Các ngành nghề cần lao động như: cơ khí, điện tử, nhựa, xâydựng, may công nghiệp, y tế, làm vườn... Lương rao tuyển từ 120 - 300 USD/tháng. Trong chuyến thăm và bàn bạc về vấn đề hợp tác lao động từ ngày 27-2 đến 1-3 tại Malaysia, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng cùng Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Malaysia Fong Chan On đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động giữa hai nước. Kể từ đó thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng sôi động hẳn lên thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động (NLĐ).
Dự kiến trong vài tháng tớiMalaysia sẽ cần khoảng 200.000 lao động các ngành cơ khí, điện tử, nhựa, xây dựng, may công nghiệp, y tế, làm vườn,...
Rao tuyển trước để tạo nguồn
Theo Cục Quản lý lao động với nước ngoài, đến nay chỉ mới có 4 doanh nghiệp (DN) được cấp phép đưa lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc: Công ty cung ứng lao động là Công ty Hợp tác Lao động Nước ngoài (LOD), Công ty Dịch vụ XNK - Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam (Coopimex), Traenco và Sovilaco. Ngoài bốn DN trên chính thức được cấp phép tuyển lao động sang Malaysia làm việc, một số DN khác đang gấp rút thăm dò, xâm nhập thị trường mới này như: Tracimexco, Vinaconex, TSC, Hoàng Việt, Tracodi... Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Cung ứng lao động và Đào tạo hướng nghiệp thuộc Công ty Tracodi, cho biết: “Công ty chúng tôi cũng có kế hoạch XKLĐ sang Malaysia, nhưng vì đây là một thị trường khá mới và phong tục tập quán cũng rất khác Việt Nam nên chúng tôi đang thăm dò, tìm hiểu thị trường thật kỹ sau đó mới tiến hành làm”. Riêng tại Công ty Thương mại - Dịch vụ TSC, sau khi khảo sát thị trường tại Malaysia về, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc chi nhánh công ty tại TPHCM, cho biết: “Chúng tôi đã có trong tay đơn đặt hàng từ 1.000 – 2.000 lao động ngành xây dựng với thu nhập khoảng 200 - 300 USD/tháng". Theo chúng tôi được biết, mặc dù chưa được cấp phép và các công ty này chỉ mới ký được hợp đồng khung với đối tác ở Malaysia nhưng họ vẫn rao tuyển trước để tạo nguồn.
Sẽ khó tuyển lao động vì thu nhập thấp?
Trên thị trường lao động hiện nay, một số công ty XKLĐ đang rao tuyển lao động sang Malaysia làm việc với mức lương từ 120 – 300 USD/tháng (tùy ngành nghề). So với các thị trường khác như Nhật, Đài Loan... thì mức lương trên thấp hơn nhiều. Chính vì lý do đó nên nhiều DN lo sẽ không tuyển được người. Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Công ty Sovilaco, cho biết: “Công ty đang rao tuyển 400 lao động ngành xây dựng, điện tử, may đi Malaysia với mức lương khoảng 5 USD/ngày. Với mức lương này NLĐ ở TPHCM sẽ khó mà chấp nhận vì thế chúng tôi dự định sẽ tuyển người tại các tỉnh phía Bắc”. Để khắc phục điểm yếu là lương thấp của thị trường này và nhằm thu hút lao động đăng ký đi Malaysia, một số đơn vị XKLĐ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho NLĐ. Chẳng hạn như ở Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco (thuộc Công ty Traenco), sẽ hỗ trợ cho NLĐ trên 1,2 triệu đồng khi trúng tuyển gồm các khoản: chi phí học Anh văn, phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, lệ phí sân bay, phí visa nhập cảnh.
Chưa có quy định cụ thể về XKLĐ sang Malaysia
Các thông tin về tuyển lao động sang Malaysia làm việc đang được các công ty rao tuyển rầm rộ trên các tờ báo nhưng mỗi nơi lại có mức thu khác nhau. Điều này đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho NLĐ. Có công ty rao tuyển lao động lương từ 120 - 200 USD/tháng, các chi phí khác như: ăn, ở, đi lại... NLĐ tự lo, một công ty khác lại rao tuyển lao động với mức lương khoảng 200 - 300 USD/tháng đồng thời NLĐ được bao ăn, ở. Quan trọng nhất là mức thu phí dịch vụ trước khi đi đối với NLĐ, mức thu hiện nay do các công ty đưa ra chênh lệch rất xa, có công ty đưa ra mức thu 1.300 USD/người (trong đó 200 USD là tiền đặt cọc), công ty khác thì chỉ có 800 USD (tiền đặt cọc là 250 USD), thậm chí có nơi tuyên bố chi phí đi chỉ khoảng 500 USD trở xuống... Theo các công ty XKLĐ, tình trạng mạnh ai nấy làm và làm khác biệt nhau hiện nay là do họ vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào của Bộ LĐ-TB-XH và Cục Quản lý lao động với nước ngoài về việc XKLĐ sang Malaysia. Ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cơ quan chức năng nên sớm có những quy định về các khoản chi phí đi cụ thể và mức thu nhập không quá thấp để tránh thiệt hại cho NLĐ khi tham gia vào thị trường lao động này. Trong dịp làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng vừa qua, ông Fong Chan On cho biết: “Chúng tôi không cần kỹ năng, chuyên môn mà cần một cơ chế đảm bảo để NLĐ Việt Nam có thể dễ dàng hội nhập thích nghi với tình hình Malaysia”.
Một số điều cần biết về quy định nhập cảnh của Malaysia
Những người được phép nhập cảnh vào Malaysia: Có giấy phép nhập cảnh hợp lệ theo quy định; tên của người đó được xác nhận trên giấy phép hợp lệ và phải chính người này cầm giấy phép; có giấy phép nhập cảnh hợp lệ đến Malaysia.
Giấy phép nhập cảnh:
. Đối với lao động làm trong lĩnh vực giúp việc gia đình, nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, đốn gỗ, khai thác mỏ và khai thác đá, phí nhập cảnh là 360 ringit (RM)/năm (RM: Ringit, đơn vị tiền tệ của Malaysia, 1USD ~ 2,72 RM) (áp dụng ở Tây Malaysia, Sabah, Sarawak, Labuan) và 10 RM/ đơn xin nhập cảnh.
. Đối với lao động làm trong các lĩnh vực khác, phí nhập cảnh từ 960 - 1.200 RM/năm tùy khu vực làm việc và 50 RM/đơn xin phép nhập cảnh. Lao động không được phép mang gia đình tới cư trú tại Malaysia. Độ tuổi của lao động từ 18-45 (riêng đối với lao động giúp việc gia đình thì tuổi quy định từ 24 – 45). Lao động không được phép thay đổi chỗ làm việc và chủ lao động trừ khi được phép của Cục Nhập cư. Lao động chỉ được phép ở lại Malaysia trong thời hạn giấy phép nhập cảnh cho phép. Nếu muốn gia hạn giấy phép phải nộp đơn xin gia hạn trước 30 ngày khi giấy phép hết hạn. Tiền đặt cọc được trả lại nếu chủ sử dụng lao động hoặc người đảm bảo chứng minh rằng NLĐ đã rời khỏi công ty của họ hoặc chuyển sang làm việc cho chủ sử dụng lao động khác với sự đồng ý của Cục Nhập cư. Giấy phép nhập cảnh có thể bị thu hồi nếu có sự vi phạm các quy định của Cục Nhập cư. Lao động phải trở về nước nếu bị thôi việc, sa thải hoặc giấy phép nhập cảnh hết hạn hoặc hủy bỏ.
Công việc: Lao động nước ngoài không nghề và bán lành nghề chỉ được phép làm việc trong các lĩnh vực như: trồng trọt, xây dựng, sản xuất, dịch vụ và giúp việc gia đình. Lao động nước ngoài hiện nay được phép làm việc ở các lĩnh vực trên chỉ được giới hạn trong một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và một số nước khác như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan.
Chủ sử dụng (đối với công việc gia đình) phải có thu nhập hàng tháng ít nhất 3.000 RM mới được thuê giúp việc gia đình là người Indonesia, Thái Lan; nếu có thu nhập hàng tháng ít nhất 10.000 RM mới được thuê giúp việc gia đình là người Philippines. Đến nay, chỉ mới có lao động của 3 nước trên được làm giúp việc gia đình. Lương và các điều kiện làm việc khác về việc làm của lao động nước ngoài không được khác biệt với lao động địa phương.
Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm giữ hộ chiếu của NLĐ. Nếu NLĐ bỏ trốn, hộ chiếu sẽ được gửi đến Đại sứ quán của NLĐ.
Khi kết thúc hợp đồng lao động với người nước ngoài, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đưa lao động về nước, chi phí về nước do chủ sử dụng lao động trả.
|
Bốn công ty được cấp phép tuyển lao động làm việc tại Malaysia
- Công ty Hợp tác Lao động Nước ngoài (LOD)
+ Tại Hà Nội: 28 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ĐT: 04-8250452, 8251884.
+ Tại TPHCM: số 10 Sông Đà, P.2, Q.Tân Bình, ĐT: 8485699, 8485309.
- Trung tâm Phát triển Việc làm phía Nam (HITECO)
A32 Bàu Cát, P.13, Q.Tân Bình, TPHCM, ĐT: 8490101, 8493954.
- Công ty XKLĐ Thương mại và Dịch vụ (SOVILACO)
293 Điện Biên Phủ, Q.3, TPHCM, ĐT: 9307994, 9307780.
- Công ty Dịch vụ XNK - Tiểu thủ công nghiệp các tỉnh phía Nam (COOPIMEX)
386 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, TPHCM, ĐT: 8475623
|
.
Cao Hường
|