Nhân ngày Người tàn tật Việt Nam 18/4, Tạp chí CNTT trực tuyến xin giới thiệu bài tổng hợp về các tấm gương người khuyết tật trong ngành công nghệ thông tin của kỹ sư Nguyễn Minh Hùng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Minh Hùng hiện đang tham gia dự án ánh Dương, dự án phát triển phần mềm đọc văn bản trong Word và trình duyệt Internet Explorer.
Sau một tai nạn bất ngờ, anh Phạm Thanh Sơn (Thành phố Vũng Tàu) trở thành người bị liệt tứ chi và đã có lúc tính chuyện quyên sinh. Nhưng trong giây phút giằng co giữa cái chết và sự sống, anh đã thức tỉnh. Vượt qua những khó khăn và thử thách đầy khắc nghiệt, đến hôm nay anh Sơn đã cho ra đời những sản phẩm phần mềm máy tính ứng dụng trong quản lý và anh đã ký hợp đồng cung cấp cho hơn 30 khách hàng là các công ty, ngân hàng với thu nhập mỗi năm lên đến hàng chục triệu đồng.
Với những nghị lực phi thường, chính anh Sơn đã tự sửa lại dấu chấm mà anh nghĩ là để kết thúc cuộc đời mình thành dấu chấm kết thúc một câu chuyện buồn, cũng là bắt đầu một câu chuyện mới, câu chuyện của người tự bước đi bằng chính trái tim và khối óc của mình.
Lòng lạc quan yêu đời và khả năng làm việc của thầy giáo mù Lê Dân Bạch Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) khiến những người bình thường kính nể. Thầy Bạch Việt đã từng tham gia hàng loạt chương trình, công trình nghiên cứu như: Phần mềm cho người khiếm thị; tham gia nhóm thiết kế Chữ Braille thống nhất Toán-Lý-Hóa cho người mù, làm trợ lý ngôn ngữ, góp ý và dịch tài liệu cho nhóm nghiên cứu lập phần mềm Ánh Dương Đọc trang web tiếng Việt cho người khiếm thị (phần mềm này đã đoạt được giải thưởng Ngày sáng tạo của Ngân hàng thế giới năm 2003).
Chưa hết, anh Việt vừa làm thông dịch viên cho giáo viên nước ngoài, vừa tham gia giảng dạy tại khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại trường này, anh là một trong những người cùng thực hiện dự án ""Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khuyết tật"". Anh Việt hiện đang có mặt ở Thủ đô Hà Nội để hoàn tất khóa bồi dưỡng tiếng Anh cao cấp trước khi lên đường đi Hoa Kỳ tham dự lớp cao học với đề tài ""Phục hồi chức năng cho người khiếm thị"".
Như thế đấy! Người khuyết tật không đồng nghĩa với người không bình thường. Họ có trái tim và khối óc thật sự mạnh mẽ. Trong năm 2001, cuộc thi sản phẩm phần mềm máy tính �Trí tuệ Việt Nam� đã có một giải Nghị Lực dành cho anh Phan Anh Dũng (Thành phố Huế) với sản phẩm bộ từ điển chữ Hán. Khán giả tham dự buổi lễ trao giải đã không khỏi xúc động khi biết anh Dũng là người bị câm điếc nhưng đã vượt qua số phận bằng 3 chữ �tự�: tự học, tự lực và tự tin.
Xin trích đoạn bài báo viết về anh Dũng như sau: Tự học để trở thành người bình thường bằng trí thông minh và sự kiên trì. Tự lực để tạo dựng và nuôi sống một gia đình đầm ấm với một vợ, hai con trai và một chỗ đứng đường hoàng trong xã hội, bằng lao động trí óc của mình. Tự tin, ngay từ khi còn nhỏ, bằng niềm tin vào khoa học, để lý giải thế giới chung quanh cũng như sự tồn tại khiếm khuyết của mình.
Trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn giới thiệu về Nguyễn Hướng Dương. Một bài báo đã mở đầu về Hướng Dương như sau: Mới 25 tuổi, đang là hướng dẫn viên du lịch thì một vụ tai nạn cướp đi mất của cô đôi chân. Tuyệt vọng, chán chường, nhưng trong những ngày tháng khủng khiếp đó, cô lại đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình cuộc đời đầy ý nghĩa của mình.
Cuộc hành trình đó là việc thành lập và phát triển Thư viện sách nói dành cho người mù. Đến với thư viện sách nói, chúng ta sẽ không khỏi kinh ngạc về khả năng làm việc của Hướng Dương cũng như của các anh chị cộng tác viên từ Đài phát thanh và Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Thư viện sách nói luôn đầy ắp những cuốn băng, đĩa bao gồm các nội dung như sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, truyện cho trẻ em, truyện cho người lớn... Không chỉ dừng lại ở đó, những nơi có nhu cầu về sách nói dù là cực Bắc hay cực Nam của đất nước thì Hướng Dương vẫn sẵn lòng cung cấp tận nơi.
Năm ngoái, Thư viện sách nói dành cho người mù do Hướng Dương đảm nhiệm đã nhận được giải thưởng chính thức tại cuộc thi ""Ngày sáng tạo Việt Nam 2003"" do Ngân hàng Thế giới tổ chức.
...Và còn rất nhiều người khuyết tật đang từng ngày vượt qua số phận của chính mình để tồn tại và đi lên. Đó là những người như anh Hoàng Mộc Kiên (khiếm thị, Hà Nội), nhân viên máy tính tại Viện vệ sinh dịch tễ. Bạn Đặng Hoài Phúc (khiếm thị, Thành phố Hồ Chí Minh), công tác tại Trung tâm Sao Mai, dạy máy vi tính cho người khiếm thị. Em Nguyễn Xuân Nghĩa (khuyết tật hai tay, Thành phố Hồ Chí Minh), là học sinh giỏi Trường Phổ thông trung học Hùng Vương. Bạn Bạch Đình Vinh (liệt nửa người, Thành phố Hà Nội), cử nhân Công nghệ thông tin, nhân viên của một công ty máy tính...
Có lẽ không ngôn từ nào có thể tả hết những cố gắng phi thường họ. Dù mang trên mình những khiếm khuyết không mong đợi nhưng tinh thần lạc quan và yêu cuộc sống của những người khuyết tật đáng để mọi người khâm phục. Họ đã và đang là những minh chứng sống động nhất cho một niềm tin: khuyết tật không phải là dấu chấm hết.
Minh Hùng tổng hợp