Tại Đài Loan: 1.510 lao động VN bỏ trốn bị bắt giữ, tại Hàn Quốc: 14.495 lao động đang cư trú bất hợp pháp . Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH
. Phóng viên: Ông nghĩ gì trước hiện tượng lao động VN đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn ngày càng gia tăng?
- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tình trạng người lao động (NLĐ), tu nghiệp sinh (TNS) VN ở nước ngoài tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp (sau đây gọi chung là bỏ trốn) đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của nước ta. Đặc biệt ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hiện tượng này đến mức báo động. Phía nước ngoài đã cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện, sẽ có thể hạn chế, thậm chí đình chỉ tiếp nhận lao động VN.
. Ông có thể cho biết đã có bao nhiêu lao động VN bị bắt giữ trong các đợt truy bắt lao động nước ngoài bỏ trốn mới đây ở Đài Loan, Hàn Quốc?
- Theo thông báo của phía Đài Loan, hiện có 1.510 người VN bị bắt giữ, chưa đưa về nước. Riêng trong chiến dịch truy bắt lao động nước ngoài bất hợp pháp vào tháng 9 và 10– 2003, đã bắt được 179 lao động VN bỏ trốn. Còn Hàn Quốc cho phép NLĐ bất hợp pháp có thời gian cư trú dưới 4 năm ra đăng ký để được hợp pháp hóa (được cấp chứng nhận lưu trú và tái nhập cảnh). Hiện có 14.495 lao động VN bất hợp pháp ở Hàn Quốc trong đó có 10.871 người có đủ điều kiện để hợp pháp hóa. Đến thời hạn cuối cùng, ngày 31–10–2003, đã có 7.350 người ra đăng ký. Quá thời hạn cấp chứng nhận lưu trú và chứng nhận tái nhập cảnh vào ngày 15–11, Hàn Quốc tổ chức chiến dịch truy bắt số lao động bất hợp pháp, xử phạt và trục xuất về nước.
. Hậu quả sẽ như thế nào đối với lao động bỏ trốn bị phát hiện, bắt giữ, trục xuất về nước?
- Việc NLĐ bỏ trốn là hành vi vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp (DN) XKLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở nước ngoài, vi phạm pháp luật VN và pháp luật nước sở tại. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có chế tài, xử phạt lao động nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Thông thường là bị phạt tiền và trục xuất. Có nước còn phạt tù giam và đòn roi. Ở VN, NLĐ vi phạm bỏ trốn phải bị xử lý nghiêm. Nghị định 81/2003/CP ngày 17–7– 2003 của Chính phủ đã quy định chi tiết các biện pháp xử lý NLĐ bỏ hợp đồng tại khoản 3 - điều 35.
. Một số DN cho biết bị đối tác cắt hợp đồng chỉ vì ngại lao động VN bỏ trốn? Điều này có đúng không?
-Tình trạng lao động bỏ trốn làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động VN trên thị trường lao động quốc tế, dẫn đến không mở rộng được thị trường, thậm chí thu hẹp thị trường. Việc NLĐ bỏ trốn cũng đã gây ra những thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các DN XKLĐ VN. Các DN thường bị đối tác phạt những khoản tiền lớn do NLĐ bỏ trốn.
. Hậu quả của việc bỏ trốn là rất nặng nề. Nhưng có không ít trường hợp NLĐ bỏ trốn vì lý do bất khả kháng. Vậy họ có bị coi là vi phạm? Ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ?
- Bỏ trốn là hành vi vi phạm quy định pháp luật của nước ta và nước tiếp nhận lao động, không thể lấy bất kỳ lý do gì để biện minh. Trong trường hợp NLĐ bị NSDLĐ vi phạm hợp đồng thì trước tiên NLĐ phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để đấu tranh. Trường hợp vượt quá khả năng thì liên hệ với đại diện quản lý của DN XKLĐ, nhà chức trách địa phương nơi NLĐ làm việc hoặc liên hệ với cơ quan đại diện VN ở nước sở tại để được giúp đỡ, bảo vệ.
. Có ý kiến cho rằng, lỗi bỏ trốn một phần còn xuất phát từ DN XKLĐ, do mập mờ tuyển chọn, không công khai rõ tiền lương, thu nhập, các chi phí đóng trước và sau khi đi?
- Tỉ lệ lao động VN bỏ trốn cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở các thị trường này, nguyên nhân dẫn đến lao động bỏ trốn không xuất phát từ tình trạng mập mờ trong vấn đề tiền lương, thu nhập. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn cũng có phần trách nhiệm của DN XKLĐ, như việc tuyển chọn lao động không đúng đối tượng, còn tuyển chọn qua trung gian, môi giới...
. Trong trường hợp này, DN bị xử lý ra sao?
- Đối với các DN có vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Các chế tài xử lý đối với DN XKLĐ vi phạm đã được quy định rất cụ thể trong Nghị định 81 và Thông tư 22/2003/TT-BLĐTBXH ngày 13–10–2003 của Bộ LĐ-TB-XH. Từ đầu năm đến nay, do để xảy ra tình trạng NLĐ và TNS bỏ trốn cao, Bộ LĐ-TB-XH, Cục QLLĐNN đã đình chỉ 17 DN phái cử TNS sang Nhật Bản; đình chỉ hoạt động và tạm dừng 1 tháng cung ứng thuyền viên sang Đài Loan đối với 15 DN; đình chỉ 3 tháng cung ứng lao động sang Đài Loan đối với 3 DN và cảnh cáo 16 DN khác...
. Bộ LĐ-TB-XH, Cục QLLĐNN có biện pháp nào để chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của DN?
-Thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với các bộ ngành liên quan soạn thảo trình Chính phủ các đề án về tăng cường quản lý lao động VN ở nước ngoài và ngăn ngừa NLĐ tự ý bỏ hợp đồng. Ngoài các văn bản hiện hành, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang khẩn trương cùng Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao hoàn chỉnh và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp trong XKLĐ, trong đó có vấn đề xử lý bồi thường đối với NLĐ, TNS bỏ hợp đồng. Bộ cũng chỉ đạo các DN, các địa phương thực hiện mô hình liên thông để tuyển chọn, giáo dục định hướng, nâng cao ý thức cho NLĐ, tăng cường công tác quản lý lao động ở nước ngoài... nhằm giảm thiểu các rủi ro, hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng NLĐ bỏ trốn.
. Xin cảm ơn ông.
Người lao động vi phạm các điều khoản của hợp đồng đã ký với DN XKLĐ thì bị xử lý như sau:
- Cảnh cáo và thông báo về gia đình, địa phương nơi cư trú và đơn vị làm việc trước khi đi;
- Bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật VN.
Trường hợp người lao động vi phạm các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký với chủ sử dụng lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật nước sở tại.
(Trích khoản 3 điều 35 NĐ 81/2003/CP)
|
Duy Quốc thực hiện
|