Trong cuộc đình công ngày 9–4, một trong những yêu sách hàng đầu của 1.200 công nhân (CN) Công ty Triumph (tỉnh Bình Dương) là thành lập Công đoàn (CĐ). Tại TPHCM và tỉnh Bình Dương, Triumph không chỉ là một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng mà còn là một doanh nghiệp (DN) có nhiều tai tiếng vì xem thường luật pháp, xâm phạm quyền lợi người lao động kéo dài suốt 10 năm qua.
Mạo danh công nhân, Công đoàn
Bà Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Quản lý lao động Các Khu Công nghiệp Bình Dương, cho biết CĐ các khu công nghiệp đã nhiều lần đề nghị thành lập CĐ nhưng công ty tìm đủ cách trì hoãn. Thay vì thành lập CĐ, giám đốc công ty lại lập nên cái gọi là “ban đại diện công nhân” do bà Mai Thị Hồng, một người thân cận của ban giám đốc, làm trưởng ban! Thực chất của việc làm này là tạo hậu thuẫn cho giám đốc công ty xâm hại quyền lợi CN. Khi cuộc đình công xảy ra, bà Hồng đã đứng hẳn về phía DN, đi ngược lại lợi ích của tập thể lao động. CN khẳng định họ chưa bao giờ yêu cầu bà Hồng đại diện cho quyền lợi của mình mà chỉ yêu cầu thành lập CĐ theo đúng quy định của pháp luật. Cần nói thêm là trước đây, khi còn hoạt động tại TPHCM, Công ty Triumph đã liên tục vi phạm pháp luật lao động, trong đó có việc không thành lập CĐ. Các cơ quan chức năng TPHCM đã nhiều lần khuyến cáo công ty phải tuân thủ luật pháp nhưng công ty đối phó bằng cách chuyển lên Bình Dương và tiếp tục vi phạm.
Việc thành lập những tổ chức đại diện cho NLĐ không theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam không phải là cá biệt. Trước đây, trong cuộc tranh chấp lao động tại Công ty V. Flame (Khu Chế xuất Tân Thuận, TPHCM), một số nhân viên điều hành đã lập ra “ban đại diện” nhằm lôi kéo CN vào mục đích cá nhân. LĐLĐ TPHCM và CĐ Các Khu chế xuất- Khu công nghiệp TPHCM đã kịp thời can thiệp, giải tán ngay “ban đại diện” bất hợp pháp này. Ở Đà Nẵng, một DN có vốn đầu tư của Đài Loan cũng tùy tiện lập ra một tổ chức đại diện CN với mục đích, tính chất như vậy nhưng đã bị các cơ quan chức năng buộc giải thể.
Ngăn cản thành lập Công đoàn và cái giá phải trả
Một thực tế khác là dù việc thành lập CĐ đã được luật pháp quy định, song nhiều người sử dụng lao động vẫn cố tình ngăn cản, né tránh thực hiện. Ngày 25-4, các nhân viên làm việc tại cao ốc Thuận Kiều Plaza (quận 5 - TPHCM) đã được đơn vị sử dụng lao động xúc tiến làm thủ tục ký hợp đồng lao động; tuy nhiên, hợp đồng lao động chỉ có thời hạn 6 tháng (từ 1-2 đến 31-7). Các nhân viên cho biết nhiều quyền lợi của họ bị cắt giảm nhưng không có ai đứng ra bảo vệ. Họ đã nhiều lần gởi đơn yêu cầu thành lập CĐ nhưng những người có trách nhiệm tại DN né tránh bằng cách cho rằng loại hình hợp tác kinh doanh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật CĐ. Nhiều CN cho biết, DN đã đánh đồng nhu cầu vật chất với cuộc sống thật sự của một con người và tước đoạt của họ những hoạt động mang tính tổ chức, xã hội, cộng đồng... Sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận CN sẽ phát sinh từ đấy, kéo theo rất nhiều nguy cơ không thể lường trước được.
Cách nay chưa lâu, tại quận 1 - TPHCM đã xảy ra trường hợp giám đốc một công ty ngăn cản thành lập CĐ bằng cách buộc nhân viên viết đơn xin không gia nhập CĐ. Việc này khi bị phát hiện đã làm giảm sút uy tín công ty đối với khách hàng. Từ một DN hàng đầu của ngành quảng cáo cả nước, công ty nhanh chóng suy sụp và phá sản; hàng trăm lao động bị mất việc không được hưởng một khoản trợ cấp nào. Chính ông L.Q.T, giám đốc công ty, đã thừa nhận: “Đó là cái giá mà chúng tôi phải trả cho hành vi xem thường pháp luật”.
- Bà Phan Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
“CĐ là đại diện hợp pháp duy nhất của CNVC-LĐ”
Hiến pháp, đạo luật cao nhất trong hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định “CĐ là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp CN và NLĐ, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, CNVC-LĐ” (Điều 10). Điều luật này được hệ thống pháp luật lao động cụ thể hóa bằng quy định: Việc thành lập CĐ để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ và tập thể lao động tại DN thuộc thẩm quyền CĐ địa phương hoặc CĐ ngành. Do đó, bất kỳ tổ chức nào mang danh nghĩa đại diện cho CNVC-LĐ mà không được CĐ cấp trên thành lập theo quy định của Hiến pháp và pháp luật lao động đều là bất hợp pháp và phải bị giải tán.
- Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
“Phải xử lý nghiêm khắc”
Bộ Luật Lao động (có hiệu lực từ 1-1-1995) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động (có hiệu lực từ 1-1-2003) quy định, ở những DN đang hoạt động chưa có tổ chức CĐ thì chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Luật Sửa đổi có hiệu lực và ở những DN mới thành lập thì sau 6 tháng kể từ ngày hoạt động phải thành lập tổ chức CĐ. Như vậy, sau thời gian hoạt động theo quy định, nếu DN không thành lập, chậm trễ thành lập, cản trở việc thành lập CĐ hoặc tự ý lập ra những tổ chức không phải CĐ trong DN như trường hợp tại Công ty Triumph và một số DN khác, thì phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật; không để dây dưa, kéo dài.
|