 |
Ông Trương Gia Bình. Ảnh: Xuân Thu |
Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VN ( VINASA ) Trương Gia Bình nhận định như vậy, sau khi cùng 60 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Nhật Bản (từ ngày 6 đến 12/4). TS vừa có cuộc phỏng vấn ông Bình về tương lai hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Xin ông cho biết kết quả chuyến công tác của VINASA tại Nhật Bản vừa rồi?
- Đây là lần đầu tiên Hiệp hội “đem chuông đi đánh xứ người”. Có 6 công ty thành viên của VINASA (gồm FPT, Hài Hoà, CMC, CDIT, VDC và Công ty công nghệ và phát triển TP HCM) trên tổng số 60 doanh nghiệp cùng đi với Thủ tướng. Chúng tôi đã gặp gỡ hiệp hội các ông chủ lớn (Keidanrem) của Nhật Bản; 3 hiệp hội về phần mềm, gồm: JISA (dành cho các công ty phần mềm lớn), GPSA (dành cho doanh nghiệp phần mềm cỡ vừa) và ANIA (dành cho công ty phần mềm nhỏ); tiếp kiến các quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI); Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin Nhật Bản hứa sẽ sang dự hội nghị cấp cao về CNTT và viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương ( ASOCIO ) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11.
Các công ty Nhật Bản đều có kế hoạch sang Việt Nam để hợp tác phát triển phần mềm. Điều đáng nói là cả 6 doanh nghiệp thành viên đều tìm được đối tác trong chuyến đi này. Riêng Công ty FPT đã ký thoả thuận chuyển giao hợp đồng gia công phần mềm với 5 công ty Nhật Bản, trong đó có các đại gia Hitachi, NTT và NEC. Sự hợp tác sẽ bắt đầu bằng việc đào tạo lập trình viên, dự kiến được thực hiện từ tháng 10.
- Vì sao Việt Nam lại chọn Nhật Bản là thị trường xuất khẩu phần mềm chiến lược mà không phải Mỹ hay một nước nào khác?
- Trên thực tế, thị trường xuất khẩu phần mềm mục tiêu của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản, nhưng ưu tiên số 1 là xứ sở hoa anh đào, vì hai nước có lợi thế về văn hoá, còn ở các thị trường khác chúng ta không có điểm tương đồng rõ ràng.
Việt Nam coi Nhật Bản là một trong 3 nước có quan hệ ngoại giao song phương đầy đủ nhất (cùng với Lào và Campuchia), đồng thời là đối tác làm ăn tin cậy và ổn định nhất. Hiện nay, tất cả đảng phái chính trị của Nhật đều thống nhất hợp tác với Việt Nam.
Hơn nữa, Nhật Bản cũng là một cường quốc CNTT, cả về phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Với doanh số khoảng 100 tỷ USD (năm 2002), nước này có thế mạnh về việc sản xuất các thiết bị thông minh hoạt động dựa trên hệ điều hành nguồn mở. Điểm khác biệt của Nhật Bản so với Mỹ là ngành công nghệ nước này sử dụng ngôn ngữ bản địa cao và chưa có sự bành trướng mạnh ra nước ngoài.
Những năm gần đây, Nhật Bản bắt đầu thiết lập liên minh quốc tế bằng chương trình viện trợ 15 tỷ USD mang tên Thủ tướng Koizumi. Ngoài ra, nước này còn có chuẩn về đào tạo (thi kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản), chương trình đào tạo từ xa… Các công ty nước bạn hiện có xu hướng tìm kiếm đối tác sản xuất phần mềm tại khu vực châu Á, trong đó nhiều doanh nghiệp đưa ra tỷ lệ gia công phần mềm từ 10 đến 35%. Đây sẽ là một thuận lợi lớn đối với các công ty phần mềm Việt Nam.
- Nhận định của các đối tác Nhật Bản về ngành công nghiệp phần mềm cũng như trình độ của lập trình viên Việt Nam ra sao?
- Họ đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 nước có tiềm năng hợp tác lớn, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines. Cụ thể, năm nay sẽ tăng số lập trình viên Việt Nam thực tập tại Nhật Bản theo chương trình AOTS (21 kỹ sư tham gia chương trình này vừa hoàn thành khoá đào tạo trở về).
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục mở trung tâm đào tạo lập trình viên từ xa thứ 3, tại Đà Nẵng (sau Hà Nội và TP HCM). Ngoài ra, phía bạn hứa sẽ xem xét tài trợ hai dự án xây dựng trung tâm đào tạo văn hoá và tiếng Nhật cho lập trình viên Việt Nam, và Viện công nghệ phần mềm, có chức năng tư vấn quản lý chất lượng và phần mềm nguồn mở.
Phía Nhật cũng đề xuất với Việt Nam xây dựng chính sách phần mềm nguồn mở vì các lợi ích về an ninh, hiệu quả kinh tế và phát triển nguồn nhân lực.
Một điều quan trọng là các đối tác Nhật Bản đều nhận định giá thành sản xuất phần mềm tại Việt Nam là rẻ nhất so với những nước khác, chất lượng đảm bảo và lao động có trình độ công nghệ tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam, theo họ, là hạn chế về ngôn ngữ. Họ mong muốn lập trình viên Việt Nam có thể làm việc trực tiếp với họ mà không phải qua phiên dịch. Ngoài ra, chúng ta chưa có chuyên viên về COBOL, ngôn ngữ dành cho máy mainframe (được sử dụng phổ biến tại các công ty lớn ở Nhật Bản).
- Vậy VINASA làm gì để khắc phục những hạn chế đó?
- VINASA sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo 58 về việc đưa tiếng Nhật vào chương trình học chính thức để đào tạo lập trình viên ở các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. Trong cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Nhật Bản, VINASA cũng đã kiến nghị vấn đề này và ông Koizumi hứa sẽ quan tâm chỉ đạo. Đồng thời, Hiệp hội hợp tác với Trung tâm đào tạo tiếng Nhật (VJCC) tại trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội và chuẩn bị mở lớp vào tháng 5 tới.
Trong chuyến đi lần này, VINASA đề nghị chính phủ Nhật Bản thành lập một trung tâm đào tạo ngôn ngữ cho riêng Hiệp hội. Còn Hiệp hội cũng khuyến khích các công ty thành viên tổ chức dạy tiếng Nhật cho lập trình viên của họ.
Thanh Tú thực hiện
|