15.000m2, ông Trương Văn Hà - nguyên bí thư xã Hàm Ninh - 5.000m2, Trương Ngởi Nhân (con ông Hà) 50.000m2...
Từ kết luận của cơ quan thanh tra giữa năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã ký quyết định số 2457/QĐ-CT yêu cầu UBND huyện Phú Quốc tiến hành xử lý thu hồi đất, giấy đỏ của 14 hộ bao chiếm chặt phá 138.929m2 rừng phòng hộ ở Bãi Vòng, Hàm Ninh... Thế nhưng tại cuộc họp triển khai quyết định của UBND tỉnh ngày 11-4-2004, ông Đỗ Tố - ra lệnh không thu hồi đất đã cấp cho 14 hộ này. Phải chăng vì trong số 14 hộ trên có ông Đỗ Văn Mó và bà Trần Thị Gái (cha và mẹ của ông Tố), bà Giang Tuyết Hạnh (vợ bí thư huyện ủy); ông Nguyễn Đức Kỉnh (phó chủ tịch UBND huyện)...?
Cũng trong năm 2003, đoàn thanh tra rừng phòng hộ Phú Quốc phát hiện 22 hộ chặt phá rừng để bao chiếm đất sang bán. Xét thấy mức độ nghiêm trọng, đoàn đã chọn ra 11 trường hợp chặt phá 17,9ha rừng (đốt than, chặt trắng, san ủi tận gốc) đề nghị xử lý hình sự gồm: Trần Thị Gái, Trương Thanh Liêm, Lưu Huy Nút, Huỳnh Văn Em... Không những không bị xử lý mà riêng bà Trần Thị Gái còn tiếp tục được UBND huyện ký hợp thức hóa chủ quyền (giấy đỏ) hàng loạt miếng đất tại khu vực Bãi Vòng (không ít miếng phạm vào đất rừng) vì bà Gái là mẹ ông Đỗ Tố.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Chấn chỉnh ngay tình hình quản lý đất đai ở đảo Phú Quốc
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vào sáng qua (24-8-2004), Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển. Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý và sử dụng đất đai tại đảo Phú Quốc. Nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tồn tại gây trở ngại cho nhà đầu tư, tập trung xây dựng huyện đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch của cả nước, xem đấy là khâu đột phá của tỉnh trong tương lai.
Về hướng phát triển tới, Phó thủ tướng chỉ đạo Kiên Giang cần phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phải gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
H.T.DŨNG
|
Bài, ảnh: MINH QUÂN
Kỳ 1: Phú Quốc: Chia chác đất trên các dự án