Theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia và đại diện Trung tâm XKLĐ TRAENCO (Công ty xây dựng và thương mại TRAENCO) cho biết, ngày 13/10 vừa qua, 115 nữ công nhân do TRAENCO đưa đi làm việc tại Nhà máy may mặc Bin Bin (Malaysia) đã tổ chức đình công. Lý do lao động đưa ra là nhà máy không trả lương theo hợp đồng đã ký.
![]() |
Lao động Việt Nam ở Malaysia. |
Thông tin từ TRAENCO cho biết, Nhà máy may mặc Bin Bin, thuộc vùng Parit Bilal (Malaysia) là một nhà máy uy tín, có nhiều công nhân Việt Nam đang làm việc tại đây. Trung tâm XKLĐ TRAENCO hiện có 115 nữ lao động làm việc tại nhà máy Bin Bin, rất ổn định và thu nhập cao.
Ngày 10/10 vừa qua, một số công nhân đại diện cho 115 lao động Việt Nam đã gửi đơn lên Ban lãnh đạo nhà máy đòi trả lương theo đúng hợp đồng đã ký. Đến ngày 13/10, toàn bộ 115 công nhân Việt Nam bắt đầu đình công. Với số lượng lao động nước ngoài đình công số đông, gây mất trật tự khu vực nên ngày 14/10, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 4 người cầm đầu. Tuy nhiên, số lao động còn lại đã yêu cầu phía nhà máy Bin Bin phải can thiệp để cảnh sát thả 4 công nhân đó ra nếu không họ sẽ không trở lại làm việc. Đại diện Nhà máy Bin Bin đã bảo lãnh để cảnh sát Malaysia thả những người bị bắt ra.
Ông Phạm Thanh Tùng, đại diện TRAENCO tại Malaysia cho biết, ngay sau đó, đại diện trung tâm và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đã đến tận nơi làm việc với nhà máy, thuyết phục, động viên lao động quay trở lại làm việc. Ban lãnh đạo Nhà máy may mặc Bin Bin giải thích, bình thường, lương công nhân làm việc tại đây luôn ổn định và cao (thấp nhất là 599 Ringit, cao nhất là 1.000-1.200 Ringit). Do gần đây, nhà máy ít việc, số lượng sản phẩm giảm, tiền lương, tiền làm thêm cũng giảm đi chút ít (vẫn cao hơn lương cơ bản) nên lao động đã tổ chức đình công nhất quyết đòi nhà máy thực hiện đúng hợp đồng đã ký.
Sau khi sự việc xảy ra, đại điện TRAENCO tại Malaysia đã thuyết phục lao động quay trở lại làm việc vì vấn đề nhà máy cắt giảm lương hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, trong một thời gian nhất định. Hơn nữa, luật pháp Malaysia cho phép các công ty Malaysia được quyền cắt giảm lương nếu sản xuất gặp khó khăn nhưng không dưới mức lương cơ bản. Theo thông tin từ Malaysia, cho đến ngày hôm qua (15/10) đã có 31 công nhân quay trở lại nhà máy làm việc. Hiện nay 84 công nhân khác vẫn tiếp tục đình công, không chịu đi làm.
Được biết, ngày 19/10 tới, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ TRAENCO Nguyễn Hồng Sơn sẽ trực tiếp sang Malaysia làm việc cụ thể với đại diện số lao động còn lại. Nhưng theo ông Sơn, phương pháp cơ bản nhất vẫn là thuyết phục lao động thông cảm với những khó khăn hiện nay của nhà máy mà quay trở lại làm việc. Còn nếu cứ tiếp tục đình công kéo dài, thiệt thòi lớn nhất sẽ vẫn thuộc về người lao động vì đang vi phạm luật pháp Malaysia, nhà máy cũng sẽ cắt hợp đồng.
-
Thế Lê Vinh